Cấp cứu:0901793122
English
Bệnh viện đa khoa Quốc Tế Thucuc | Hệ thống y tế TCI Hospital
Chăm sóc sức khoẻ trọn đời cho bạn
Tổng đài1900558892
Nguyên nhân nổi cục trong miệng không đau ít người để ý

Nguyên nhân nổi cục trong miệng không đau ít người để ý

Nổi cục trong miệng không đau tưởng chừng vô hại nhưng lại có thể là dấu hiệu cảnh báo những vấn đề sức khỏe răng miệng tiềm ẩn. Từ các tổn thương lành tính đến những bệnh lý nguy hiểm hơn như ung thư khoang miệng. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về hiện tượng nổi cục này và các nguyên nhân tiềm ẩn thường bị bỏ qua.

1. Hiện tượng nổi cục trong miệng không đau bất thường

1.1. Tình trạng và đặc điểm nhận biết tình trạng nổi cục

Những khối cục không đau xuất hiện trong miệng thường là các nốt sần nhỏ, có màu sắc tương tự như niêm mạc tự nhiên từ trắng nhạt đến hồng nhạt trong khoang miệng. Điều đặc biệt là những khối u này không gây cảm giác đau đớn hay bất kỳ sự khó chịu nào, khiến nhiều người dễ dàng bỏ qua. Chúng có thể hình thành từ nhiều loại mô khác nhau trong miệng, bao gồm mô xương, mô cơ, mô liên kết hoặc dây thần kinh.

1.2. Các vị trí thường gặp khi nổi cục trong miệng không đau

Chúng có thể mọc đơn lẻ, rải rác hoặc tập trung thành cụm ở nhiều vị trí khác nhau. Tuy nhiên, nổi cục trong miệng không đau thường được tìm thấy phổ biến nhất ở các khu vực sau:

– Môi

– Hai bên lưỡi

– Sàn miệng

– Phần vòm miệng mềm phía sau

dấu hiệu nổi cục trong miệng không đau

Những khối cục không đau xuất hiện phổ biến trong khoang miệng

2. Những nguyên nhân nổi cục ít ai chú ý tới

2.1. U lành tính trong khoang miệng

Phần lớn khi nổi cục trong miệng không đau xuất hiện trong miệng đều là u lành tính. Các khối u này thường không phát triển quá lớn, không đi kèm với bất kỳ triệu chứng bất thường nào và có thể tự biến mất sau một thời gian ngắn hoặc sau khi can thiệp phẫu thuật.

– Phản ứng kích thích mạn tính: Khi niêm mạc miệng liên tục chịu các tác động vật lý (như cắn môi, phục hình răng không phù hợp) hoặc hóa học (như chất kích thích) Tình trạng này có thể khiến niêm mạc sưng nhẹ hoặc tạo u cứng nhỏ.

– Mụn cóc miệng: Do virus HPV gây ra, có thể lây lan từ tay hoặc khi quan hệ bằng miệng. Dù không nguy hiểm và có thể tự biến mất sau vài tháng, nhưng mụn cóc cần được theo dõi và đôi khi cần can thiệp nếu phát triển lớn.

– Nang nhầy, nang nhái: Đây là những khối u lành tính, thường do sự tắc nghẽn hoặc tích tụ dịch từ tuyến nước bọt phụ. Nang nhầy thường gặp ở niêm mạc môi trong, có màu xanh nhạt. Nang nhái là một dạng lớn hơn của nang nhầy, xuất hiện ở sàn miệng.

– Torus – nướu xương: Là sự phát triển bất thường của xương, thường thấy ở giữa vòm miệng hoặc phía trong hàm dưới. Chúng rất phổ biến và hoàn toàn vô hại, thường không cần điều trị trừ khi chúng gây cọ xát hoặc ảnh hưởng đến việc đeo hàm giả.

– U tuyến nước bọt: Hầu hết là lành tính, nhưng một số loại có thể phát triển thành ung thư nếu không được điều trị triệt để. Các u này thường mềm, di động dưới lớp niêm mạc miệng.

– U răng: Là sự phát triển quá mức của các tế bào tạo răng, có thể trông giống như những chiếc răng nhỏ bị biến dạng hoặc một khối lớn vật liệu răng. Ở trẻ em, chúng có thể cản trở răng vĩnh viễn mọc. Ở người lớn, chúng có thể làm răng bị lệch.

viêm loét nướu

U cục thường không phát triển quá lớn, không đi kèm với bất kỳ triệu chứng bất thường

2.2. Hạch bạch huyết phản ứng nhẹ khiến nổi cục trong miệng không đau

Hạch bạch huyết có thể sưng lên và tạo thành các cục nhỏ, mềm, không đau. Chúng nằm dưới niêm mạc miệng khi phản ứng với tình trạng viêm nhiễm trong khoang miệng, ví dụ như viêm lợi hoặc sâu răng.

Tình trạng này sẽ giảm dần và biến mất khi viêm nhiễm được kiểm soát. Tuy nhiên, nếu hạch vẫn tồn tại lâu hoặc to lên bất thường, nên đi khám để loại trừ khả năng bệnh lý nghiêm trọng hơn.

2.3. Vết loét miệng và viêm nướu

Viêm loét kéo dài hoặc các loại viêm lợi mạn tính đôi khi cũng gây nên cảm giác có nổi cục không đau trong miệng.

– Loét miệng: Thường do chấn thương, thiếu vitamin hoặc dị ứng thức ăn. Loét thông thường gây đau, nhưng một số trường hợp khi mô tái tạo bất thường có thể tạo nên khối nhỏ, cứng, không đau nhưng gây vướng víu khi ăn uống.

– Viêm nướu triển dưỡng: Đây là dạng viêm nướu khiến mô nướu phát triển quá mức, có thể tạo thành khối mô cứng. Nguyên nhân thường là do mảng bám lâu ngày và vệ sinh răng miệng kém.

– Viêm lợi trùm: Gặp ở vùng răng khôn đang mọc, đặc biệt khi răng mọc lệch. Vi khuẩn và thức ăn tích tụ quanh răng khôn gây viêm, hình thành túi mủ hoặc cục cứng, có thể không đau nhưng gây khó chịu và dễ tái phát.

2.4. Ung thư khoang miệng mới khởi phát

Đây là nguyên nhân nguy hiểm nhất nhưng thường bị bỏ qua do ung thư khoang miệng giai đoạn đầu thường không gây đau, dễ bị nhầm lẫn với các u lành tính.

– Cục cứng không thay đổi kích thước hoặc ngày càng lớn dần theo thời gian.

– Xuất hiện ở các vị trí phổ biến như thành bên lưỡi, sàn miệng, hoặc vòm họng.

– Khối u có bờ nham nhở, không có ranh giới rõ ràng và dễ chảy máu khi chạm vào.

Ung thư khoang miệng có nguy cơ cao hơn ở những người hút thuốc lá và uống rượu bia lâu năm. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ung thư khoang miệng đứng thứ 16 trong số các loại ung thư phổ biến nhất trên toàn cầu, với hơn 377.000 ca mắc mới được chẩn đoán mỗi năm. Ngoài ra, nhiễm virus HPV (đặc biệt là type 16) cũng đang trở thành một nguyên nhân phổ biến gây ung thư ở vùng họng, nền lưỡi và amidan.

Ngoài các cục nổi trong miệng, ung thư khoang miệng cũng có thể kèm theo các triệu chứng khác như khó nói chuyện, khó nuốt, đau nhói tai thường xuyên, tăng tiết đờm, vết loét trong miệng kéo dài hơn 2 tuần không lành,…

3. Nổi u cục trong miệng không đau có nguy hiểm không?

Mặc dù các cục nổi trong miệng không đau không gây ra triệu chứng rõ ràng, nhưng chúng có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề sức khỏe tiềm ẩn liên quan đến răng miệng. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, các tình trạng này có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng tới ăn uống và sinh hoạt thường ngày.

– Nhiễm trùng lan rộng: Nếu khối cục cứng là do nhiễm trùng (như áp xe nướu, viêm lợi trùm), vi khuẩn có thể lây lan sang các khu vực khác như xoang, tai hoặc thậm chí não, gây ra các vấn đề sức khỏe nguy hiểm.

– Mất răng: Các bệnh lý như u nang răng, viêm nướu phì đại hoặc viêm nha chu nặng có thể phá hủy mô và xương hỗ trợ răng, khiến răng lung lay và có nguy cơ rụng sớm.

– Ung thư di căn: Nếu nguyên nhân của khối cục là ung thư và không được phát hiện kịp thời, tế bào ung thư có thể lây lan (di căn) đến các cơ quan khác như hạch bạch huyết, phổi, hoặc gan, đe dọa trực tiếp đến tính mạng.

u cục trong miệng cần khám định kỳ

U cục trong miệng không đau có thể là một dấu hiệu tưởng chừng vô hại nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Tóm lại, nổi cục trong miệng không đau không phải lúc nào cũng là dấu hiệu nguy hiểm, nhưng cũng không nên xem nhẹ. Đi thăm khám định kỳ răng miệng, giữ gìn vệ sinh miệng và tránh các thói quen xấu sẽ giúp bạn hạn chế nguy cơ hình thành các khối u bất thường trong miệng. Đừng chủ quan với những dấu hiệu nhỏ, vì đôi khi chính chúng lại là lời cảnh báo sớm của cơ thể.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Liên hệ ngay: 0936388288 để được tư vấn chi tiết!

Middle2 – Banner Ung bướu
1900558892
zaloChat