Những mốc siêu âm thai nhi cơ bản mẹ bầu không nên bỏ qua

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Văn Hà

Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI, Trưởng khoa Phụ Sản

Hiện nay, siêu âm thai nhi chính là một trong những phương pháp phổ biến nhất, giúp bác sĩ có thể theo dõi sát sao sức khỏe của mẹ và bé. Việc siêu âm định kỳ này còn giúp bác sĩ phát hiện sớm những bất thường ở trẻ, từ đó đưa ra phương pháp xử lý kịp thời. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ tổng hợp các mốc siêu âm thai cơ bản, quan trọng mà mẹ bầu không nên bỏ qua. 

1. Siêu âm thai nhi tuần thứ 5 – 6: Lần đầu tiên gặp gỡ con yêu

Tuần thứ 5 – 6 được xem là mốc siêu âm thai cơ bản đầu tiên và vô cùng quan trọng trong thai kỳ. Vào thời điểm này, mẹ cần siêu âm để xác định chính xác liệu mình có đang mang thai hay không sau những lần thử thai tại nhà trước đó. Trong lần siêu âm này, bác sĩ cũng sẽ giúp mẹ bầu kiểm tra vị trí làm tổ của phôi thai. Về cơ bản, thai lúc này đã chui vào trong tử cung và đang hình thành phôi thai, nên mẹ có thể nghe rõ tim thai qua siêu âm.

Siêu âm thai nhi là việc vô cùng quan trọng mẹ bầu nào cũng cần thực hiện

Siêu âm thai nhi là việc vô cùng quan trọng mẹ bầu nào cũng cần thực hiện

Quan trọng nhất là vào lần siêu âm thai này, mẹ bầu sẽ được bác sĩ tính toán tuổi thai dựa vào kỳ kinh cuối. Ngoài ra, các mẹ cũng nên trao đổi với bác sĩ về những vấn đề liên quan đến tiền sử sinh sản, cũng như những vấn đề sức khỏe khác để chăm sóc thai kỳ một cách tốt nhất. Với những mẹ đã từng sảy thai nhiều lần hay sinh con bị dị tật thì lại càng nên lưu ý điều này. Bởi lẽ khi thông báo điều này, các bác sĩ sẽ giúp mẹ thực hiện phương pháp sàng lọc trước sinh sớm nhất có thể.

Bên cạnh đó, khi đi siêu âm thai vào thời điểm này, mẹ bầu còn được tư vấn về chế độ dinh dưỡng cũng như sinh hoạt sao cho điều độ và khoa học nhất. Sau khi thực hiện siêu âm, một số mẹ sẽ được chỉ định uống thêm sắt hoặc acid folic nếu cần.

2. Tuần thứ 8 của thai kỳ: Nghe từng nhịp tim của con

Có rất nhiều trường hợp mẹ bầu đi siêu âm vào tuần 5 – 6 của thai kỳ chưa thấy rõ phôi thai hoặc tim thai. Đây chính là lý do tại sao một số mẹ bầu cần tới bệnh viện lần nữa để siêu âm vào tuần thứ 8 của thai kỳ. Về cơ bản, lần siêu âm thứ 2 này khá giống với lần đầu tiên, nhưng bác sĩ sẽ kiểm tra một cách toàn diện hơn.

Mục đích của việc siêu âm thai nhi ở tuần thứ 8 này là nhằm xác định tim thai cũng như các vấn đề bất thường liên quan tới sự phát triển của phôi thai (nếu có). Ngoài ra, các mẹ bầu cũng sẽ được bác sĩ tư vấn thêm về chế độ dinh dưỡng hoặc kê đơn thuốc uống bổ sung.

3. Tuần thứ 11 – 13 của thai kỳ: Kiểm tra dị tật thai nhi

Vào tuần thứ 11 – 13 tuần 6 ngày của thai kỳ, bác sĩ có thể phát hiện ra các dị tật biểu hiện ra bên ngoài cơ thể của thai nhi thông qua việc siêu âm cơ bản. Đây chính là thời điểm các mẹ bầu nên đến bệnh viện để kiểm tra xem thai nhi có đang phát triển bất thường hay không. 

Lúc này, bác sĩ sẽ giúp mẹ bầu đo tim thai, kiểm tra các chi đang lớn dần của bé cũng như cơ hoành. Để tầm soát sớm dị tật thai nhi, mẹ bầu nên thực hiện Double test.

