Cùng tìm hiểu đặc điểm sinh lý bệnh parkinson và nồng độ dopamin trong dịch não tủy của người bệnh. Điều này sẽ giúp bạn hiểu hơn về mối quan hệ giữa nồng độ dopamin và một số đặc điểm lâm sàng của bệnh nhân parkinson, từ đó có cái nhìn tổng quan hơn về căn bệnh này.
Menu xem nhanh:
1. Cơ chế sinh lý bệnh parkinson
Parkinson là một bệnh thoái hóa thần kinh có tiến triển nặng dần, thường gặp ở người cao tuổi (trên 60 tuổi) và ảnh hưởng nhiều tới chất lượng sống của người bệnh.
Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra được chính xác nguyên nhân gây bệnh parkinson. Theo nghiên cứu chúng ta chỉ biết rằng, đặc điểm sinh lý bệnh parkinson có liên quan trực tiếp đến nồng độ dopamin trong dịch não tủy của người bệnh.
Bản chất là sự mất đi các tế bào thần kinh dopaminergic, dẫn đến giảm nồng độ dopamin từ đó gây ra các triệu chứng của bệnh. Về mặt sinh hóa có thể định nghĩa bệnh parkinson là sự thiếu hụt dopamin ở thể vân; khi đã có biểu hiện của các triệu chứng, dopamin có thể giảm tới 70%.
2. Dopamin và vai trò của dopamin
Dopamin là chất dẫn truyền thần kinh trong não, tiền chất của noradrenalin và adrenalin. Dopamin được tổng hợp của cả hệ thống thần kinh trung ương và ngoại biên, có nhiều tác dụng sinh lý quan trọng, đặc biệt liên quan đến chức năng vận động.
Cụ thể như: kiểm soát vận động, nhận thức, học tập, khen thưởng, điều hòa giấc ngủ. Ngoài các hoạt động này và các hệ thống thần kinh trung ương, dopamin còn ảnh hưởng đến nhiều chức năng ngoại biên, bao gồm: nhu động đường tiêu hóa, giải phóng hormon, điều chỉnh huyết áp và cân bằng natri.
Trong bệnh Parkinson, việc mất các tế bào thần kinh hệ dopaminergic ở phần đặc liềm đen làm giảm nồng độ dopamin, đặc biệt khi mất đến 70 – 80%, các tế bào thần kinh này sẽ có biểu hiện triệu chứng rối loạn về vận động.
3. Nồng độ dopamin trong dịch não tủy và đặc điểm lâm sàng
Các chuyên gia cho biết, theo kết quả nghiên cứu thì nồng độ dopamin trong dịch não tủy giảm dần theo mức độ bệnh và giai đoạn bệnh parkinson.
Cụ thể:
– Khi mức độ bệnh càng nặng thì nồng độ dopamin càng giảm.
– Giai đoạn bệnh càng nặng thì nồng độ dopamin càng giảm.
Ngoài ra, các chuyên gia còn chỉ ra rằng nồng độ dopamin trong dịch não tủy ở những bệnh nhân có trầm cảm, lo âu thấp hơn nhóm không bị trầm cảm, lo âu. Điều này tức là khi người bệnh parkinson có mức độ trầm cảm, lo âu tăng thì nồng độ dopamin sẽ ngày càng giảm đi.
Các cơ chế cơ bản của trầm cảm, lo âu trong bệnh Parkinson chưa được hiểu đầy đủ. Nhưng một mô hình đa yếu tố dường như thích hợp nhất. Các yếu tố góp phần bao gồm: Yếu tố di truyền, biến cố trong cuộc sống, yếu tố tâm lý xã hội và các yếu tố cụ thể của bệnh; hơn nữa, chẩn đoán bệnh Parkinson có thể dẫn đến trầm cảm phản ứng và lo lắng về diễn biến bệnh, các khuyết tật có thể xảy ra trong tương lai và lo ngại về tương lai.
