Ung thư là bệnh lý ác tính rất nguy hiểm – hầu như ai cũng hiểu điều này. Tuy nhiên, phòng bệnh ung thư bằng cách nào thì không phải ai cũng biết.
Theo thống kê, khoảng 1/3 các trường hợp ung thư có thể được ngăn chặn bằng cách thay đổi lối sống, trong khi những trường hợp khác có thể chữa được nếu được chẩn đoán và điều trị sớm.
Những cách phòng bệnh ung thư
- Tiêm vắc xin: HPV, virus viêm gan B, viêm gan C là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung, dương vật, ung thư gan. Ở nhiều nước có thu nhập thấp, có đến 20% các ca tử vong ung thư là do nhiễm HBV và HPV. Vì vậy, tiêm vắc xin phòng ngừa HPV và viêm gan B là vô cùng cần thiết.
- Tránh xa thuốc lá: thuốc lá chịu trách nhiệm cho 22% các ca tử vong ung thư và khoảng 70% các ca tử vong ung thư phổi trên toàn cầu. Không hút thuốc lá và tránh xa khói thuốc là một trong những biện pháp đơn giản và hữu hiệu để phòng ngừa ung thư.
- Chế độ ăn uống khoa học với nhiều trái cây và rau xanh: ăn uống ít trái cây và rau quả được cho là nguyên nhân gây ra khoảng 14% các ca tử vong vì ung thư đường tiêu hóa, 11% các ca tử vong bệnh tim mạch và khoảng 9% các ca tử vong do đột quỵ. WHO cũng khuyến cáo: mỗi người cần tiêu thụ hơn 400 gram trái cây và rau quả mỗi ngày để cải thiện sức và giảm nguy cơ mắc bệnh.
- Tập thể dục giúp phòng ngừa 13 bệnh ung thư: ung thư thực quản, gan, phổi, thận, đại trực tràng…
- Hạn chế sử dụng rượu: rượu là nguyên nhân gây nên 3,6% trong tổng số các trường hợp ung thư trên toàn thế giới, 1,7% ở phụ nữ và 5,2% ở nam giới. Hạn chế sử dụng rượu là cách tốt nhất giúp giảm nguy cơ ung thư.
- Kiểm soát rủi ro nghề nghiệp, bảo vệ cơ thể khỏi ô nhiễm không khí: ô nhiễm không khí chịu trách nhiệm cho 1-4% các bệnh ung thư. Một số nghề nghiệp lao động chân tay, thường xuyên tiếp xúc với hóa chất cũng có nguy cơ mắc ung thư cao hơn người bình thường. Khoảng 20-30% nam giới và 5-20% nữ giới trong độ tuổi lao động có thể đã tiếp xúc với chất gây ung thư phổi trong suốt quá trình làm việc, chiếm khoảng 10% các ca ung thư phổi trên toàn thế giới. Khoảng 2% trường hợp bệnh bạch cầu trên toàn thế giới là do tiếp xúc với các chất độc hại khi làm việc.
- Tránh phơi nhiễm với các chất gây ung thư, phơi nhiễm bức xạ và một số hóa chất. Bức xạ đến từ các tia gamma, tia UV-năng lượng cao và tia X làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi, da, tuyến giáp, vú và dạ dày…
- Tầm soát ung thư định kỳ: ung thư có thể phát hiện sớm bằng các kỹ thuật hiện đại như xét nghiệm máu, chụp X-quang, chụp CT… Nhờ tầm soát ung thư, nhiều người đã phát hiện bệnh sớm và có cơ hội chữa khỏi, tỉ lệ tử vong vì ung thư theo đó đã giảm đáng kể.
Mọi thắc mắc cần được tư vấn, Mời các bạn qua Trực tiếp Khoa ung bướu- Bệnh viện Thu Cúc.