Những năm trở lại đây, cấy que tránh thai trở thành phương pháp vô cùng phổ biến và trở thành sự lựa chọn của nhiều chị em. Tuy nhiên, ngoài những ưu điểm thì phương pháp này vẫn có những nhược điểm nhất định. Vậy có nên cấy que tránh thai hay không, mời các bạn cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây!
Menu xem nhanh:
1. Cấy que tránh thai là làm gì?
1.1 Que tránh thai là gì?
Que tránh thai là một ống nhựa dẻo, bên trong có chứa các thành phần tránh thai là nội tiết tố levonorgestrel hay etonogestrel, có kích thước rất nhỏ (đường kính 2mm, dài khoảng 4cm). Tùy vào chất lượng và thương hiệu mà que tránh thai đem lại hiệu quả trong vòng 3 – 5 năm.
1.2 Quy trình cấy que tránh thai diễn ra như thế nào?
Cấy que tránh thai là một thủ thuật vô cùng đơn giản. Bác sĩ thực hiện sẽ gây tê phần bạn muốn đặt que và dùng một dụng cụ y khoa chuyên dụng để đưa que này vào dưới vùng da của bạn. Thông thường, bác sĩ khuyên nên cấy vào vùng da dưới cánh tay không thuận, vừa kín đáo, vừa không gây ảnh hưởng tới sinh hoạt thường ngày và vừa đảm bảo thẩm mỹ, do sau khi cấy, vùng da đó sẽ xuất hiện vết bầm một vài ngày. Sau một thời gian, nếu bạn muốn khôi phục khả năng sinh sản, chỉ cần gỡ bỏ que khỏi cơ thể. Để thực hiện gỡ bỏ que tránh thai, bác sĩ sẽ lặp lại quy trình như ban đầu, cũng gây tê vùng da đã cấy que và nhanh chóng đưa que ra ngoài một cách nhẹ nhàng.
1.3 Thực hiện cấy que tránh thai có đau không?
Với những bác sĩ có chuyên môn và kinh nghiệm, thủ thuật cấy que tránh thai này sẽ diễn ra vô cùng nhanh chóng và nhẹ nhàng. Hơn nữa, que tránh thai có kích thước nhỏ và chất liệu mềm dẻo, cùng với thuốc tê, nên khi thực hiện cấy không gây đau đớn.
2. Thời điểm “vàng” để cấy que tránh thai là khi nào?
Tùy vào thời điểm thực hiện cấy que mà que tránh thai sẽ mất bao lâu để phát huy tác dụng.
Thực hiện cấy que tránh thai trong 5 ngày đầu tiên của chu kỳ kinh, que tránh thai sẽ phát huy tác dụng ngay trong vòng 24 giờ sau khi cấy. Còn nếu thực hiện trước hoặc sau 5 ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt, bạn sẽ phải đợi 1 tuần thì que tránh thai mới chắc chắn phát huy tác dụng. Do đó, để đảm bảo an toàn tuyệt đối, trong 7 ngày này bạn hãy nên kiêng quan hệ hoặc dùng thêm một biện pháp tránh thai khác.
Ngoài ra, đối với phụ nữ mới bị sảy thai thì có thể cấy trong 5 ngày sau khi sảy thai, đối với phụ nữ đã sinh thì có thể cấy trong vòng 21 ngày sau sinh.
3. Cơ chế làm việc của que tránh thai là gì?
Với 3 tác dụng vô cùng lợi hại, que tránh thai được mệnh danh là vật dụng “nhỏ nhưng có võ”. Khi được cấy vào trong cơ thể, que tránh thai sẽ phóng thích nội tiết tố progesteron vào cơ thể, đi làm “nhiệm vụ” ngăn cản tinh trùng xâm nhập vào buồng tử cung bằng cách:
– Gây ức chế quá trình rụng trứng
– Làm mỏng nội mạc tử cung
– Tiết ra chất nhầy để “bịt chặt” cổ tử cung, gây cản trở quá trình tinh trùng gặp trứng, cũng như quá trình trứng di chuyển về tử cung làm tổ.
4. Ưu điểm của que tránh thai là gì?