Thông qua việc đo độ mờ da gáy, bác sĩ có thể xác định xem bé có nguy cơ mắc hội chứng Down hay không. Nếu kết quả đo độ mờ da gáy có dấu hiệu bất thường, bác sĩ sẽ thông báo và khuyến cáo mẹ nên thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu để chẩn đoán chính xác nhất.

4. Tuần thứ 16 – 20 của thai kỳ: Thăm con yêu định kỳ

Siêu âm thai giúp mẹ nhìn rõ hình thái của con yêu trong bụng

Siêu âm thai giúp mẹ nhìn rõ hình thái của con yêu trong bụng

Khi thai nhi được khoảng 16 – 20 tuần tuổi, mẹ bầu nên quay lại bệnh viện để tiếp tục kiểm tra sự phát triển của thai nhi. Phương pháp siêu âm vào giai đoạn này sẽ giúp mẹ xác định được những bất thường về lượng nước ối, cũng như xem thai nhi có phát triển ổn định hay không. Đồng thời, bác sĩ cũng sẽ đo tim thai và tử cung của mẹ để phục vụ cho việc chuẩn bị sinh nở về sau.

Khi đi siêu âm thai nhi vào lần thứ tư này, một số mẹ bầu thường làm thêm xét nghiệm Triple test để xác định những bất thường về nhiễm sắc thể hay ống thần kinh nếu có. Bác sĩ sẽ tùy thuộc vào hình ảnh siêu âm cùng kết quả xét nghiệm này để xem mẹ bầu có phải chọc ối hay không.

5. Tuần thứ 24 – 28 của thai kỳ: Theo sát sự phát triển của con yêu

Từ tuần thứ 24 – 28 của thai kỳ là giai đoạn khá nhạy cảm. Đây là thời điểm quan trọng để bác sĩ đưa ra quyết định có cần phải đình chỉ thai kỳ hay không (trong trường hợp có bất thường xảy ra). Do đó, việc siêu âm trong thời điểm này là vô cùng cần thiết cho mẹ bầu.

Vào khoảng thời gian này, bác sĩ sẽ giúp mẹ kiểm tra tình trạng nước ối, nhau thai, cân nặng cũng như các bất thường về hình thái và tim thai của bé. Trong trường hợp mẹ thấy cơ thể có những dấu hiệu bất thường, hãy trao đổi ngay với bác sĩ trong lần siêu âm thai nhi thứ 5 này nhé.

6. Tuần thứ 32 – 36 của thai kỳ: Kiểm tra vị trí của ngôi thai

Mẹ nên siêu âm định kỳ để bác sĩ phát hiện sớm những bất thường nếu có

Mẹ nên siêu âm định kỳ để bác sĩ phát hiện sớm những bất thường nếu có

Vào tuần thứ 32 – 36 của thai kỳ, mẹ bầu đã bước sang tam cá nguyệt thứ 3 và chuẩn bị cho hành trình vượt cạn. Trong quá trình thực hiện siêu âm, bác sĩ sẽ kiểm tra vị trí ngôi thai của bé trong bụng mẹ. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ kiểm tra tử cung của mẹ để phát hiện những dấu hiệu sinh non nếu có. Lúc này, mẹ sẽ cần thực hiện một số xét nghiệm bổ sung như xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu.

7. Tuần thứ 36 – 40 của thai kỳ: Giai đoạn chuẩn bị vượt cạn

Tuần thứ 36 – 40 của thai kỳ là giai đoạn rất gần với thời điểm con yêu chào đời, nên mẹ bầu có thể sẽ phải thực hiện siêu âm thai nhi 1 lần/ tuần thay vì định kỳ như trước. Khi siêu âm, bác sĩ cũng sẽ kiểm tra ngôi thai và sự tăng trưởng của con. Trong trường hợp ngôi thai ở vị trí bất lợi cho mẹ, bác sĩ có thể sẽ chỉ định mổ khẩn cấp để tránh nguy hiểm cho mẹ và con.

Qua bài viết trên đây, chúng tôi hy vọng các bạn đã nắm rõ những mốc siêu âm thai nhi cơ bản. Để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ lẫn con, các mẹ bầu hãy đi siêu âm định kỳ theo chỉ định của bác sĩ nhé.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital