Khám sức khỏe cho nhân viên là hoạt động thăm khám cần thiết đối với doanh nghiệp và người lao động. Để quá trình thăm khám diễn ra suôn sẻ thì đòi hỏi người lao động phải nắm rõ được quy trình thăm khám. Vậy quy trình khám sức khỏe cho người lao động thực hiện như thế nào và cần lưu ý gì? Xem ngay bài viết dưới đây bạn nhé!
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu quy trình khám sức khỏe cho người lao động
1.1. Quy trình khám sức khỏe cho người lao động thực hiện như thế nào?
Khám sức khỏe cho người lao động thông thường được thực hiện theo quy trình sau:
– Bước 1: Doanh nghiệp sẽ làm việc cơ sở y tế để lên danh mục thăm khám, thời gian, địa điểm và hồ sơ sau đó thông báo lại cho người lao động của mình.
– Bước 2: Người lao động tới địa điểm thăm khám tại cơ sở y tế hoặc doanh nghiệp (theo sự thỏa thuận của công ty với cơ sở y tế) để check in thông tin. Tại bước này người lao động cần kiểm tra đầy đủ thông tin của mình xem đã đúng chưa và bắt đầu quá trình khám.
– Bước 3: Đo thể lực bao gồm chiều cao, cân nặng và huyết áp. Các chỉ số này sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán một số bệnh lý có thể gặp phải ở người lao động như huyết áp cao, huyết áp thấp, thừa cân, béo phì,…
– Bước 4: Thăm khám các chuyên khoa lâm sàng. Sau khi đã khám thể lực người lao động sẽ được tiến hành khám các chuyên khoa như tai mũi họng, răng hàm mặt, da liễu, khám mắt, khám nội, khám phụ khoa,… Các danh mục khám này sẽ do doanh nghiệp xây dựng (cần đảm bảo đầy đủ các danh mục theo thông tư 14) nên có thể bổ sung các mục khám khác tùy thuộc vào tính chất công việc.
– Bước 5: Thăm khám cận lâm sàng bao gồm xét nghiệm (máu, nước tiểu, đường huyết,…), X-Quang tim phổi,… và một số danh mục khám thêm như: Siêu âm ổ bụng, điện tâm đồ, đo mật độ xương,…
– Bước 6: Trả kết quả thăm khám cuối cùng.
Lưu ý: Một số công ty có thể kết hợp với cơ sở y tế để tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho người lao động tại doanh nghiệp. Quy trình này sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí di chuyển đồng thời đảm bảo được năng suất lao động.
1.2. Lưu ý trong quy trình khám sức khỏe cho người lao động
Để tổ chức khám một buổi thăm khám sức khỏe thành công, cả doanh nghiệp và người lao động cần lưu ý:
Đối với doanh nghiệp:
– Xây dựng danh mục khám phù hợp với tính chất công việc của người lao động và đặc thù của doanh nghiệp. Doanh nghiệp lưu ý, danh mục khám này cần đảm bảo đầy đủ theo thông tư 14.
– Phối hợp với cơ sở y tế để chuẩn bị hồ sơ thăm khám cho người lao động của mình.
– Ngoài việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động hàng năm thì doanh nghiệp cần chủ động nhắc nhở người lao động của mình trước khi thăm khám.
Đối với người lao động:
– Kết hợp với cơ sở y tế và doanh nghiệp để buổi thăm khám diễn ra thuận tiện nhất.
– Nhịn ăn 8 tiếng trước khi lấy một số mẫu xét nghiệm.
– Trước khi tiến hành siêu âm ổ bụng nên uống đủ nước và nhịn căng tiểu để bác sĩ quan sát được tốt nhất.
– Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ bệnh lý của bản thân, gia đình và những đơn thuốc đang sử dụng (nếu có).
– Mặc trang phục rộng rãi, thoải mái để phục vụ cho quá trình thăm khám được diễn ra tốt nhất.
2. Những bệnh lý có thể phát hiện qua quy trình khám sức khỏe công ty
Khám sức khỏe công ty giúp người lao động phát hiện rất nhiều các vấn đề bệnh tật. Một số bệnh phổ biến được phát hiện qua quy trình khám sức khỏe công ty như:
– Bệnh về tai: Các bệnh liên quan đến tai thường gặp ở người lao động làm việc thường xuyên trong môi trường tiếp xúc với tiếng ồn lớn, thường xuyên sử dụng điện thoại, sử dụng nhiều tai nghe,…
– Bệnh lý về da: Bệnh này thường gặp ở công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp. Họ thường xuyên tiếp xúc với các máy móc, băng keo, hóa chất, vải vóc,… nên dễ mắc các bệnh về da phổ biến như là sạm da, viêm loét da, mụn nhọt, dị ứng,…
– Bệnh lý hô hấp: Một số bệnh về đường hô hấp sẽ gặp ở nhiều nhóm đối tượng lao động. Tuy nhiên, điểm chung của nhóm lao động này là làm việc trong môi trường bụi bẩn, khói, tạp chất,…
– Bệnh về xương khớp: Chúng ta không hiếm gặp những trường hợp dân văn phòng gặp các bệnh về xương khớp ở độ tuổi trẻ. Nguyên nhân chủ yếu là do ngồi làm việc sai tư thế. Ngoài ra, một số công việc có tính chất đi lại, đứng nhiều, bê vác, vận động nhiều cũng dễ mắc bệnh lý xương khớp.
3. Khám sức khỏe công ty bao lâu nên thực hiện một lần?
Theo điều 152 của Bộ luật lao động 2012 về chăm sóc sức khỏe người lao động quy định rõ doanh nghiệp cần tổ chức thăm khám định kỳ cho nhân viên của mình mỗi năm từ 1 đến 2 lần phụ thuộc vào từng đối tượng.
Đối tượng được thăm khám 1 lần/năm:
– Người lao động là nhân viên đang làm việc cho doanh nghiệp, tổ chức hoặc cá nhân.
– Người học nghề, tập nghề cũng được khám sức khỏe định kỳ hàng năm.
Đối tượng được khám 2 lần/năm:
– Lao động nữ cần được khám chuyên khoa phụ sản 6 tháng/ lần.
– Người lao động làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại.
– Người lao động là người chưa thành niên.
– Người cao tuổi.
Như vậy, khám sức khỏe công ty là trách nhiệm của sử dụng lao động cần thực hiện (ít nhất mỗi năm 1 lần) đối với nhân viên của mình. Bên cạnh đó, người lao động cũng cần chủ động phối hợp với doanh nghiệp để thăm khám định kỳ hàng năm.