Nhiều phụ nữ gặp phải tình trạng co thắt đại tràng sau sinh, có thể bị tiêu chảy hoặc táo bón, đau bụng, gây khó chịu cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân gây viêm co thắt đại tràng sau sinh
Thông thường, co thắt đại tràng khiến chị em gặp khó khăn khi đại tiện sau sinh. Điều này do trong khi sinh bé, các cơ đáy chậu và sàn chậu bị giãn ra. Các vết thâm tím, vết sưng hoặc vết thương (rạch tầng sinh môn) cũng đem lại cảm giác khó chịu.
Để cải thiện tình trạng này, chị em nên dành thời gian nhiều hơn trong nhà vệ sinh. Ngồi thoải mái với tư thế nghiêng người về phía trước. Tay đặt lên đùi, nâng bàn chân lên bằng cách đặt 1 bệ kê chân. Đây là tư thế giúp giảm bớt khó chịu. căng thẳng khi đại tiện. Ngoài ra nếu bị táo bón, khi có cảm giác buồn đi vệ sinh nên đi ngay lập tức để tránh táo bón nặng, gây sợ hãi cho những lần sau.
Nếu co thắt đại tràng sau sinh do viêm đại tràng thì có thể do một số nguyên nhân sau đây:
1.1 Loạn khuẩn ruột
Phụ nữ sau sinh có hệ miễn dịch kém do quá trình mang thai và sinh nở. Đồng thời các hormon có sự điều chỉnh dẫn đến thay đổi đột ngột ở ruột. Điều này khiến hại khuẩn tăng mạnh, dẫn tới viêm và co thắt niêm mạc đại tràng
1.2 Do thói quen ăn uống
Sau sinh, mẹ bỉm thường tẩm bổ nhiều để lợi sữa, giúp trẻ khỏe mạnh và phát triển. Tuy nhiên nếu ăn uống quá mức, dung nạp nhiều đạm có thể gây rối loạn đường ruột. Dẫn đến hàng loạt triệu chứng đầy hơi, chướng bụng, táo bón…
1.3 Ít vận động gây co thắt đại tràng sau sinh
Ít vận động là yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc viêm đại tràng ở phụ nữ sau sinh. Ít vận động khiến nhu động ở ruột giảm, hệ miễn dịch suy giảm, tạo môi trường lý tưởng để hại khuẩn hoạt động.
1.4 Tâm lý căng thẳng, lo âu
Thay đổi nội tiết sau sinh cùng việc chăm sóc con nhỏ khiến nhiều mẹ bỉm bị lo lâu, căng thẳng quá mức. Tình trạng này ảnh hưởng không tốt tới hệ thần kinh não – ruột (cơ quan chi phối nhu động ruột). Căng thẳng làm tăng co thắt ở ruột, nhu động tăng bất thường khiến chức năng ruột già cũng bị rối loạn. Bệnh còn được gọi là viêm đại tràng co thắt hoặc hội chứng ruột kích thích.
2. Triệu chứng bệnh viêm co thắt đại tràng sau sinh
Phụ nữ sau sinh có nguy cơ cao bị viêm đại tràng. Do ảnh hưởng của thói quen ăn uống, yếu tố tâm lý khiến đại tràng dễ bị ảnh hưởng, co thắt. Đa phần mẹ bỉm có thể kiểm soát được bệnh thông qua điều chỉnh lối sống và áp dụng biện pháp tự nhiên. Một số triệu chứng co thắt đại tràng sau sinh có thể kể đến như:
– Rối loạn đại tiện: Có thể táo bón hoặc tiêu chảy. Một số trường hợp có thể bị đại tiện và táo bón xen kẽ nhau.
– Đau âm ỉ ở bụng dưới, đau quặn từng cơn. Có lúc cảm nhận cơ đau dọc theo khung đại tràng.
– Bụng đầy trướng, kém ăn uống
– Đầy hơi, thường xuyên bị sôi bụng và xì hơi.
– Cơ thể mệt mỏi, chán ăn, khả năng hấp thu dinh dưỡng giảm.
– Một số người bị mất nước, sốt nhẹ do tiêu chảy kéo dài.
Phụ nữ sau sinh bị đại tràng co thắt có thể gặp triệu chứng đa dạng. Ngoài những dấu hiệu trên mẹ cũng có thể gặp phải một vài biểu hiện không điển hình khác.
3. Điều trị co thắt đại tràng sau sinh
3.1 Trị co thắt đại tràng sau sinh bằng thuốc
Phụ nữ sau sinh phần lớn đang nuôi con bằng sữa mẹ. Do vậy cần đặc biệt thận trọng khi lựa chọn sử dụng thuốc chữa bệnh đại tràng. Một số hoạt chất của thuốc có thể vào dòng sữa mẹ, gây ảnh hưởng đến sự phát triển cho trẻ. Phụ nữ sau sinh viêm đại tràng cần tuân thủ các nguyên tắc sau khi điều trị:
– Sử dụng thuốc trong trường hợp không còn biện pháp nào khác. Dùng với liệu lượng thấp và thời gian ngắn theo sự chỉ định của bác sĩ.
– Nếu trong thuốc có thành phần gây ảnh hưởng đến mẹ và bé thì cần tạm thời ngừng cho con bú cho tới khi ngừng thuốc.
– Nên ưu tiên lựa chọn các loại thuốc có tác dụng ngay thay vì thuốc toàn thân để chữa bệnh đại tràng.
– Mẹ nên uống thuốc sau khi cho con bú 15 phút và ít nhất 3 giờ sau mới được cho bú lại.
– Nếu thấy bất kỳ bất thường nào về sức khỏe sau quá trình sử dụng thuốc như: Bé chậm tăng cân, chất lượng sữa mẹ giảm, sữa có mùi lạ, mất sữa… mẹ nên tạm ngưng thuốc và báo với bác sĩ để có phương pháp xử lý thích hợp.
3.2 Điều trị co thắt đại tràng sau sinh bằng phương pháp dân gian
– Củ cải trắng hầm thịt lợn: Đem 2 nguyên liệu hầm chung trong khoảng 30-40 phút cho chín nhừ rồi ăn. Trong củ cải có chứa nhiều chất xơ giúp kích thích tiêu hóa, chống táo bón, nhuận tràng để chị em đi ngoài dễ dàng hơn.
– Nước vỏ quýt đậu xanh: Xao khô đậu xanh nấu với quýt cùng 1 ít nước. Đun lấy nước uống như trà hàng ngày có tác dụng bớt đau và nóng hậu môn, giảm tình trạng rối loạn tiêu hóa.
4. Lưu ý khi bị co thắt đại tràng sau sinh
– Ăn nhiều bữa: Chia thành nhiều bữa ăn trong ngày, không nên ăn quá no cùng một lúc. Lượng lớn thức ăn vào cơ thể khiến đại tràng phải co bóp nhiều hơn để tiêu hóa và thải phân ra. Gây nên tình trạng co thắt dữ dội và cơn đau tăng lên.
– Rèn luyện sức khỏe: Vận động hợp lý không chỉ tăng cường sức khỏe cho mẹ sau sinh mà còn kích thích giúp hệ tiêu hóa làm việc tốt hơn. Một số bài tập tốt cho mẹ sau sinh là đi bộ hoặc tập yoga.
– Uống đủ nước: Nên uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày để hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru hơn, phòng chống táo bón.
– Chú ý trong ăn uống: Bổ sung nhiều chất xơ với rau xanh và trái cây tươi. Kiêng đồ ăn dầu mỡ và các loại thức ăn sinh hơi như dưa muối, cà pháo…
– Không uống rượu bia, nước có ga: Dễ kích thích đại tràng, gây ra những cơn co thắt nhiều hơn.
Co thắt đại tràng sau sinh gây khó chịu, mệt mỏi cho mẹ. Trong trường hợp tình trạng nghiêm trọng, chị em nên đến khám tại các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và hỗ trợ. Để đặt lịch tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc, vui lòng gọi tới Hotline hoặc đặt trực tuyến qua website.