Khám tim mạch có vai trò vô cùng quan trọng trong việc phòng ngừa các yếu tố nguy cơ, phát hiện và điều trị các bệnh lý tim mạch. Vậy khám tim mạch thông thường gồm những bước nào và được thực hiện ra sao? Hãy cùng tìm hiểu quy trình khám tim mạch trong bài viết sau đây.
Menu xem nhanh:
1. Khám lâm sàng – Bước đầu tiên trong quy trình khám tim mạch
Khám lâm sàng là bước khám đầu tiên trong bất kỳ một quy trình khám chữa bệnh nào. Đây là bước khai thác để bác sĩ có thể nắm bắt tình trạng bệnh của bệnh nhân, từ đó định hướng để chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng phù hợp và đưa ra chẩn đoán xác định bệnh.
Khám lâm sàng tim mạch gồm các bước:
– Quan sát, nhận định qua quan sát các biểu hiện, sờ tim, kiểm tra tĩnh mạch cổ, nghe tim,…. Việc này giúp các bác sĩ chuyên khoa tim mạch có thể phát hiện các dấu hiệu bất thường liên quan đến hoạt động và khả năng thực hiện các chức năng của hệ tim mạch.
– Khai thác các yếu tố như: tuổi, tiền sử bệnh, môi trường sống, nghề nghiệp, nghiện rượu, thuốc lá,…Đây là những yếu tố tác động gián tiếp tới tình trạng sức khỏe người bệnh.
Trong khi khám lâm sàng, bạn nên mô tả chi tiết các triệu chứng xuất hiện trong thời đây khiến bạn cảm thấy khó chịu, lo lắng, các bệnh lý mà bạn đang mắc phải, các loại thuốc điều trị, thói quen sinh hoạt, ăn uống,… Đó sẽ là những cơ sở quan trọng để bác sĩ đưa ra phán đoán ban đầu và các chỉ định tiếp theo.
2. Khám cận lâm sàng
Các xét nghiệm và chẩn đoán cận lâm sàng sẽ là cho thấy chính xác hoạt động và chức năng của tim và hệ thống mạch máu. Tùy vào tình trạng cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định một hoặc 1 số kỹ thuật sau:
2.1 Xét nghiệm máu trong quy trình khám tim mạch
Xét nghiệm máu trong khám tim mạch cho biết các chỉ số hồng cầu, tiểu cầu trong máu, chức năng gan, thận. Trong một số trường hợp các định các bệnh lý cơ tim, các bác sĩ có thể đo nồng độ men tim để kiểm tra mức độ tổn thương của cơ tim.
2.2 Đo điện tim – Chỉ định trong hầu hết các quy trình khám tim mạch
Đo điện tim là một kỹ thuật dùng để theo dõi hoạt động điện học, tốc độ, nhịp điệu của tim. Khi tim co bóp, những xung điện do tế bào cơ tim phát ra được ghi lại dưới dạng đồ thị qua các điện cực tiếp nhận ngoài da.
Điện tim được dùng nhiều nhất trong chẩn đoán các rối loạn nhịp tim. Ngoài ra, phương pháp điện tâm đồ cũng được dùng để hỗ trợ chẩn đoán các bệnh lý như:
– Chứng phì đại cơ nhĩ, cơ thất, rối loạn dẫn truyền
– Các giai đoạn nhồi máu cơ tim
– Bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim
– Các rối loạn điện giải
– Các tổn thương ở cơ tim, màng ngoài tim.
– Theo dõi máy tạo nhịp.
– Các trường hợp ngộ độc thuốc.
– Các trường hợp bệnh nhân tăng huyết áp, rối loạn lipid máu (mỡ máu), đái tháo đường, đau thắt ngực, hồi hộp trống ngực, khó thở…
2.3 Siêu âm tim
Phương pháp siêu âm tim thường được chỉ định trong chẩn đoán các bệnh lý van tim, viêm nhiễm xung quanh van tim, cơ tim,…bất thường của các buồng tim.
2.4 Chụp X-quang tim phổi
Chụp X-quang là phương pháp tái hiện hình ảnh cấu trúc tim, phổi hay các mạch máu, khớp, xương, cột sống,…sau lồng ngực bằng tia X. Nhờ đó, phát hiện nhiều bệnh lý tim mạch và các cơ quan lân cận.
2.5 Chụp CT mạch vành
Cũng sử dụng tia X để khảo sát các hình ảnh một khu vực hoặc toàn bộ cơ thể nhưng phương pháp chụp cắt lớp vi tính (CT) giúp ghi lại hình ảnh theo các lát cắt ngang, xử lý và tái hiện bằng máy vi tính. Nhờ đó, hình ảnh đa chiều và rõ nét hơn. Chụp CT là phương pháp hiệu quả để chẩn đoán các bệnh lý tim mạch, đặc biệt là bệnh mạch vành. Phương pháp chụp mạch không xâm lấn được coi là “tiêu chuẩn vàng: giúp quan sát, chẩn đoán mức độ tắc hẹp của mạch vành.
2.6 Chụp cộng hưởng từ tim
Chup cộng hưởng từ tim là không chỉ có độ chính xác cao, có khả năng khảo sát tim và mạch máu nhiều vị trí trên cơ thể mà còn rất an toàn cho người chụp. Vì thế phương pháp này cũng được áp dụng rộng rãi trong chẩn đoán. MRI tim giúp chẩn đoán các bệnh lý van tim, các bệnh tim bẩm sinh, các khối u tim lành tính và ác tính,…rất hiệu quả.
3. Đọc kết quả
Đọc kết quả là bước cuối cùng trong quá trình khám tim mạch. Sau khi có các kết quả chụp chiếu, các bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra kết luận cuối cùng về tình trạng bệnh của bạn:
– Có phải bạn đang mắc bệnh tim mạch không?
– Đó là bệnh lý gì?
– Tổn thương tim mạch đang ở mức độ nào?
– Cách điều trị: điều trị bằng thuốc hay phải can thiệp phẫu thuật, chế độ dinh dưỡng, tập luyện như thế nào để cải thiện tình trạng tim mạch hiện tại, ngăn ngừa biến chứng?
Như vậy, quy trình khám tim mạch thường gồm 3 bước. Bạn nên lựa chọn khám tại các chuyên khoa tim mạch uy tín. Bởi ở đó bạn sẽ được chẩn đoán bởi đội ngũ bác sĩ chuyên khoa giỏi, giàu kinh nghiệm và hệ thống máy móc hiện đại. Điều đó sẽ mang lại các kết quả chính xác và phương pháp điều trị hiệu quả nhất.