Sự rối loạn điều hòa hệ dopaminergic gồm mức dopamin hoặc chất chuyển hóa dopamin nhóm trầm cảm giảm so với nhóm không trầm cảm.
4. Các triệu chứng lâm sàng của người bệnh parkinson
Bệnh parkinson biểu hiện triệu chứng vận động và không vận động. Các triệu chứng mà chúng ta thường gặp nhất ở người bệnh parkinson đó là: run, co cứng cơ, chậm, mất cân bằng khi di chuyển, cử động.
Trong đó, các triệu chứng không vận động thường ảnh hưởng đến nhiều hệ cơ quan, chẳng hạn như hệ tiêu hóa, hệ sinh dục, … Những người được chẩn đoán mắc bệnh parkinson thường khởi phát các triệu chứng không vận động trong nhiều năm trước khi các triệu chứng vận động bắt đầu xuất hiện.
4.1 Sinh lý bệnh parkinson với các triệu chứng không vận động
Chủ yếu bao gồm: rối loạn hành vi chuyển động mắt nhanh khi ngủ, mất khứu giác, táo bón, rối loạn chức năng tiết niệu, hạ huyết áp thế đứng, buồn ngủ quá mức vào ban ngày và trầm cảm.
4.2 Sinh lý bệnh parkinson với các triệu chứng vận động
Sau sự khởi phát của các triệu chứng không vận động, các triệu chứng vận động dần xuất hiện trong bệnh parkinson. Các triệu chứng vận động thường được kể đến như: run, co cứng cơ, chậm chạp, mất cân bằng khi di chuyển và cử động.
Nhiều chuyên gia mô tả rằng, sự chậm chạp gắn liền với sự giảm dần tốc độ và biên độ các hành động lặp đi lặp lại, kèm theo một số triệu chứng bổ sung là cứng cơ, run khi ngủ, mất ổn định tư thế. Đa số các triệu chứng bắt đầu ở một bên của cơ thể, sau đó vài năm các triệu chứng này bắt đầu xuất hiện ở cả hai bên. Tư thế của người bệnh parkinson lúc này trở nên khom lưng, cứng trục và chân tay, dáng đi loạng choạng, không vung tay khi đi bộ. Sự rối loạn vận động có thể khiến khuôn mặt của người bệnh parkinson đơ cứng và biên độ viết tay (chữ viết tay) của người bệnh trở nên nhỏ hơn.
5. Mức độ xuất hiện các triệu chứng của bệnh parkinson
Ước tính khoảng 80% người bệnh bị run tay chân, phổ biến nhất là run tay khi nghỉ ngơi. Khoảng 1/4 đến 60% người bệnh bị đông cứng dáng đi (dáng đi đông cứng).
Sự mất ổn định tư thế có thể xảy ra sớm hoặc muộn trong quá trình bệnh và điều này sẽ dẫn đến té ngã và chấn thương. Rối loạn vận động miệng rất phổ biến. Rối loạn giọng nói được thể hiện bằng việc người bệnh nói rất vội vã, thường xảy ra ở hơn một nửa số bệnh nhân. Các vấn đề về nuốt đã được báo cáo ở 40–80% và một phần tư số bệnh nhân báo cáo chảy nước bọt. Rối loạn trương lực cơ là một trong những triệu chứng vận động khác ở bệnh parkinson.
Các rối loạn dự báo chẩn đoán điển hình bao gồm tư thế bàn chân ngang một bên, cánh tay trên – cẳng tay hoặc cẳng tay – bàn tay, chuột rút, loạn trương lực cơ hàm dưới, vẹo cổ hoặc sự kết hợp khác nhau của các triệu chứng này. Các triệu chứng parkinson xuất hiện trong vòng 10 năm kể từ khi bắt đầu loạn trương lực cơ.
Các nhà khoa học ước tính, có tới 80% các tế bào dopamine trong hệ thống thể vân bị mất trước khi các triệu chứng vận động cơ bản của bệnh parkinson bắt đầu xuất hiện.