Rối loạn mỡ máu có thể gây tử vong, cách dự phòng

Tham vấn bác sĩ
Đại tá, PGS.TS, BSCK II, Thầy thuốc nhân dân

Nguyễn Văn Quýnh

Bác sĩ Nội Khoa

Theo thống kê ở Việt Nam, tỷ lệ người trưởng thành mắc rối loạn mỡ máu là 29%. Đây là căn bệnh nguy hiểm, diễn biến âm thầm, gây ra nhiều biến chứng trước mắt và lâu dài, có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy việc dự phòng và điều trị bệnh hiệu quả là vô cùng quan trọng.

1. Rối loạn mỡ máu là gì?

Trước khi tìm hiểu rối loạn mỡ máu là gì, bạn cần biết mỡ máu gồm những thành phần nào và đặc điểm ra sao.

Cholesterol là thành phần chủ yếu của mỡ máu. Cholesterol lại được chia thành 2 loại:

LDL-Cholesterol

Đây được coi là cholesterol xấu vì khi lượng LDL tăng nhiều sẽ dễ dẫn đến sự lắng đọng ở thành mạch máu (đặc biệt ở tim và ở não). Đây là nguyên nhân hàng đầu hình thành các mảng xơ vữa động mạch, gây hẹp, tắc mạch, dẫn đến nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não.

HDL – Cholesterol

HDL – Cholesterol được xem là cholesterol loại tốt. Bởi nó vận chuyển cholesterol từ máu trở về gan để chuyển hóa. Đồng thời HDL – Cholesterol giúp vận chuyển cholesterol ra khỏi mảng xơ vữa thành mạch máu.

Triglycerides

Triglyceride là một dạng mỡ trong cơ thể bạn. Ở những người béo phì/thừa cân, đái tháo đường, lười vận động, hút thuốc lá, uống rượu quá nhiều…triglyceride thường tăng cao. Điều này kéo theo tăng cholesterol toàn phần, bao gồm tăng LDL và giảm HDL.

Rối loạn mỡ máu (hay rối loạn lipid máu, máu nhiễm mỡ) là tình trạng mỡ máu có một hoặc nhiều trong số các rối loạn sau:

– Cholesterol toàn phần tăng, triglycerides tăng.

– Nồng độ HDL-C giảm, LDL-C tăng.

Những rối loạn về mỡ máu thường xảy ra khi 1 số thành phần mỡ trong máu tăng hoặc giảm một cách quá mức.

Những rối loạn về mỡ máu thường xảy ra khi 1 số thành phần mỡ trong máu tăng hoặc giảm một cách quá mức.

2. Bệnh mỡ máu thường do những nguyên nhân nào?

Di truyền

Những người có người thân bị máu nhiễm mỡ thường dễ mắc bệnh rối loạn mỡ máu. Một số người có hiện tượng tăng cholesterol máu do rối loạn hỗn hợp gen.

Chế độ ăn

Những người ăn nhiều mỡ động vật, đồ ăn có chứa nhiều cholesterol hay dư thừa năng lượng sẽ dễ có nguy cơ cao bị rối loạn lipid trong máu.

Các bệnh lý

Các bệnh lý như đái tháo đường, suy giáp, suy thận,…có thể là những nguyên nhân gây máu nhiễm mỡ thứ phát. Khi mang những bệnh lý này, người bệnh cần kiểm soát và điều trị hiệu quả để các tránh nguy cơ mắc chứng rối loạn về mỡ máu.

Các nguyên nhân gây rối loạn lipid máu

Các nguyên nhân gây rối loạn lipid máu

3. Nhận biết mắc bệnh mỡ máu như thế nào?

Những bệnh nhân mắc bệnh ở mức độ nhẹ thường ít biểu hiện thành triệu chứng. Khi bệnh nặng dần, bệnh nhân có thể có những biểu hiện sau:

– Chóng mặt, mệt mỏi
– Mất ngủ
– Giảm trí nhớ, hay quên
– Thừa cân, béo phì
– Tức ngực, đau ngực
– Thở gấp, hụt hơi, nghẹt mũi
– Mạch đập đứt quãng
– Đi không vững
– Xuất hiện thay đổi ở vòm giác mạc và vùng đáy mắt

4. Bệnh rối loạn lipid gây những biến chứng nguy hiểm nào?

Không chỉ gây những thay đổi không mong trong cuộc sống sinh hoạt của bệnh nhân, rối loạn lipid máu còn có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm:

4.1. Bệnh tim mạch

Sự tích tụ cholesterol thúc đẩy sự hình thành các mảng xơ vữa, gây hàng loạt biến cố tim mạch như tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim,…

4.2. Đột quỵ não

Các mảng xơ vữa hình thành gây hẹp, tắc động mạch, khiến lưu lượng máu lên não giảm, dễ dẫn đến đột quỵ. Nếu các mạch máu bị vỡ có thể gây đột quỵ xuất huyết não.

