Sỏi cholesterol túi mật có nguy hiểm không?

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú

Tạ Quang Mậu

Bác sĩ Nội Khoa

Sỏi cholesterol túi mật được tìm thấy trong 80% các ca mắc sỏi mật. Đây là loại sỏi mật phổ biến nhất thế giới và bất kỳ ai cũng đều có nguy cơ gặp phải. Câu hỏi đặt ra là, sỏi cholesterol có nguy hiểm không, sỏi hình thành như thế nào, nhận biết sỏi ra sao?,… Hãy cùng đi vào tìm hiểu ngay.

1. Tìm hiểu về sỏi cholesterol túi mật

1.1. Sỏi cholesterol túi mật là gì?

Sỏi mật bao gồm 2 loại chính:

– Sỏi cholesterol

– Sỏi sắc tố mật

Trong đó, sỏi cholesterol chiếm phần đa số. Đúng như tên gọi của chúng, sỏi được tạo thành chủ yếu từ cholesterol – một trong những sản phẩm của quá trình chuyển hóa chất béo trong gan.

Sỏi cholesterol thường có màu vàng cho đến vàng đậm, vàng nâu. Mỗi viên sỏi có thể lớn tới vài centimet và đôi khi, chỉ cần vài viên sỏi cholesterol cũng đã có thể lấp đầy túi mật.

Sỏi cholesterol túi mật là gì?

Sỏi cholesterol là loại sỏi chiếm phần đa số trong các ca mắc sỏi mật.

1.2. Quá trình hình thành sỏi cholesterol túi mật

Lượng cholesterol dư thừa trong cơ thể sẽ được loại bỏ thông qua túi mật. Tuy nhiên khi số lượng cholesterol quá nhiều, lượng dung môi không đủ thì cholesterol sẽ không được tan hết và tồn đọng lại trong túi mật.

Cholesterol không tan này sẽ dính lại với nhau, ban đầu tạo thành các tinh thể cholesterol nhỏ (gọi là sỏi bùn túi mật). Theo thời gian, chúng tăng dần kích thước và đến một thời điểm nào đó sẽ kết tụ với nhau hình thành nên sỏi viên (sỏi cholesterol trong túi mật).

1.3. Dấu hiệu nhận biết sỏi túi mật

Sỏi túi mật khi mới ở giai đoạn đầu viên sỏi còn nhỏ, số lượng ít thường hiếm khi gây ra các triệu chứng cụ thể nên rất khó nhận biết trực tiếp mà thường chỉ được phát hiện thông qua khám sức khỏe tổng quát hoặc thực hiện siêu âm gan mật.

Khi sỏi phát triển kích thước lớn thường gây ra tình trạng tắc mật hoặc cản trở co bóp túi mật thì sẽ biểu hiện những triệu chứng rõ ràng hơn như:

– Cơn đau đột ngột vùng hạ sườn phải, đau tăng dần và có thể kéo dài vài phút đến vài giờ.

– Đau bụng dữ dội, đau liên tục. Đây có thể là biểu hiện của viêm tụy cấp – một dạng biến chứng do sỏi mật gây ra.

– Buồn nôn hoặc nôn.

– Vàng da, vàng mắt trong các trường hợp tắc mật do sỏi.

2. Sỏi cholesterol túi mật có nguy hiểm không?

Về mức độ nguy hiểm của sỏi sẽ cần đánh giá về nguy cơ và mức độ biến chứng do sỏi gây ra. Biến chứng phổ biến nhất gặp phải ở sỏi cholesterol trong túi mật là viêm túi mật. Viêm túi mật được chia theo 2 thể:

– Viêm túi mật cấp: Sỏi kẹt lại ở cổ túi mật hoặc trong ống dẫn mật sẽ làm ứ đọng dịch mật. Tình trạng này có thể gây viêm túi mật cấp. Khi đó, nếu không được điều trị kịp thời có thể đe dọa trực tiếp tới tính mạng người bệnh do làm phát sinh các biến chứng nguy hiểm khác như viêm phúc mạc, nhiễm khuẩn huyết, hoại tử túi mật,…

– Viêm túi mật mạn tính: Khi viêm túi mật cấp tái đi tái lại nhiều lần mà không được điều trị dứt điểm, túi mật sẽ giảm hoặc mất dần chức năng cô đặc và dự trữ dịch mật. Lúc này, thành túi mật dày cùng một ổ viêm tiềm ẩn, bất cứ khi nào cũng có thể bùng phát.

