Phù hoàng điểm là một trong những bệnh về mắt nguy hiểm vì có thể gây suy giảm thị lực và ảnh hưởng lâu dài đến thị lực của người bệnh. Rất may bệnh lý này vẫn có thể điều trị được. Người bệnh cần đi khám và tìm ra nguyên nhân bệnh, từ đó việc lựa chọn phương pháp điều trị sẽ chính xác và hiệu quả hơn.
Menu xem nhanh:
1. Mắt như thế nào được coi là phù hoàng điểm?
Hoàng điểm (hay còn gọi là điểm vàng) là bộ phận nằm tận sâu ở trung tâm của võng mạc. Đây là vùng nhạy cảm nhất của võng mạc, nắm giữ vai trò quan trọng trong thu nhận hình ảnh. Tại đây tập trung hàng triệu tế bào cảm quan, giúp chúng ta có khả năng nhận biết màu sắc, quyết định độ sắc nét của hình ảnh do đó nó có tầm quan trọng to lớn đối với thị lực trung tâm.
Phù hoàng điểm là tình trạng dịch bị tích tụ trong hoàng điểm, khiến hoàng điểm trở nên dày, phù nề từ đó làm cho thị lực của người bệnh suy giảm và tầm nhìn trở nên biến dạng. Vào giai đoạn đầu mắc bệnh, người bị phù hoàng điểm thường sẽ không nhận thấy điều bất thường ở thị lực do các biểu hiện bệnh không quá rõ ràng. Chỉ đến khi lượng dịch tích tụ tăng lên tới một mức nhất định, người bệnh có hiện tượng không nhận biết được màu sắc sự vật, hình ảnh bị biến dạng thì mới đi khám và phát hiện mình bị bệnh. Nhưng thông thường khi những triệu chứng đã quá rõ rệt như thế này thì bệnh cũng đã diễn tiến đến giai đoạn muộn.
Một số dấu hiệu tiêu biểu ở người mắc bệnh phù hoàng điểm:
– Xuất hiện những đốm đen ở trung tâm hình ảnh.
– Nhìn sự vật bị mờ hoặc có cảm giác gợn sóng ở trung tâm.
– Không thấy rõ, thậm chí không nhận biết được màu sắc của sự vật.
– Khó khăn khi làm những việc đòi hỏi quan sát tỉ mỉ, tập trung như đọc sách, báo,…
2. Nguyên nhân gây phù hoàng điểm
Như đã đề cập bên trên, cơ chế trực tiếp dẫn đến hiện tượng phù hoàng điểm là do tích tụ hoặc rò rỉ dịch bất thường tại vị trí này. Những dịch này hầu hết đều được tiết ra từ mạch máu ở võng mạc bị tổn thương, chất dịch này không có lối thoát ra nên ứ tắc tại điểm vàng. Để dẫn đến tình trạng này cũng có rất nhiều nguyên nhân khác nhau:
2.1. Phù hoàng điểm do tiểu đường
Bệnh phù hoàng điểm do tiểu đường có thể xảy ra ở cả tiểu đường type 1 và type 2. Bởi bệnh lý tiểu đường rất dễ khiến mạch máu bị tổn thương, trong đó có hệ mạch tại võng mạc, gây tắc nghẽn vi mạch, rò rỉ dịch tại võng mạc. Hậu quả là dịch bị tích tụ lại, gây phù hoàng điểm.
Tỷ lệ người bị bệnh võng mạc tiểu đường gặp biến chứng này lên tới gần 50%. Nguy cơ phù hoàng điểm tăng cao theo mức độ nặng của võng mạc tiểu đường, tuy nhiên nó có thể xảy ra ở bất cứ giai đoạn nào của bệnh. Phù nề tại điểm vàng có thể ảnh hưởng đến cả hai mắt của người bệnh và nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì có thể dẫn đến mù lòa. Nếu chỉ số glucose cao và đi kèm với bệnh lý huyết áp cao hoặc thể trạng không tốt thì nguy cơ mù lòa sẽ cao hơn hẳn người có chỉ số ổn định.
2.2. Phù hoàng điểm ở người từng phẫu thuật mắt
Có thể nói, đây là một biến chứng sau phẫu thuật, điển hình là các phẫu thuật như: phẫu thuật đục thủy tinh thể, phẫu thuật điều trị tăng nhãn áp, phẫu thuật điều trị bệnh lý võng mạc. Trong đó, phẫu thuật đục thủy tinh thể là có tỷ lệ xảy ra biến chứng phù hoàng điểm thấp nhất.
Thông thường khi một mắt bị bệnh thì mắt còn lại cũng có nhiều nguy cơ bị theo. Tuy nhiên, nếu người bệnh bị phù hoàng điểm do biến chứng hậu phẫu thì mức độ bệnh thường nhẹ và nhanh chóng cải thiện khi sử dụng thuốc nhỏ mắt và thuốc điều trị viêm theo kê đơn của bác sĩ.
2.3. Thoái hóa do tuổi tác
Những triệu chứng của phù hoàng điểm cũng có thể xảy ra do tình trạng thoái hóa điểm vàng ở người lớn tuổi. Bên cạnh đó, những trường hợp bị thoái hóa điểm vàng do mạch máu, các mạch máu ở mắt sẽ lớn lên từ màng mạch, đi vào võng mạc, tiềm ẩn nguy cơ cao rò rỉ dịch và dẫn tới phù hoàng điểm.
2.4. Tắc nghẽn mạch máu võng mạc
Tĩnh mạch võng mạc bị tắc nghẽn cũng là một nguyên nhân gây bệnh. Tình trạng này khiến máu không chảy ra ngoài đúng đường mà rò rỉ vào võng mạc, gây ra hiện tượng phù hoàng điểm. Tắc nghẽn càng nghiêm trọng, nguy cơ bị bệnh càng tăng cao.
Hiện tượng nghẽn mạch máu này thường gặp ở những bệnh nhân bị xơ vữa động mạch do lão hóa, hoặc bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao, đang bị tăng nhãn áp hoặc viêm.
2.5. Tình trạng viêm của cơ thể
Một số bệnh viêm và rối loạn hệ miễn dịch cũng là tác nhân gây sưng, phá vỡ mô trong hoàng điểm, có thể kể đến: hoại tử võng mạc, nhiễm cytomegalovirus, sarcoidosis, hội chứng Behçet, toxoplasmosis, Eales, hội chứng Vogt-Koyanagi-Harada,…
Bên cạnh đó viêm màng bồ đào cũng là một vấn đề về mắt mà có thể gây sưng nề và phá hủy các mô mắt. Nó gây ảnh hưởng không chỉ tới màng bồ đào mà còn ảnh hưởng nhất định đến mống mắt, giác mạc, thủy tinh thể, thần kinh thị giác, võng mạc, tròng trắng của mắt.
Ngoài ra có một số yếu tố sau đây, người bệnh sẽ có nguy cơ cao bị phù hơn:
– Trao đổi chất có vấn đề.
– Bị các bệnh liên quan đến mạch máu (xơ vữa mạch máu,…).
– Thoái hóa điểm vàng.
– Mắc bệnh di truyền như viêm võng mạc sắc tố.
– Co kéo hoàng điểm.
– Có khối u mắt.
– Chấn thương.
– Vô căn.
3. Hoàng điểm bị phù điều trị như thế nào?
3.1 Cần xác định cụ thể tình trạng bệnh
Nếu như nguyên nhân gây bệnh là yếu tố cần xác định đầu tiên để có thể tìm ra phương hướng điều trị thì việc xác định mức độ bệnh lại vô cùng quan trọng để tìm ra phác đồ và mức độ điều trị phù hợp và hiệu quả.
Hiện nay, để chẩn đoán bệnh, các bác sĩ thường phối hợp các phương pháp để kiểm tra một cách kỹ lưỡng mọi chỉ số của võng mạc của bệnh nhân. Hầu hết đều sẽ bao gồm những phương pháp như: kiểm tra thị lực cơ bản, lưới Amsler, chụp mạch máu võng mạc huỳnh quang… để có được những chẩn đoán chính xác và chi tiết nhất về mức độ nặng của bệnh để có hướng xử trí thích hợp.
Trước hết, phác đồ điều trị thường sẽ qua 2 giai đoạn là điều trị từ nguyên nhân gây bệnh và sau đó kết hợp điều trị trực tiếp tổn thương ở võng mạc.
3.2 Các phương pháp điều trị phù hoàng điểm phổ biến
– Tiêm Anti-VEGF: Đây là phương pháp phù hợp đối với những bệnh nhân bị phfu hoàng điểm do mạch máu. Tiêm Anti-VEGF (tiêm nội nhãn) sử dụng thuốc ức chế tăng sinh tân mạch sẽ ngăn chặn sự hoạt động của yếu tố tăng trưởng mô mạch máu, hạn chế mạch máu bị vỡ, rò rỉ, đem lại hiệu quả làm chậm quá trình phù hoàng điểm.
– Điều trị viêm: Nếu phù hoàng điểm là do các vấn đề về viêm nhiễm ở mắt gây ra thì tập trung điều trị viêm chính là lựa chọn đầu tiên của các bác sĩ. Một số loại thuốc chống viêm chứa corticoid có thể sẽ được kê đơn dưới dạng thuốc nhỏ mắt, thuốc uống hoặc cần tiêm xung quanh mắt.
– Phẫu thuật cắt dịch kính: Đây là phương pháp được áp dụng khi có hiện tượng thủy tinh thể kéo theo hoàng điểm gây phù hoặc khi các phương pháp khác không đem lại hiệu quả. Với những trường hợp này, các bác sĩ sẽ lựa chọn phẫu thuật để loại bỏ dịch kính và người bệnh có thể về trong ngày.
Với khoa học hiện đại ngày nay, có rất nhiều phương pháp điều trị phù hoàng điểm hiệu quả. Tuy nhiên bệnh nhân cần chú ý đi khám bệnh tại các cơ sở nhãn khoa uy tín để được thăm khám chính xác và điều trị bằng giải pháp phù hợp.