Hiểu đúng polyp mũi là bệnh gì sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan về bệnh, đồng thời có hướng xử trí kịp thời trước khi bệnh diễn tiến nặng, kéo theo những triệu chứng gây ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày.
Menu xem nhanh:
1. Hiểu đúng polyp mũi là bệnh gì?
Mặc dù tên gọi nghe không phổ biến như viêm xoang hay viêm mũi dị ứng, nhưng trên thực tế polyp mũi lại rất thường gặp ở mọi độ tuổi. Đây là một dạng u lành tính, có cuống mềm, bề mặt nhẵn, màu hồng nhạt, không đau và không phải ung thư. Khối u tăng sinh có cuống này thường xuất hiện ở hốc mũi, trong các xoang mặt hay ở cả xoang và mũi.
1.1. Nguyên nhân gây polyp mũi
Tính đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa thể kết luận chính xác nguyên nhân dẫn đến polyp mũi. Đây có thể là hậu quả kéo dài từ tình trạng nhiễm trùng, hoặc kích ứng do dị ứng gây ra, khiến lớp niêm mạc vốn có vai trò bảo vệ môi trường bên trong mũi và hốc xoang bị sưng đỏ, tiết dịch, đồng thời tiến triển thành polyp nếu không được điều trị kịp thời. Dưới đây là một số yếu tố có thể phát triển thành polyp mũi:
– Viêm mũi dị ứng
– Nhiễm trùng xoang mạn tính/ tái phát liên tục
– Bệnh u xơ nang
– Nhạy cảm với aspirin hoặc các thuốc kháng viêm không steroid
Di truyền cũng là một trong những yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc polyp mũi, thông qua triệu chứng niêm mạc dễ bị kích ứng với các phản ứng viêm. Ngoài ra, có không ít trường hợp hình thành polyp mà không xảy ra bất kỳ vấn đề gì ở mũi trước đó. Nếu nhận thấy dấu hiệu bất thường, bạn đừng trì hoãn mà nên tới gặp bác sĩ ngay để được tư vấn và có hướng xử trí kịp thời.
1.2. Nhận biết polyp mũi là bệnh gì qua từng giai đoạn
Theo thời gian, polyp mũi từ một khối u mềm, lành tính sẽ có sự thay đổi dần về kích thước theo từng giai đoạn, đồng thời gây ra những phiền toái trong đời sống sinh hoạt thường ngày. Cụ thể:
– Mức độ 1: Khối polyp nhỏ, mềm, nằm gọn trong vùng khe giữa mũi và chỉ có thể phát hiện thông qua nội soi.
– Mức độ 2: Khối polyp tiến triển về mặt kích thước và chiếm hết khe giữa mũi.
– Mức độ 3: Kích thước polyp to, che lấp hết lỗi mũi, khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc hô hấp, thậm chí phải thở bằng miệng.
– Mức độ 4: Sự phình đại quá mức của khối polyp và che lấp kín hốc mũi gây ảnh hưởng tiêu cực đến sinh hoạt thường ngày của người bệnh. Thậm chí, người bệnh có thể nhìn thấy khối polyp lấp ló ở cửa lỗ mũi và sờ vào.
Không chỉ thay đổi về mặt kích thước, polyp lớn dần còn kéo theo một số triệu chứng gây nghẹt mũi kéo dài, hay làm tắc nghẽn đường thở. Dưới đây là một số dấu hiệu giúp bạn dễ dàng nhận biết polyp mũi từ giai đoạn rất sớm:
– Sổ mũi kéo dài (ngay cả khi người bệnh không bị cảm cúm hay các bệnh lý khác)
– Chảy dịch mũi sau (chất nhầy tích tụ quá nhiều trong khoang mũi và có xu hướng chảy xuống cổ họng)
– Suy giảm hoặc mất khứu giác
– Triệu chứng ngưng thở khi ngủ, ngáy to
– Đau nhức đầu âm ỉ
– Thường xuyên phải thở bằng miệng do tình trạng nghẹt mũi gây nên
1.3. Biến chứng xảy đến nếu không điều trị kịp thời
Mặc dù là u lành tính nhưng polyp mũi nếu không điều trị dứt điểm có thể phát triển và gây ra nhiều phiền toái cho người bệnh. Nếu gặp phải những biến chứng dưới đây thì bạn cần nhanh chóng tới bệnh viện kiểm tra và tiếp nhận điều trị từ bác sĩ:
– Gặp khó khăn trong việc hô hấp, thường xuyên phải thở bằng miệng
– Các triệu chứng đã được đề cập phía trên có xu hướng chuyển biến nặng
– Suy giảm thị lực, hạn chế khả năng di chuyển của mắt
– Sưng nặng khu vực xung quanh mắt
– Tình trạng đau đầu dữ dội, kèm theo sốt cao và mất khả năng giữ thăng bằng
2. 3 phương pháp điều trị polyp mũi hiệu quả
Điều trị polyp mũi từ giai đoạn sớm là giải pháp hữu hiệu giúp bạn nhanh chóng chấm dứt ảnh hưởng của triệu chứng bệnh. Có rất nhiều cách để giảm thiểu kích thước polyp hoặc loại bỏ chúng hoàn toàn ra khỏi khu vực cư trú tại hốc mũi xoang. Tùy theo mức độ bệnh và cơ địa của từng người mà mỗi phương pháp sẽ đem lại hiệu quả nhất định.
2.1. Áp dụng phương pháp tự nhiên
Xông hơi tại nhà có thể giúp bạn giảm thiểu các triệu chứng nghẹt mũi do polyp gây ra. Cách thức thực hiện phương pháp này tương đối đơn giản, người bệnh có thể sử dụng tinh dầu hoặc lá trầu không rửa sạch, đun sôi cùng với 1 lít nước rồi tắt bếp, đặt nồi xông cách mặt khoảng 20 – 30cm (hoặc có thể điều chỉnh cho phù hợp) sao cho hơi thuốc đi thẳng vào mũi dễ dàng, hiệu quả. Để bảo toàn lượng hơi thuốc bốc lên, bạn có thể sử dụng thêm khăn trùm đầu. Tuy nhiên, cần hiểu rằng phương pháp này chỉ có tác dụng xoa dịu các triệu chứng khó chịu do polyp mũi gây ra chứ không tác động trực tiếp đến khối u.
2.2. Sử dụng thuốc
Có một số loại thuốc kháng viêm có tác dụng làm teo polyp mũi, đồng thời thuyên giảm các triệu chứng bệnh như nghẹt mũi như: Steroid dạng xịt, Steroid dạng uống hoặc tiêm tĩnh mạch,… Tuy nhiên, bạn không nên tự ý dùng thuốc khi chưa nhận được chỉ định từ phía bác sĩ để tránh gây ra những hậu quả ngoài ý muốn.
2.3. Phẫu thuật cắt polyp mũi
Đây là giải pháp duy nhất giúp bạn loại bỏ hoàn toàn polyp mũi, đồng thời hạn chế nguy cơ tái phát trở lại. Tùy vào kích thước, tình trạng phát triển của khối u, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật cắt polyp hoàn toàn hoặc phẫu thuật nội soi.
Để biết chính xác đâu là phương pháp phù hợp với tình trạng của bạn, đừng ngại ngần tham vấn bác sĩ chuyên khoa. Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn có cái nhìn khách quan, hiểu đúng polyp mũi là bệnh gì và lựa chọn hướng xử trí phù hợp.