Phác đồ điều trị ung thư vú khi bị tái phát

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Lê Văn Bảo

Trưởng khoa Ung Bướu

Với một số trường hợp mắc ung thư vú, bệnh có thể tái phát sau khi người bệnh đã điều trị được nhiều năm. Ung thư vú tái phát có thể là dạng cục bộ, khu vực hoặc di căn nên việc điều trị cho bệnh nhân sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Lúc này, bác sĩ sẽ căn cứ vào các kết quả chẩn đoán cũng như tình trạng sức khỏe thực tế để đưa ra được phác đồ điều trị ung thư vú phù hợp nhất với người bệnh.

1. Ung thư vú tái phát khi nào?

Ung thư vú sau khi điều trị thì có thể tái phát hoặc không. Tình trạng này có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhưng hầu hết các đợt tái phát thường xuất hiện trong 5 năm đầu tiên sau khi người bệnh được điều trị.

Ung thư vú có thể tái phát cục bộ hoặc tái phát tại một vị trí bất kỳ trên cơ thể, phổ biến nhất ngoài vú là ở các hạch bạch huyết, xương, gan, phổi và não.

2. Làm sao để chẩn đoán ung thư vú tái phát?

Khi nghi ngờ người bệnh có dấu hiệu tái phát ung thư vú, bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm chẩn đoán dưới đây:

2.1. Chẩn đoán hình ảnh

Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh có tác dụng xác định ung thư vú bao gồm:

Chụp cộng hưởng từ MRI

Chụp cắt lớp vi tính CT

– Chụp X-quang ngực

– Chụp cắt lớp phản xạ PET

Người bệnh không cần thực hiện toàn bộ những thủ thuật này mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phù hợp nhất với các dấu hiệu và tình trạng bệnh thực tế.

Phác đồ điều trị ung thư vú - chụp MRI

Chụp cộng hưởng từ MRI là một trong những phương pháp giúp chẩn đoán ung thư vú

2.2. Xét nghiệm sinh thiết

Bác sĩ có thể đề nghị người bệnh thực hiện sinh thiết để thu thập các tế bào nghi ngờ ung thư. Sau đó, các tế bào này sẽ được xét nghiệm và phân tích để đưa ra kết luận chính xác ung thư đã tái phát hay chưa. Quá trình phân tích tế bào sẽ được thực hiện trong phòng thí nghiệm.

Bên cạnh đó, kết quả xét nghiệm còn giúp tìm ra ung thư đó là tái phát hay ung thư mới, và cho thấy liệu ung thư có nhạy cảm với các phương pháp điều trị như nhắm trúng đích hay liệu pháp hormone hay không.

Phác đồ điều trị ung thư vú - chọc sinh thiết

Sinh thiết dưới hướng dẫn của siêu âm có thể mang đến độ chính xác cao

3. Phác đồ điều trị ung thư vú khi bị tái phát

Căn cứ phân loại ung thư tái phát cục bộ, khu vực hay di căn mà bác sĩ sẽ tư vấn và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho người bệnh.

3.1. Ung thư vú tái phát cục bộ (tại chỗ)

Ung thư vú tái phát tại chỗ thường điều trị bằng phẫu thuật đầu tiên, có thể kết hợp xạ trị, hóa trị và liệu pháp hormone.

– Phẫu thuật: Trong trường hợp ung thư tái phát chỉ giới hạn ở vú, và lần điều trị đầu tiên bệnh nhân đã phẫu thuật bảo tồn thì bác sĩ có thể đề nghị cắt bỏ bên vú có khối u. Phương pháp này sẽ loại bỏ tất các các mô vú (gồm thuỳ, ống dẫn, mô mỡ, da và núm vú). Nếu lần điều trị đầu tiên bệnh nhân đã được cắt bỏ toàn bộ vú và ung thư tái phát ở thành ngực thì bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật loại bỏ ung thư mới và viền mô bình thường.

– Xạ trị: Không được khuyến khích với đối tượng đã từng xạ trị mà chỉ được đề nghị sử dụng nếu người bệnh chưa từng điều trị bằng phương pháp này.

– Hoá trị: Hoá trị có thể thực hiện sau phẫu thuật để tiêu diệt tế bào ung thư và giảm nguy cơ tái phát ở lần tiếp theo.

– Liệu pháp hormone: Thường được khuyến khích sử dụng nếu ung thư vú tái phát dương tính với thụ thể hormone.

– Liệu pháp nhắm trúng đích: Sử dụng nếu các tế bào ung thư có dấu hiệu sản xuất protein HER2 dư thừa.

3.2. Ung thư vú tái phát khu vực

Phác đồ dành cho ung thư vú tái phát khu vực là sự kết hợp của những phương pháp điều trị sau:

– Phẫu thuật: Cắt bỏ các hạch bạch huyết ở dưới cánh tay của bệnh nhân.

– Xạ trị: Kết hợp xạ trị sau phẫu thuật hoặc sử dụng như phương pháp điều trị chính.

– Điều trị bằng các loại thuốc phù hợp: Kết hợp hoá trị, điều trị đích hoặc liệu pháp hormone sau phẫu thuật, xạ trị hoặc sử dụng như phương pháp điều trị chính.

Phác đồ điều trị ung thư vú tái phát khu vực

Bác sĩ luôn tư vấn và khuyến khích những phương pháp điều trị phù hợp nhất với người bệnh

3.3. Ung thư vú tái phát di căn

Mục tiêu của việc điều trị ung thư tái phát di căn là kéo dài tối đa thời gian sống và hạn chế các triệu chứng ung thư xuất hiện trên người bệnh.

Căn cứ vào vị trí ung thư di căn cũng như tình trạng sức khỏe và khả năng đáp ứng của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ phù hợp nhất, bao gồm các phương pháp điều trị dưới đây:

– Liệu pháp hormone: Khuyến khích dùng nếu ung thư dương tính với thụ thể hormone vì ít gây ra tác dụng phụ.

– Hoá trị: Có thể được chỉ định nếu ung thư âm tính với thụ thể hormone hoặc trường hợp liệu pháp hormone không thể đáp ứng được.

– Liệu pháp nhắm trúng đích: Khuyến khích dùng nếu các tế bào ung thư có một số điểm yếu nhất định và dễ bị các thuốc đích tác động vào.

– Thuốc xây dựng xương: Được tư vấn dùng khi ung thư vú đã di căn đến xương, giúp giảm đau xương và giảm nguy cơ gãy xương.

– Phương pháp khác: Xạ trị và phẫu thuật có thể được cân nhắc sử dụng trong những trường hợp cần thiết.

Hy vọng thông qua bài viết trên đây, các chị em có thể biết thêm một số thông tin về các phác đồ điều trị ung thư vú trong trường hợp bệnh tái phát. Nếu phát hiện và xử lý kịp thời thì ung thư vú vẫn có thể kiểm soát được, vì vậy người bệnh nên chủ động trong việc chăm sóc hàng ngày và tái khám định kỳ với bác sĩ chuyên khoa.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital