Thủy tinh thể là bộ phận quan trọng giúp hội tụ ánh sáng trên võng mạc để mắt có thể nhìn rõ được mọi vật. Thủy tinh thể bị đục không chỉ gây suy giảm thị lực mà còn có thể dẫn tới mù lòa nếu không được điều trị kịp thời. Phẫu thuật Phaco là giải pháp hàng đầu hiện nay được áp dụng để điều trị đục thủy tinh thể. Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn về quy trình kỹ thuật mổ Phaco ngay trong bài viết sau.
Menu xem nhanh:
1. Phẫu thuật Phaco là gì?
Phẫu thuật Phaco là một trong những phương pháp hiện đại được áp dụng để điều trị đục thủy tinh thể. Với phương pháp này, bác sĩ sử dụng một hệ thống máy móc đặc biệt hoạt động dựa trên sóng siêu âm để nhũ tương hóa thủy tinh thể bị đục và giúp bác sĩ thay thế thể thủy tinh nhân tạo để cải thiện thị lực cho người bệnh.
Thủy tinh thể được sử dụng có hai loại chính là đơn cự và đa cự:
– Đơn cự: Nhân đơn tiêu cự cho tầm nhìn xa rõ hoặc tầm nhìn gần rõ. Người bệnh phải sử dụng thêm một loại kính hỗ trợ đối với khoảng nhìn không được ưu tiên.
– Đa cự: Nhân đa tiêu cự có thể giúp người bệnh nhìn ở cự ly gần trong khoảng từ 30-50cm, trung bình trong khoảng từ 50-100cm và xa trong khoảng dưới 1m. Với loại thủy tinh thể này, người bệnh không cần sử dụng thêm kính hỗ trợ.
Mổ Phaco được các chuyên gia trong lĩnh vực nhãn khoa đánh giá cao với nhiều ưu điểm vượt trội trong việc khắc phục tình trạng đục thủy tinh thể:
– Thời gian phẫu thuật nhanh chóng chỉ với từ 15-20 phút.
– Không gây đau, không gây chảy máu trong quá trình phẫu thuật.
– Vết mổ rất nhỏ, chỉ từ 2,2 tới 2,6mm nên không cần khâu, giảm tối đa tỷ lệ loạn thị hậu phẫu.
– Hạn chế tổn thương mô nội nhãn trong quá trình bác sĩ thao tác.
– Thị lực phục hồi sau vài giờ phẫu thuật và chỉ cần theo dõi hậu phẫu trong khoảng 24 giờ.
– Quá trình phẫu thuật diễn ra an toàn, nguy cơ biến chứng gần như bằng 0 nếu tuân thủ chỉ định của bác sĩ.
2. Chỉ định mổ Phaco
Phẫu thuật là giải pháp hữu ích nhất hiện nay, giúp cải thiện thị lực cho những người có thủy tinh thể bị đục. Đeo kính chỉ là giải pháp tạm thời và gây nhiều bất tiện trong sinh hoạt đối với những người lớn tuổi. Người được chỉ định phẫu thuật cần phải đáp ứng các tiêu chỉ:
– Không bị các bệnh lý toàn thân cấp tính.
– Không mắc viêm nhiễm vùng mắt: viêm kết mạc, viêm nội nhãn, viêm giác mạc…
– Nhãn áp đạt điều kiện cho phép.
– Không có tiền sử mắc bệnh lý tim mạch, huyết áp.
– Mắc tiểu đường nhưng có chỉ số đường huyết dưới 10.
Người bệnh cần được thăm khám kỹ lưỡng với bác sĩ nhãn khoa chuyên môn cao để được đánh giá tình trạng sức khỏe và chỉ định phẫu thuật.
3. Quy trình kỹ thuật mổ Phaco
3.1. Thăm khám nhãn khoa
Người bệnh cần được thăm khám với bác sĩ nhãn khoa để đánh giá tình trạng thị lực, mức độ đục thủy tinh thể. Bác sĩ sẽ căn cứ vào bệnh lý của từng người để chỉ định điều trị với phương pháp phù hợp. Sau đó, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện các xét nghiệm, phục vụ cho quá trình phẫu thuật diễn ra an toàn.
3.2. Gây tê màng mắt
Gây tê là kỹ thuật giúp người bệnh cảm thấy thoải mái, dễ chịu nhất trong quá trình phẫu thuật. Các bác sĩ sẽ tiến hành gây tê màng mắt sau khi đã thăm khám và xét nghiệm kỹ lưỡng để đánh giá mức độ an toàn với thuốc gây tê.
3.3. Tách màng bao
Bác sĩ tiến hành rạch để tạo một đường thông nhỏ trên giác mạc với kích thước siêu nhỏ, chỉ từ 2,2-2,6mm. Sau đó, thực hiện tách màng bao trước thể thủy tinh và giác mạc (tiền phòng).
3.4. Tán nhuyễn và hút bỏ
Đầu máy Phaco bằng sóng siêu âm sẽ tán nhuyễn thể thủy tinh bị đục và bác sĩ sẽ hút ra ngoài, thông qua vết mổ.
3.5. Ghép ống kính nội nhãn
Bác sĩ đặt thủy tinh thể nhân tạo vào trong dụng cụ bơm, sau đó đưa thủy tinh thể nhân tạo vào trong mắt qua đường rạch nhỏ. Sau khi đưa thủy tinh thể nhân tạo vào trong, bác sĩ sẽ điều chỉnh vị trí để đảm bảo ánh sáng hội tụ đúng trên võng mạc, giúp mọi người có thể nhìn rõ vật trước mắt.
3.6. Khử trùng
Vệ sinh kỹ lưỡng vùng mắt sau mổ và kết thúc quá trình phẫu thuật. Đường rạch rất nhỏ nên giác mạc có thể tự liền mà không cần khâu.
3.7. Theo dõi hậu phẫu
Người bệnh được đưa tới phòng theo dõi sau khi phẫu thuật trong khoảng 24 giờ. Sau đó, bác sĩ sẽ tái khám và đánh giá thị lực của người bệnh, cho người bệnh xuất viện theo dõi tại nhà.
4. Chăm sóc hậu phẫu
Mục đích của phẫu thuật là thay ống kính nội nhãn nhân tạo giúp khôi phục thị lực cho người bệnh Sau phẫu thuật, thị lực của người bệnh có thể cải thiện đáng kể, nhiều trường hợp khôi phục 10/10. Tuy nhiên để duy trì hiệu quả điều trị cũng như bảo vệ sức khỏe thị lực tốt hơn, người bệnh cần có một chế độ chăm sóc mắt khoa học:
– Thông báo ngay cho bác sĩ khi phát hiện các dấu hiệu bất thường ở mắt sau mổ: Đau nhức mắt, mờ mắt, chảy máu…
– Vệ sinh mắt bằng gạc và dung dịch rửa mắt chuyên dụng do bác sĩ chỉ định.
– Sử dụng kính chống bụi, kính bảo vệ mắt khi phải ra ngoài trời hoặc sử dụng thiết bị điện tử.
– Bổ sung dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là các loại vitamin A, C, E và Omega… để mắt sáng khỏe.
– Hạn chế sử dụng đồ điện tử tần suất cao và trong thời gian dài. Nên có thời gian nghỉ ngơi sau khoảng 45 phút sử dụng thiết bị điện tử, máy tính…
– Không dụi mắt hay cho tay lên mắt để tránh nhiễm trùng và làm xô lệch thủy tinh thể.
– Thăm khám nhãn khoa định kỳ sau mổ theo đúng lịch hẹn của bác sĩ.
Quy trình kỹ thuật mổ Phaco khá phức tạp, cần được thực hiện tại phòng phẫu thuật đảm bảo tiện nghi, vô khuẩn bởi bác sĩ có chuyên môn cao. Do đó, người bệnh nên lựa chọn cơ sở y tế uy tín, chất lượng khi có mong muốn khám và điều trị bệnh lý đục thủy tinh thể.