4.3. Bệnh gan

Thông thường, chất béo sẽ được chuyển hóa tại gan. Nếu nhiều cholesterol xấu trong máu sẽ khiến gan phải làm việc nhiều hơn để chuyển hóa, gây tổn thương gan. Mỡ không được chuyển hóa hết tích tụ trong gan là một trong những nguyên nhân gây các bệnh gan nhiễm mỡ, xơ gan,…

4.4. Viêm tụy do rối loạn mỡ máu

Lượng triglycerides quá cao có thể gây viêm tụy cấp. Nếu dịch tiêu hóa rò ra ngoài tuyến tụy có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

4.5. Tiểu đường

Triglycerides tăng quá cao sẽ kích thích tuyến tụy tiết insulin, gây tiểu đường.

4.6. Giảm trí nhớ

Cholesterol tích tụ khiến lượng máu lên não giảm, làm giảm khả năng hoạt động của hệ thần kinh. Ngoài ra, protein độc hại (Amyloid) do mỡ tạo nên cũng là một trong những nguyên nhân gây sa sút trí tuệ.

Báo động về tình trạng máu nhiễm mỡ ở Việt Nam và các nước

Báo động về tình trạng máu nhiễm mỡ ở Việt Nam và các nước

5. Dự phòng và điều trị bệnh mỡ máu như thế nào?

5.1. Cải thiện chế độ ăn

Để phòng ngừa và điều trị rối loạn mỡ máu, điều quan trọng hàng đầu là điều chỉnh chế độ ăn và sinh hoạt.

– Tránh hoặc giảm ăn mỡ động vật, lòng đỏ trứng, phủ tạng động vật (gan, lòng, dồi…), các loại phô-mát, sữa nguyên kem…

– Tăng cường ăn hoa quả tươi, rau, và các loại ngũ cốc

– Bổ sung các chất béo không bão hòa bằng cách ăn nhiều cá, hạt, củ và dầu thực vật. Cá hồi, cá trích, quả bơ, quả ô liu, các dầu ăn từ hướng dương, dầu đậu nành, dầu ngô…là một số thực phẩm được khuyên dùng.

– Giảm lượng tinh bột xuống 55 – 60 % khẩu phần.

Chế độ ăn này cần được duy trì thường xuyên trong thời gian dài, đặc biệt là đối với những bệnh nhân thừa cân, béo phì.

5.2. Tập thể dục giúp cải thiện tình trạng rối loạn mỡ máu

Tập thể dục đều đặn hàng ngày là điều bạn nên làm để phòng ngừa và tăng hiệu quả điều trị mỡ máu. Việc này không chỉ giúp giảm cân nặng, tiêu hao lượng mỡ thừa trong cơ thể, giúp bệnh nhân yêu đời, vui vẻ hơn mà còn giúp giảm lượng cholesterol “xấu” và làm tăng lượng cholesterol “tốt”, giúp cải thiện tình trạng rối loạn lipid.

5.3. Thay đổi thói quen xấu

​Các thói quen xấu như hút thuốc lá, thuốc lào, uống rượu gây ảnh hưởng không tốt tới tình trạng rối loạn lipid và gây hại tới các cơ quan khác trong cơ thể. Đối với cả người bình thường và những người đã bị mỡ máu, việc từ bỏ các thói quen này đều có ý nghĩa rất lớn cho sức khỏe.

Trái cây, rau xanh là thực phẩm cần thiết cho người bị bệnh này

Trái cây, rau xanh là thực phẩm cần thiết cho người bị bệnh này

5.4. Điều trị mỡ máu bằng thuốc

Hiện nay, một số loại thuốc có thể được sử dụng để điều chỉnh mỡ máu phù hợp cho người bệnh. Đó là statins, niacin…

Các phác đồ điều trị rối loạn mỡ máu kết hợp giữa các loại thuốc và chế độ dinh dưỡng dinh hoạt lành mạnh ngày càng chứng minh được giá trị. Đó là hiệu quả cao và khả năng giảm tỷ lệ các biến chứng của bệnh.

Trong bất kỳ trường hợp nào, việc phát hiện sớm các dấu hiệu rối loạn lipid có ý nghĩa rất quan trọng.  Vì vậy, người bệnh hoặc người có nguy cơ mắc bệnh này nên khám sức khỏe định kỳ tại các cơ sở y tế chuyên sâu hoặc khám ngay khi có những dấu hiệu bất thường của cơ thể.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital