Đột quỵ có thể cướp đi sinh mạng người bệnh trong gang tấc. Để ngăn đột quỵ xảy ra hoặc phát hiện sớm để giảm thiểu hậu quả, việc phòng bệnh thậm chí còn quan trọng hơn chữa bệnh. Phòng ngừa đột quỵ đúng cách sẽ góp phần ngăn chặn nguy cơ tử vong hoặc các biến chứng nặng nề. Cùng tham khảo bài viết dưới đây để “bỏ túi” cách phòng ngừa đột quỵ.
Menu xem nhanh:
1. Phòng ngừa đột quỵ bằng cách kiểm soát các bệnh lý có nguy cơ
Người mắc một số vấn đề/bệnh lý như bệnh tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường, chỉ số đường huyết cao, xơ vữa động mạch, mỡ máu cao, thiếu máu não, dị dạng mạch máu não, béo phì,… có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn người bình thường.
Để phòng ngừa đột quỵ, bạn cần điều trị và kiểm soát tốt các yếu tố bệnh lý trên bằng cách:
– Thực hiện tầm soát nguy cơ đột quỵ sớm.
– Theo dõi chỉ số huyết áp thường xuyên tại nhà.
– Theo dõi đường huyết thường xuyên.
Theo thống kê, thực tế chỉ có khoảng 10% người tăng huyết áp là có triệu chứng (choáng váng, xây xẩm, nhức đầu, khó chịu,…). Điều này khiến nhiều người chủ quan, khi nhập viện vì vấn đề nào đó mới được phát hiện bản thân bị huyết áp cao.
Các chuyên gia khuyến cáo: Người dân nên xây dựng thói quen khám sức khỏe định kỳ ngay cả khi chưa có triệu chứng nào bất ổn về sức khỏe. Với những người khỏe mạnh thì nên khám 1 lần/năm, người lớn tuổi (từ 50 tuổi trở lên có nguy cơ mắc nhiều bệnh hơn giới trẻ) nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần. Nếu quá trình thăm khám sức khỏe định kỳ phát hiện ra bệnh lý, các yếu tố nguy cơ thì cần điều trị, can thiệp, điều chỉnh kịp thời để ngăn chặn biến chứng nguy hiểm xảy ra.
2. Phòng ngừa đột quỵ bằng cách xây dựng thói quen, lối sống lành mạnh
Thói quen tốt và lối sống lành mạnh có thể giúp bạn giảm thiểu tối đa nguy cơ bị đột quỵ (tai biến mạch máu não).
2.1 Một số thói quen tốt bạn nên duy trì để phòng ngừa đột quỵ
– Tập thể dục thường xuyên
– Đi ngủ đúng giờ, giấc ngủ đảm bảo đủ cả số lượng (7-8 tiếng mỗi ngày) và chất lượng.
– Tăng cường ăn nhiều rau xanh, trái cây và các thực phẩm giàu chất xơ.
– Giảm lượng thịt, tăng cường ăn cá, hải sản, các loại hạt như óc chó, macca, …
– Giảm lượng muối trong thức ăn
– Uống nhiều nước lọc hay các loại thức uống tốt cho sức khỏe như trà xanh, nhân trần,…
– Tham gia các hoạt động ngoại khóa giúp thư giãn, thoải mái, tăng cường khả năng giao tiếp.
– Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng,…
– Duy trì cân nặng hợp lý
– Thăm khám sức khỏe định kỳ
2.2 Phòng ngừa đột quỵ bằng cách loại bỏ các thói quen xấu
Ngược lại, các thói quen không tốt dưới đây nếu không được loại bỏ hoặc hạn chế có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ:
– Lười vận động
– Lạm dụng bia, rượu
– Hút thuốc lá
– Ăn nhiều đồ ăn nhanh, đồ ăn nhiều dầu mỡ, chất béo, đồ chiên xào.
– Thức khuya
– Làm việc quá sức
– Hay lo lắng, căng thẳng,…
– Ăn mặn
3. Đột quỵ không chừa một ai
Nhiều người cho rằng đột quỵ chỉ gặp ở người cao tuổi nhưng điều này là không đúng. Đột quỵ có thể xảy ra với mọi lứa tuổi, không chừa một ai kể cả trẻ em, thanh niên, người cao tuổi bất kể là nam hay nữ.
Theo nghiên cứu, đột quỵ ngày càng có xu hướng trẻ hóa hơn. Đã có rất nhiều trường hợp người bị đột quỵ và qua đời khi còn rất trẻ.
Đa số các trường hợp bị đột quỵ khi còn rất trẻ (trẻ em) là do dị dạng mạch máu não dẫn tới xuất huyết não (đột quỵ thể vỡ mạch). Đột quỵ ở người lớn tuổi chủ yếu là do xơ vữa động mạch làm xuất hiện cục máu đông gây cản trở lưu lượng tuần hoàn máu lên não dẫn đến đột quỵ do thiếu máu não.
Theo thống kê, tỷ lệ nam giới ở Việt Nam bị đột quỵ cao gấp 4 lần nữ giới.
Đặc biệt những người đã từng bị đột quỵ dễ có nguy cơ tái phát cao. Do đó, việc kiểm soát tốt các yếu tố trên là một trong những cách để phòng ngừa đột quỵ tái phát cần phải được duy trì thực hiện thường xuyên.
4. Nhận diện các dấu hiệu đột quỵ
Việc nhận biết sớm các dấu hiệu đột quỵ để xử trí kịp thời có thể hạn chế nguy cơ tử vong và hạn chế tối đa các di chứng do đột quỵ gây ra.
Sau đây là các triệu chứng nhận biết người bị đột quỵ (tai biến mạch máu não):
– Khuôn mặt: Đây là dấu hiệu dễ nhận biết nhất: mặt người bệnh sẽ bị méo (trùng xuống) ở một bên mặt, có cảm giác tê, cứng nửa bên mặt hoặc ¼ mặt dưới. Nếu người bệnh cười sẽ thấy méo rõ hơn.
Tay chân: Tê mỏi một bên cánh tay, khó đưa lên được (đưa lên dễ bị rơi xuống), vụng về trong các thao tác; chân đi dễ bị vấp té, bước đi khó khăn và nặng nề hơn trước, không nhấc được chân lên hoặc dễ bị rơi dép,…
– Tê, yếu, liệt nửa người: Nửa người có cảm giác tê bì, yếu thậm chí liệt nửa người.
– Lời nói: ú ớ, nói khó, nói đỡ hoặc môi, lưỡi bị cứng, tê, các câu nói thông thường phải tốn rất nhiều thời gian mới có thể diễn đạt một cách mạch lạc.
Khi thấy người bệnh có biểu hiện trên, cần nhanh chóng đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế gần nhất có khả năng xử trí đột quỵ để người bệnh được xử trí kịp thời, ngăn ngừa biến chứng tử vong do đột quỵ và hạn chế tối đa di chứng do đột quỵ gây ra.