Ngoài ra, trong quá trình túi mật co bóp và tống đẩy dịch mật, viên sỏi có thể di chuyển đến các vị trí khác nhau đặc biệt là những vị trí hiểm hóc thì sẽ kéo theo những biến chứng khác như: Nhiễm trùng đường mật, viêm nhiễm đường mật cấp, viêm tụy cấp, tắc ruột, thậm chí là ung thư túi mật,…

Sỏi cholesterol túi mật có nguy hiểm không?

Biến chứng thường gặp nhất mà sỏi mật gây ra là viêm túi mật cấp và mạn tính.

3. Chỉ định điều trị sỏi cholesterol trong túi mật

3.1. Điều trị bằng thuốc

Điều trị bằng thuốc được áp dụng với các viên sỏi nhỏ (thường nhỏ hơn 10mm) và hầu như chưa gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Thuốc sẽ có tác dụng làm chậm lại sự tăng lên về kích thước và số lượng sỏi trong túi mật.

Một số loại thuốc với bản chất tương tự như acid mật có khả năng hòa tan được sỏi cholesterol trong túi mật. Thời gian điều trị thường sẽ kéo dài và tùy thuộc tính chất, kích thước viên sỏi.

Hơn nữa, việc dùng thuốc dài ngày có thể làm tăng áp lực lên gan và hệ tiêu hóa nên không thể lạm dụng. Người bệnh cần tiến hành tái khám định kỳ để bác sĩ đánh giá chi tiết hiệu quả điều trị, có phương án thay đổi trong trường hợp dùng thuốc không mang lại nhiều hiệu quả.

Lưu ý, các thông tin về thuốc nêu trên chỉ mang tính chất tham khảo. Người bệnh tuyệt đối không tự ý điều trị khi không được chỉ định từ bác sĩ.

 

Điều trị sỏi cholesterol bằng thuốc

Thuốc có tác dụng làm chậm lại quá trình phát triển của sỏi và có hiệu quả tốt với những viên sỏi nhỏ, nhỏ hơn 10mm.

3.2. Phẫu thuật cắt túi mật

Phẫu thuật cắt túi mật là cách loại bỏ sỏi túi mật nhanh và hiệu quả nhất, thường được chỉ định trong các trường hợp:

–  Sỏi túi mật có kích thước lớn (lớn hơn 25mm).

– Sỏi túi mật gây ra triệu chứng kèm đau đớn kéo dài.

– Sỏi gây nguy cơ biến chứng cao như viêm túi mật, nhiễm trùng, viêm tụy,…

– Trường hợp túi mật có quá nhiều sỏi hoặc sỏi túi mật theo kèm polyp túi mật có kích thước lớn hơn 10mm.

Cắt túi mật nội soi

Cắt túi mật nội soi là phương pháp phẫu thuật được áp dụng phổ biến nhất hiện nay nhờ những ưu điểm vượt trội hơn hẳn phương pháp mổ mở truyền thống như ít xâm lấn, ít gây đau đớn, tỷ lệ biến chứng trong và sau mổ thấp hơn, người bệnh hồi phục tốt hơn và nhanh hơn.

Người bệnh nên lựa chọn các đơn vị y tế uy tín được trang bị đầy đủ các loại máy móc hiện đại, hệ thống phòng mổ đạt tiêu chuẩn cùng đội ngũ bác sĩ ngoại khoa giỏi để đảm bảo ca phẫu thuật cắt túi mật được tiến hành thuận lợi nhất.

Như vậy, đối với người bệnh có sỏi cholesterol túi mật trước hết cần chủ động thăm khám sớm, đánh giá chính xác tình trạng của sỏi, từ đó tiến hành điều trị đúng cách để tránh những rủi ro sau này.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital