Suy tim độ 4 là giai đoạn cuối của căn bệnh này. Nhiều người bệnh xem đây là “dấu chấm hết”. Vậy thực tế có đúng như vậy? Tiên lượng và khả năng điều trị của bệnh ở giai đoạn này ra sao, làm cách nào để tăng khả năng sống lâu sống khỏe cho người bệnh? Những thắc mắc này sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Suy tim độ 4 là gì?
Trong các cấp độ suy tim theo hệ thống phân độ của Hiệp hội Tim mạch New York (NYHA), độ 4 là cấp độ suy tim cuối cùng. Đặc trưng của giai đoạn này là các triệu chứng suy tim như mệt mỏi, khó thở, ho khan xảy ra kể cả khi người bệnh nghỉ ngơi, do đó, người bệnh gần như mất đi khả năng vận động.
Các triệu chứng suy tim cũng xảy ra thường xuyên và trở nên trầm trọng hơn.
Việc xác định đúng nguyên nhân gây suy tim sẽ giúp tìm ra hướng điều trị hiệu quả. Mặc dù khó chữa khỏi hẳn nhưng các biện pháp điều trị này sẽ giúp thuyên giảm các triệu chứng và làm chậm tiến trình phát triển của suy tim.
2. Tiên lượng của bệnh nhân bị suy tim mức 4
Tiên lượng sống của bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối sẽ phụ thuộc vào độ tuổi, tình trạng bệnh lý đi kèm, nguyên nhân gây bệnh.
Người cao tuổi, đặc biệt là nhóm trên 65 tuổi thường có tiên lượng sống xấu nhất. Khả năng sống sau 5 năm của các bệnh nhân này rất thấp, nhất là khi họ mắc nhiều bệnh nền cùng một lúc.
Trong khi đó, những người trẻ bị bệnh suy tim tuy sức khỏe dẻo dai hơn nhưng lại có nhiều cảm xúc tiêu cực hơn. Bên cạnh đó họ cũng khó tuân thủ đúng liệu trình điều trị. Chính điều này khiến thời gian sống của họ bị rút ngắn. Tuy nhiên nếu điều trị sớm và tuân thủ phác đồ thì cơ hội sống trên 5 năm của những người này sẽ cao hơn.
Ngoài ra, các thói quen sinh hoạt, ăn uống, tập luyện cũng có tác động rất lớn đến tuổi thọ của những người bệnh suy tim. Việc ăn uống, sinh hoạt lành mạnh và tập luyện tích cực sẽ giúp người bệnh sống khỏe và sống lâu hơn.
3. Suy tim giai đoạn 4 có thể gây ra những biến chứng gì?
Khi đã đến giai đoạn 4, người bệnh suy tim không chỉ gặp phải những khó chịu, đau đớn, mệt mỏi về thể xác mà tinh thần cũng sẽ bị ảnh hưởng. Đồng thời, nguy cơ biến chứng ở giai đoạn này cũng cao nhất, bao gồm:
– Nhịp tim bất thường
– Thuyên tắc phổi, đột quỵ, nhồi máu cơ tim do cục máu đông
– Hỏng van tim
– Tổn thương thận
– Thiếu máu
– Xơ, sẹo, ung thư trong gan
– Phù phổi, tăng áp tĩnh mạch phổi
– Sụt cân
4. Cách nhận biết suy tim độ 4
Như đã nói ở trên, các triệu chứng của bệnh ở giai đoạn này thường rầm rộ và nghiêm trọng nhất, gồm:
– Ho kéo dài: Ở giai đoạn này, chức năng bơm/hút máu của tim suy giảm nghiêm trọng gây ra tình trạng ứ dịch ở phổi. Người bệnh cảm thấy khó thở nhiều hơn ngay cả khi nghỉ ngơi. Họ có thể ho bất cứ khi nào nhưng nghiêm trọng nhất là lúc nằm xuống. Đặc biệt, tình trạng ho, khó thở kịch phát về đêm là nguyên nhân làm tăng tỷ lệ tử vong cho người bệnh.
– Mệt mỏi: Người bệnh sẽ cảm thấy mệt mỏi cực độ thậm chí kiệt sức, các hoạt động đi lại và ăn uống cũng vô cùng khó khăn. Họ thường phải nghỉ ngơi tuyệt đối tại giường.
– Phù: Phù mềm, ấn lõm tại bụng hay tứ chi, tăng cân bất thường là triệu chứng dễ thấy ở những người bệnh suy tim ở giai đoạn này.
– Rối loạn giấc ngủ: Người bệnh thường khó đi vào giấc ngủ, ngủ không sâu giấc do ho và khó thở vào ban đêm. Lúc này, cảm giác mệt mỏi cũng gia tăng.
– Chán ăn: Người bệnh thường buồn nôn, đầy bụng, không thèm ăn… do hệ tiêu hóa nhận được ít máu hơn và suy giảm hoạt động.
– Nhịp tim nhanh, không đều: Do tim phải làm việc nhiều hơn để bù đắp lượng máu bị thiếu nên người bệnh có thể gặp rối loạn về nhịp tim.
– Trầm cảm: Những lo lắng về tình trạng bệnh nặng có thể khiến người bệnh rơi vào trầm cảm. Ước tính có đến 42% người bệnh bị suy tim nặng có các dấu hiệu trầm cảm.
5. Điều trị suy tim giai đoạn 4
Mức độ suy tim độ 4 sẽ trở nên tồi tệ nếu người bệnh không được điều trị, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng. Vì vậy mục đích của việc điều trị suy tim trong giai đoạn này là giúp giảm triệu chứng và ngừa biến chứng.
5.1 Điều trị suy tim độ 4 bằng thuốc
Các loại thuốc tuy không giúp chữa khỏi hoàn toàn suy tim những giúp người bệnh cải thiện các triệu chứng khó thở, ho, mệt mỏi và phòng ngừa biến chứng. Tùy từng trường hợp bệnh nhân mà các bác sĩ sẽ chỉ định dùng riêng lẻ hay kết hợp các loại thuốc như thuốc kiểm soát huyết áp, nhịp tim, mỡ máu; thuốc trợ tim; thuốc giãn mạch; thuốc chống tập kết tiểu cầu…
Bệnh nhân cần tuân thủ đơn thuốc của bác sĩ và theo dõi sức khỏe khi uống thuốc để điều chỉnh đơn thuốc khi có những bất thường.
5.2 Can thiệp ngoại khoa
Phẫu thuật là phương pháp có thể được chỉ định trong trường hợp bệnh nhân không đáp ứng thuốc, các triệu chứng quá nặng nề hoặc xuất hiện biến chứng.
5.3 Thay đổi lối sống rất có lợi cho bệnh nhân suy tim độ 4
Ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên là biện pháp có thể giúp tình trạng suy tim bớt trầm trọng.
Ở giai đoạn này, người bệnh nên hạn chế muối ở mức dưới 0,5g mỗi ngày. Nên ăn các thực phẩm giàu kali như chuối, cà chua, súp lơ, bơ, cam,…
Nên hạn chế lượng nước nạp vào cơ thể để tránh tăng tích nước. Bệnh nhân chỉ nên uống nước khi khát, có thể giảm thiểu cơn khát bằng cách ngậm đá viên, nhai kẹo cao su.
Ăn nhạt, tự chế biến bữa ăn để kiểm soát lượng muối.
Ăn đồ mềm, lỏng, dễ tiêu, có thể chia nhỏ bữa ăn để tránh tăng gánh nặng cho hệ tiêu hóa.
5.4 Nghỉ ngơi
Người được chẩn đoán suy tim giai đoạn cuối được khuyến cáo nên nghỉ ngơi tại giường với tư thế nửa nằm nửa ngồi. Nếu thấy quá khó thở có thể thở oxy. Người thân có thể hỗ trợ xoa bóp tay chân thường xuyên để tăng lưu máu lưu thông, hạn chế tắc mạch.