Phẫu thuật Phaco được biết đến là phương pháp chữa trị đục thủy tinh thể hàng đầu hiện nay. Với nhiều ưu điểm vượt trội, phẫu thuật hoàn toàn có thể giúp người bệnh lấy lại thị lực chỉ trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng đã có cái nhìn tổng thể và hiểu biết hết về nó. Vậy hãy cùng Hệ thống y tế Thu Cúc TCI giải đáp ngay thông qua bài viết dưới đây nhé!
Menu xem nhanh:
1. Phẫu thuật Phaco là gì?
Phẫu thuật Phaco (Phacoemulsification) còn có tên gọi khác là công nghệ mổ mắt Phaco hay mổ cườm Phaco. Đây là phương pháp sử dụng năng lượng sóng siêu âm để tán nhuyễn và hút thủy tinh thể bị đục ra khỏi mắt, thay vào đó là thủy tinh thể nhân tạo để lấy lại thị lực cho người bị đục thủy tinh thể.
Theo đó, bác sĩ chỉ cần nhỏ vài giọt thuốc tê lên tròng đen mắt của bệnh nhân. Sau đó đưa đầu Phaco vào mắt thông qua đường rạch siêu nhỏ. Đầu Phaco sẽ có nhiệm vụ tán vụn và hút thủy tinh thể bị đục ra ngoài, sau đó thế vào bằng một thủy tinh thể nhân tạo khác.
Hiện nay, đây là phương pháp phẫu thuật an toàn, hiệu quả nhất và thường được các bác sĩ chỉ định đối với các bệnh nhân mắc đục thủy tinh thể. Kết quả là tầm nhìn của người bệnh được cải thiện một cách rõ rệt.
Ưu điểm:
– Thời gian phẫu thuật ngắn (thường chỉ kéo dài trong vòng 15 – 20 phút)
– Ít đau đớn, không chảy máu trong quá trình phẫu thuật
– Vết mổ rất nhỏ nên không cần khâu, bệnh nhân hồi phục thị lực nhanh chóng
– Sau phẫu thuật, bệnh nhân không cần nằm viện mà có thể về luôn trong ngày
– An toàn, tỷ lệ thành công cao và rất ít khi để lại biến chứng
Những bệnh nhân nào có thể phẫu thuật bằng phương pháp mổ Phaco:
– Bệnh nhân bị đục thủy tinh thể và đã có chỉ định mổ
– Bệnh nhân không bị mắc các bệnh toàn thân cấp tính
– Mắt bệnh nhân không bị các trường hợp viêm nhiễm cấp tính
2. Các bước mổ Phaco diễn ra như thế nào?
Bệnh đục thủy tinh thể thường diễn ra từ từ và kéo dài trong nhiều năm trước khi thị lực của người bệnh bị ảnh hưởng quá mức, gây cản trở đến các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Lúc này, việc phẫu thuật là cần thiết để giúp người bệnh có thể lấy lại thị lực của mình.
Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân cần khám mắt tổng quát để xác định mức độ đục thủy tinh thể, từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán sau khi tiến hành đo thị lực cho bạn dưới cường độ ánh sáng cao và thấp, kiểm tra cấu trúc mắt, độ giãn đồng tử thông qua kính hiển vi, đo áp lực nội nhãn và soi đáy mắt.
Bên cạnh đó, làm xét nghiệm và khám sức khỏe tổng thể cũng là bước quan trọng giúp bác sĩ có thể lường trước được những tác nhân có thể ảnh hưởng đến quá trình phẫu thuật, đồng thời dự đoán kết quả cũng như hạn chế tối đa các biến chứng có thể xảy ra.
Bệnh nhân cần thông báo với bác sĩ tất cả những loại thuốc đang sử dụng trước khi tiến hành phẫu thuật bởi một số loại thuốc có thể gây ảnh hưởng xấu đến quá trình này (chẳng hạn aspirin có thể làm loãng máu và khiến bệnh nhân xuất huyết nội nhãn).
Một số trường hợp, bệnh nhân sẽ phải sử dụng thuốc kháng sinh để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng. Nếu mắt bệnh nhân bị đục thủy tinh thể ở cả hai bên, lời khuyên của các bác sĩ là chỉ nên phẫu thuật riêng lần lượt với từng mắt. Khi mắt phẫu thuật trước đã lành lặn hẳn, mắt còn lại mới được cân nhắc để tiếp tục tiến hành phẫu thuật.
Quy trình phẫu thuật 7 bước:
– Bước 1: Gây tê mắt giúp bệnh nhân không còn cảm giác đau khi phẫu thuật
– Bước 2: Tạo đường rạch nhỏ trên giác mạc
– Bước 3: Tách lớp màng trước thủy tinh thể tại vị trí giữa thủy tinh thể và giác mạc
– Bước 4: Tán nhuyễn và hút bỏ thủy tinh thể bị đục ra ngoài bằng sóng siêu âm cao tần
– Bước 5: Hút bỏ phần vỏ còn lại của thủy tinh thể bằng đầu tip I/A
– Bước 6: Đưa thủy tinh thể nhân tạo vào mắt qua đường rạch nhỏ, điều chỉnh và cố định vị trí
– Bước 7: Khử trùng và kết thúc phẫu thuật
Thông thường, vì đường rạch trên giác mạc là rất nhỏ nên giác mạc sẽ tự lành lại mà không cần khâu. Phẫu thuật chỉ diễn ra vỏn vẹn trong khoảng 15 phút đến 20 phút tùy theo tình trạng thủy tinh thể của từng bệnh nhân. Theo dõi trong khoảng 4 tiếng là người bệnh có thể về nhà ngay trong ngày mà không cần lưu lại viện.