Bên cạnh những biện pháp ngừa thai phổ biến như dùng bao cao su, dùng thuốc tránh thai hay đặt vòng, rất nhiều chị em vẫn lựa chọn cấy que tránh thai, bởi biện pháp này sở hữu những ưu điểm vượt trội mà không phải biện pháp nào cũng có:
– Được chứng nhận có hiệu quả tuyệt đối lên đến 99%. Khi đã cấy que, phụ nữ không cần dùng thêm bất cứ biện pháp ngừa thai nào khác.
– Tùy vào chất lượng và giá thành của từng loại, que tránh thai có tác dụng lên đến 5 năm.
– Vô cùng kín đáo và riêng tư vì được đặt dưới vùng da cánh tay, khó có thể nhìn thấy bằng mắt thường.
– Chỉ mất 2 – 3 phút để thực hiện nhưng lại có tác dụng lên đến 5 năm, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí
– Không gây viêm nhiễm cơ quan sinh dục hay ảnh hưởng tới đời sống tình dục của hai vợ chồng, đồng thời giúp điều hòa kinh nguyệt và giảm đau bụng kinh
– Chỉ mất 3 – 4 tuần để phục hồi khả năng sinh sản sau khi tháo que
– Rất phù hợp cho những phụ nữ đang cho con bú, sinh mổ, dị ứng thuốc tránh thai, trên 40 tuổi…
5. Nhược điểm của que tránh thai là gì?
Tuy là có những ưu điểm vượt trội không thể phủ nhận nhưng que tránh thai cũng vẫn có những nhược điểm nhất định. Có lẽ đây cũng là lý do khiến nhiều chị em phụ nữ còn băn khoăn “Có nên cấy que tránh thai không?”.
– Chính vì sở hữu những ưu điểm tuyệt vời mà biện pháp này có giá thành cao hơn các phương pháp khác
– Que dễ bị cong, di chuyển, gây dị ứng, tụ máu…
– Gây ra những tác dụng phụ không mong muốn như: Đau nhức đầu, thay đổi hormone nên gây nổi mụn, thay đổi tâm lý, thay đổi chu kỳ kinh nguyệt, tăng cân, đau tức ngực…
– Chỉ có tác dụng tránh thai, không như bao cao su, không ngăn ngừa được các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như viêm gan B, HIV, giang mai, lậu…
6. Những lưu ý trước khi cấy que tránh thai?
Để đảm bảo an toàn tuyệt đối, các chị em phụ nữ đừng bỏ qua những chỉ định sau:
– Chỉ nên thực hiện cấy que tránh thai khi chắc chắn không mang thai. Để xác định có thai hay không, phụ nữ phải làm xét nghiệm beta HCG.
– Không cấy que tránh thai nếu không muốn chu kỳ kinh nguyệt bị thay đổi.
– Không cấy que tránh thai nếu đang sử dụng các loại thuốc điều trị lao, động kinh, HIV hay một số loại kháng sinh… vì đây là các loại thuốc có nguy cơ hạn chế vai trò của que tránh thai.
– Phụ nữ có tiền sử mắc các bệnh như ung thư vú, bệnh gan, đột quỵ… cũng không nên cấy que tránh thai.
– Những người bị xuất huyết âm đạo sau khi quan hệ hoặc giữa các chu kỳ kinh mà không rõ nguyên nhân thì không nên cấy que.
– Do que cấy có chứa một lượng hormone progesterone nhất định nên những người đang mắc các bệnh liên quan đến nội tiết, huyết áp hay tim mạch, thì không nên sử dụng.
- Chỉ nên thực hiện cấy que tránh thai khi chắc chắn không mang thai.
Có thể nói, “có nên cấy que tránh thai không” còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy đây là một biện pháp tối ưu, không gây đau đớn hay ảnh hưởng tới sinh hoạt hằng ngày, có độ an toàn cao, giải quyết triệt để những lo lắng về việc mang thai ngoài ý muốn nhưng vẫn tiềm ẩn những nhược điểm nhất định, vẫn chống chỉ định một số trường hợp. Do đó, các chị em vẫn nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra tình trạng sức khỏe của bản thân và lắng nghe tư vấn có nên cấy que tránh thai không.