Polyp đại trực tràng là một bệnh lý tiêu hóa phổ biến và ngày càng có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời, người mắc polyp có nguy cơ đối mặt với các biến chứng nguy hiểm, thậm chí ung thư đại trực tràng.
Menu xem nhanh:
1. Polyp đại trực tràng là gì?
Polyp đại trực tràng là khối nhỏ các tế bào hình thành bất thường trên bề mặt, trong lòng hoặc thành đại trực tràng. Thông thường, một polyp có kích thước từ 0,25 cm đến vài cm.
Các polyp này hầu hết là lành tính nhưng vẫn tiềm ẩn khả năng ung thư hóa bởi khi khối u sinh trưởng nhanh đến mức không thể kiểm soát và chưa được biệt hóa sẽ trở thành ác tính.
Hai dạng polyp phổ biến nhất hiện nay và được tìm thấy nhiều ở đại trực tràng là: polyp tăng sản và polyp tuyến. Polyp tăng sản thường có kích thước nhỏ, mọc ở phần cuối cùng ruột già. Đây là vị trí ít mạch máu nên loại polyp này không phát triển to, ít có khả năng trở thành ác tính. Ngược lại, polyp tuyến có kích thước lớn hơn, khả năng tiến triển thành ung thư cao, đặc biệt với dạng polyp tuyến ống.
2. Nguyên nhân hình thành polyp đại trực tràng
2.1 Tuổi
Bệnh có thể được phát hiện ở bất kỳ đối tượng nào, nhưng phổ biến hơn cả ở người lớn tuổi. Theo thống kê chưa đầy đủ, hơn 90% bệnh nhân mắc polyp có tuổi trung bình trên 50 với tỷ lệ nam cao hơn nữ.
2.2 Yếu tố di truyền gây bệnh polyp đại trực tràng
Những gia đình có người mắc polyp, ung thư đại tràng, trực tràng là đối tượng được khuyến cáo cần khám sàng lọc polyp trước tuổi trung niên. Nguy cơ mắc bệnh có thể tăng cao nếu như nhiều thành viên trong gia đình cùng mắc polyp đại tràng.
2.3 Chế độ sinh hoạt không lành mạnh là tác nhân làm tăng tỷ lệ mắc polyp đại trực tràng
Ăn ít chất xơ, nhiều chất béo, không kiểm soát cân nặng dẫn tới béo phì. Thói quen lười vận động hay nghiện rượu, bia, thuốc lá,…
3. Dấu hiệu bệnh nhân mắc polyp
Polyp đại trực tràng thường diễn biến âm thầm, hầu hết không có triệu chứng. Tuy nhiên, tùy vào tình trạng bệnh cụ thể mà các triệu chứng xuất hiện có thể bao gồm:
– Đi ngoài phân lẫn máu, chảy máu thường ở mức độ nhẹ và vừa
– Phân bất thường: Có thể táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài.
– Đau bụng: Polyp phát triển lớn có thể gây ra các biểu hiện đau quặn bụng.
– Buồn nôn (hiếm khi xảy ra): polyp xuất hiện nhiều và kích thước to có thể gây tắc ruột gây ói mửa.
– Thiếu máu: Chảy máu từ polyp trong thời gian dài có thể gây thiếu sắt, làm cho cơ thể mệt mỏi, suy kiệt.
Ngay khi nghi ngờ các dấu hiệu, người bệnh cần nhanh chóng đến cơ sở y tế thăm khám để được chẩn đoán và có hướng điều trị bệnh phù hợp.
4. Chẩn đoán bệnh như thế nào?
Các triệu chứng của polyp đại trực tràng thường rất nghèo nàn, song có thể được phát hiện thông qua nội soi, xét nghiệm sàng lọc tìm máu trong phân, chụp X-quang có thuốc cản quang hoặc chụp CT scanner.
Trong đó, nội soi đại trực tràng là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh tối ưu giúp đánh giá tình trạng bệnh vì nó cho phép bác sĩ nhìn thấy toàn bộ niêm mạc ruột già. Hiện nay, nhờ ứng dụng phương pháp nội soi cao cấp MCU, NBI, bác sĩ có thể đánh giá chuẩn xác hơn về tình trạng tổn thương trong niêm mạc đại trực tràng. Đồng thời có thể giúp tầm soát sớm các dấu hiệu ung thư đại tràng do polyp khi mới xuất hiện.
Trường hợp có sự tồn tại của polyp, chúng thường xuất hiện dưới dạng một khối nhô vào bên trong lòng đại tràng. Một số polyp phẳng và một số khác có cuống. Tùy vào tình trạng bệnh, các mô bao phủ một polyp có thể ở trạng thái bình thường hoặc có những thay đổi về màu sắc hay loét và chảy máu.
Từ những chẩn đoán lâm sàng và cận lâm sàng, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với từng bệnh nhân.
5. Phương pháp điều trị
Khi phát hiện các polyp hình thành tại đại trực tràng có kích thước lớn hơn 5mm, các bác sĩ sẽ khuyến khích bệnh nhân cắt bỏ để hạn chế tối đa những biến chứng sau này. Hiện nay, cắt bỏ polyp thông qua nội soi được áp dụng phổ biến bởi kỹ thuật không xâm lấn, đảm bảo an toàn và hiệu quả điều trị cao.
Với các trường hợp polyp hình thành nhiều gây cho bệnh nhân những triệu chứng: đau bụng, đi ngoài phân máu, thay đổi tính chất phân, buồn nôn…, điều trị bệnh có thể tiến hành thông qua phẫu thuật.
Người bệnh có polyp ác tính, nguy cơ lan rộng hay xâm lấn sâu hơn, bác sĩ có thể chỉ định cắt bỏ một phần ruột già. Phương pháp này có thể loại bỏ hoàn toàn phần ruột bị bệnh.
Người bệnh cần lựa chọn các cơ sở y tế đảm bảo uy tín để quá trình điều trị được diễn ra suôn sẻ, hiệu quả và tránh những rủi ro hậu phẫu.
6. Cách phòng bệnh polyp đại trực tràng
Xây dựng thói quen sinh hoạt khoa học, lành mạnh và chủ động kiểm tra sức khỏe định kỳ là cách phòng bệnh hiệu quả nhất. Cụ thể:
– Ăn nhiều rau, củ, trái cây tươi, ngũ cốc, hạn thực phẩm nhiều chất béo, dầu mỡ.
– Bỏ ngay thói quen uống rượu, bia, hút thuốc lá.
– Bồi dưỡng đời sống tinh thần phong phú, tránh căng thẳng, lo âu.
– Thường xuyên rèn luyện thể thao và kiểm soát tốt cân nặng.
– Đặc biệt, thực hiện khám và sàng lọc polyp – ung thư đại trực tràng với những người trên 40 tuổi, đặc biệt là những gia đình có tiền sử các bệnh lý liên quan, để được phát hiện và can thiệp kịp thời.
Polyp đại trực tràng không phải bệnh lý cấp tính, gây guy hiểm đến tính mạng nhưng người bệnh cũng không nên chủ quan trước nguy cơ biến chứng ung thư hóa. Ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường tại đường tiêu hóa, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế để được tư vấn. Bên cạnh đó, chủ động có kế hoạch nội soi đại trực tràng, tầm soát ung thư do polyp gây ra còn là phương pháp giúp phòng ngừa nguy cơ gây bệnh, đảm bảo sức khỏe đường tiêu hóa. Việc khám và sàng lọc polyp nên được thực hiện mỗi năm 1 lần.