3. Tips chăm sóc mắt khi phẫu thuật
3.1 Trước phẫu thuật Phaco
Để đảm bảo quá trình phẫu thuật diễn ra hiệu quả nhất và hạn chế các tình huống xấu có thể xảy ra thì trước khi phẫu thuật, người bệnh nên:
– Ăn uống bình thường, đầy đủ dinh dưỡng
– Không sử uống bia, rượu và sử dụng các chất kích thích
– Giữ vệ sinh mắt, không trang điểm và sử dụng mỹ phẩm ngày phẫu thuật
– Tránh mặc áo chui đầu, ôm sát người hoặc làm từ áo lông thú
– Ngủ đủ giấc và chuẩn bị tinh thần thoải mái, không nên quá lo lắng sẽ khiến tim đập nhanh, huyết áp dễ tăng cao
– Không tự lái xe vào ngày tiến hành phẫu thuật
– Làm theo các lời khuyên khác mà bác sĩ chỉ định
3.2 Sau phẫu thuật Phaco
Ngay sau khi phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được nghỉ ngơi theo dõi lại một khu vực riêng tại bệnh viện. Lúc này, nếu có bất kỳ các triệu chứng như: Buồn ngủ, đau mắt, buồn nôn, khó chịu,… bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ ngay để được xử lý kịp thời.
Trong quá trình hồi phục mắt, bệnh nhân có thể gặp phải một số vấn đề như sau:
– Nhìn thấy các đốm đen: Tình trạng này thường sẽ tự biến mất sau vài tuần.
– Ngứa và chảy dịch ở mắt: Tuyệt đối không dùng tay, hãy dùng khăn/gạc mềm, sạch, ấm và ẩm để vệ sinh nhé!
– Nhạy cảm với ánh sáng, thâm mắt hoặc sụp mắt nhẹ: Vấn đề này sẽ được cải thiện dần khi mắt đã lành lại.
Mặc dù có thể sinh hoạt bình thường gần như lập tức ngay sau khi phẫu thuật, tuy nhiên bạn vẫn nên đeo kính để bảo vệ mắt kể cả khi đi ngủ và cố gắng không cọ xát mắt trong ít nhất hai tuần sau đó.
Sau phẫu thuật một ngày, bệnh nhân nên đến bệnh viện gặp bác sĩ để khám và kiểm tra lại. Bác sĩ sẽ kê thuốc nhỏ mắt giúp bạn ngăn ngừa nhiễm trùng, đồng thời kiểm soát áp lực nội nhãn. Những loại thuốc này thường cần dùng cho khoảng một tháng sau phẫu thuật.
Các lần kiểm tra tiếp theo thường sẽ là sau 1 tuần, 3 tuần và 6 đến 8 tuần sau phẫu thuật, tùy theo chỉ định của bác sĩ hoặc các biến chứng bất thường có thể xảy ra.
Những điều cần tránh sau phẫu thuật đục thủy tinh thể:
– Tránh làm việc nặng trong 2 ngày đầu
– Tắm từ cổ trở xuống, không để nước vào mắt trong 3 ngày đầu
– Không điều khiển phương tiện giao thông trong 1 tuần (vì tầm nhìn chưa hồi phục hoàn toàn)
– Không úp mặt vào tường khi đi ngủ, rất dễ gây áp lực cho mắt
– Hạn chế uống bia, rượu cũng như sử dụng các chất kích thích
4. Hỏi đáp cùng chuyên gia mắt Thu Cúc TCI
– Câu hỏi 1: “Mổ mắt Phaco có áp dụng BHYT được không?”
Trả lời: Có. BHYT được áp dụng theo quy định chung, có thể thanh toán tối đa 3trđ/1 thủy tinh thể.
– Câu hỏi 2: “Mổ mắt Phaco có thanh toán BHBL không?”
Trả lời: Áp dụng linh hoạt tùy vào từng trường hợp, loại trừ bệnh do di truyền hoặc tuổi già.
– Câu hỏi 3: “Mổ Phaco có cần nằm viện không?”
Trả lời: Không. Sau khi mổ, bệnh nhân chỉ cần lưu lại viện 4 tiếng để theo dõi. (Nếu bệnh nhân ở xa có nhu cầu có thể nằm lưu viện qua đêm sau mổ hoặc trước mổ).
– Câu hỏi 4: “Mổ Phaco có mổ lại được không?”
Trả lời: Không.
– Câu hỏi 5: “Bệnh viện có bán kính không?”
Trả lời: Có.
– Câu hỏi 6: “Tôi muốn mổ 2 mắt cùng lúc có được không?”
Trả lời: Được, nhưng không khuyến khích.
– Câu hỏi 7: “Mổ Phaco có gây mê không?”
Trả lời: Không. Mổ Phaco chỉ gây tê vùng mắt cần phẫu thuật.
Như vậy, trên đây là đáp án cho câu hỏi “Mổ Phaco là gì?” và những cách chăm sóc mắt khi phẫu thuật mà Hệ thống y tế Thu Cúc TCI muốn gửi đến bạn. Với đội ngũ y, bác sĩ chuyên khoa có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, hệ thống trang thiết bị tối tân hiện đại cùng cái tâm đặt trọn trong từng ca bệnh, chúng tôi tự tin sẽ là sự lựa chọn số một cho đôi mắt của bạn.
Nếu có bất cứ câu hỏi nào khác về mắt nói chung và phẫu thuật Phaco nói riêng, hãy liên hệ với Hệ thống y tế Thu Cúc TCI ngay để được giải đáp sớm nhất nhé!