Nhiều người còn khá xa lạ với khái niệm siêu âm mạch máu vì thường chỉ nghe nói đến siêu ổ bụng tổng quát, siêu âm tim,… Chính vì vậy mà những lợi ích tuyệt vời của phương pháp này được ít người biết đến. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những kiến thức tổng quan và những lợi ích tuyệt vời mà phương pháp này mang lại.
Menu xem nhanh:
1. Siêu âm mạch máu là gì?
Đây là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn, sử dụng sóng âm phát ra từ máy siêu âm, qua đầu dò đi vào cơ thể, sóng âm sẽ được phản hồi lại cho hình ảnh trên màn hình. Giúp bác sĩ kiểm tra, đánh giá hệ thống tuần hoàn máu bên trong cơ thể người bệnh và có thể mô phỏng lại hình ảnh, cấu trúc, kích thước, sự lưu thông của động mạch, tĩnh mạch từ đó xác định sự tắc nghẽn và vị trí cục máu đông nếu có.
2. Siêu âm mạch máu có đau không?
Đây là phương pháp thăm dò không xâm lấn nên không gây đau hay chảy máu, không sử dụng tia bức xạ X hay ion hóa nên hoàn toàn an toàn cho người bệnh kể phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ.
3. Những lợi ích tuyệt vời mà siêu âm mạch máu mang lại
Các bệnh tim mạch nói chung và bệnh mạch máu nói riêng ngày càng có xu hướng gia tăng. Nếu người bệnh không được chẩn đoán và phát hiện kịp thời, những bệnh lý liên quan đến tuần hoàn máu, tĩnh mạch như: tổn thương tắc, hẹp động mạch hay bệnh mãn tính hệ tĩnh mạch có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, khó điều trị, thậm chí là tử vong đột ngột. Chính vì vậy, đây là một kỹ thuật rất có giá trị, giúp phát hiện nhanh chóng những bất thường ở mạch máu. Hơn nữa, kỹ thuật này không chỉ đánh giá các tổn thương mạch máu về hình thái giải phẫu mà còn đánh giá được sự biến đổi về mặt huyết động.
Cụ thể:
- Theo dõi dòng chảy của mạch máu tới các mô, các cơ quan.
- Phát hiện vị trí tắc nghẽn, những mảng bám bất thường, vị trí các cục máu đông.
- Đánh giá bệnh nhân có thực hiện được nong mạch vành hay không?
- Kiểm tra xem người bệnh có mắc bệnh lý mạch máu như phình động mạch chủ bụng hay không?
- Xác định nguồn gốc, mức độ nặng – nhẹ của chứng suy giãn tĩnh mạch.
4. Quy trình siêu âm
4.1 Chuẩn bị
Người bệnh cần mặc trang phục rộng rãi, thoải mái, tháo bỏ các vật dụng trang sức để tiện cho việc siêu âm.
4.2 Quy trình
Người bệnh được hướng dẫn nằm nghiêng hoặc úp trên một mặt phẳng tủy theo vị trí cần siêu âm. Bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn vị trí nằm phù hợp sao cho thoải mái nhất.
Tại vị trí cần được siêu âm, bác sĩ sẽ bôi một lớp gel lên da, sau đó dùng đầu dò di chuyển ở khu vực này và hình ảnh sẽ được thu lại trên màn hình máy tính của máy siêu âm.
Người bệnh hạn chế cử động trong quá trình siêu âm, nên nằm yên để bác sĩ thực hiện thao tác. Với trẻ nhỏ hiếu động, có thể nhờ sự trợ giúp của y tá hoặc ba mẹ để giữ bé nằm yên và động viên con giúp bé hợp tác, bác sĩ có thể thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
Quá trình siêu âm thường diễn ra khoảng 15-45 phút. Sau đó người bệnh được lau sạch lớp gel trên người và chỉnh lại trang phục và đợi lấy kết quả. Kết quả siêu âm sẽ có ngay sau đó. Sau khi siêu âm xong bạn có thể thực hiện các hoạt động khác như bình thường.
5. Siêu âm mạch máu bằng phương pháp Doppler
Hiện nay phương pháp siêu âm Doppler mạch máu được ứng dụng khá phổ biến vì nó mang lại kết quả chẩn đoán chính xác hơn so với siêu âm thông thường (siêu âm đen trắng thông thường).
5.1 Những lợi ích khi siêu âm mạch máu bằng phương pháp Doppler
- Cho phép khảo sát sự chuyển động của các vật thể với hình ảnh trên màn hình dưới dạng màu sắc, có các dạng sóng chạy khác nhau, tín hiệu âm thanh đặc trưng có thể nghe được.
- An toàn, hoàn toàn không gây đau, dễ quan sát và theo dõi, đánh giá hệ tuần hoàn máu thông qua các động mạch và tĩnh mạch chính trong cơ thể.
5.2 Siêu âm Doppler mạch máu gồm những loại nào?
- Siêu âm Doppler liên tục: đầu dò có 2 tinh thể, phát sóng và nhận sóng phản hồi liên tục
- Siêu âm Doppler xung: đầu dò có 1 tinh thể vừa có chức năng phát và nhận sóng phản hồi.
- Siêu âm Doppler màu: được ứng dụng nhiều hiện nay. Hình ảnh xung được mã hóa bằng màu sắc phủ lên hình siêu âm 2 chiều.
- Siêu Doppler năng lượng: dùng để khảo sát mức độ tín hiệu Doppler, không quan tâm đến hướng dòng chảy.
5.3 Siêu âm Doppler có thể ứng dụng được nhiều vị trí
- Siêu âm Doppler hệ động mạch cảnh – sống nền ngoài sọ
- Siêu âm Doppler động mạch chủ bụng
- Siêu âm Doppler hệ động mạch chi dưới
- Siêu âm Doppler động mạch thận
- Siêu âm Doppler hệ tĩnh mạch chi dưới
6. Những dấu hiệu bạn nên đi siêu âm
Thông thường khi kiểm tra sức khỏe định kỳ, các bác sĩ thường chỉ định siêu âm ổ bụng tổng quát, siêu âm tuyến giáp. Nếu có một số biểu hiện bất thường, bác sĩ có thể chỉ định siêu âm mạch máu để tầm soát.
Một số dấu hiệu người bệnh nên đi khám và thực hiện siêu âm về mạch máu theo chỉ định của bác sĩ như:
- Chân, tay tê bì, bàn chân bị xơ cứng, có thể có cảm giác đau, nhức.
- Người có cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch nông nằm ngay dưới bề mặt da.
- Chân, tay bị bị phù, viêm, sưng tấy.
- Người bị suy giãn tĩnh mạch
Cần thăm khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời trong trường hợp có bất thường, tránh biến chứng nguy hiểm.
Bạn cũng nên chọn những đơn vị y tế uy tín có hệ thống máy móc hiện đại, bác sĩ và kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh có tay nghề cao và nhiều năm kinh nghiệm. Nhờ vậy, việc chẩn đoán sẽ cho kết quả chính xác và phác đồ điều trị thích hợp, hiệu quả.