Ốm nghén thường xuất hiện ở thời kỳ đầu của quá trình mang thai. Người mẹ có thể gặp phải các triệu chứng như buồn nôn, ói mửa, mệt mỏi, khó chịu và chán ăn. Trong thực tế, có đến 80% phụ nữ mang thai trải qua quá trình này. Tuy nhiên, cũng có nhiều bà bầu may mắn mang thai suôn sẻ mà chẳng hề bị buồn nôn hay kén ăn. Cùng tìm hiểu về ốm nghén qua một số câu hỏi ngắn dưới đây.
Menu xem nhanh:
Tình trạng ốm nghén thường bắt đầu vào thời điểm nào?
Đa số phụ nữ có các biểu hiện ốm nghén vào giữa tuần thứ 4 và tuần thứ 8 của thai kỳ. Ốm nghén cũng có thể xuất hiện sớm nhất là sau ngày thụ thai hoặc muộn hơn vào tuần thứ 19 của thai kỳ.
Những người đã từng bị ốm nghén trong lần mang thai trước có thể tiếp tục bị ốm nghén trong thời kỳ mang thai tiếp theo?
Tình trạng ốm nghén là không thể dự đoán trước được, tuy nhiên theo các nghiên cứu có khoảng một nửa đến 2/3 số phụ nữ đã bị ốm nghén ở lần mang thai trước ũng sẽ có các triệu chứng tương tự ở lần mang thai tiếp theo.
Ốm nghén có phổ biến không?
Ốm nghén là tình trạng rất phổ biến, khoảng 50 – 80% phụ nữ mang thai gặp phải tình trạng này.
Ốm nghén thường kéo dài trong bao lâu?
Đối với hầu hết phụ nữ, ốm nghén bắt đầu từ tuần thứ 4 và thứ 8 của thai kỳ và kết thúc giữa tuần thứ 12 và 16. Tuy nhiên ở một số người, ốm nghén có thể kéo dài hơn, cho tới những tháng cuối của thai kỳ. Một nghiên cứu gần đây cho thấy có khoảng 10% phụ nữ vẫn sẽ có những triệu chứng ốm nghén sau tuần thứ 22 của thai kỳ.
Ốm nghén có ảnh hưởng gì tới sức khỏe thai nhi?
Sức khỏe của em bé có thể bị ảnh hưởng nếu người mẹ mất quá nhiều trọng lượng và sức khỏe bị tổn hại do ốm nghén. Những người không uống đủ nước hoặc nôn mửa thường xuyên, có nguy cơ cao bị mất nước. Ngoài ra tình trạng buồn nôn hoặc nôn mửa trong thai kỳ có thể ảnh hưởng tới sự thèm ăn, khiến cho người mẹ gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì một chế độ ăn uống cân bằng.
Có cách nào để phòng tránh ốm nghén không?
Thật không may, tình trạng ốm nghén là không thể dự đoán trước cũng như không thể phòng tránh được. Tuy nhiên theo một số báo cáo phụ nữ uống vitamin tổng hợp có thể có các triệu chứng ốm nghén ít nghiêm trọng hơn. Ngoài ra với những trường hợp bị ốm nghén khó chịu trong thai kỳ có thể ngăn chặn tình trạng này trở nên tồi tệ hơn bằng cách tới bệnh viện để kiểm tra và điều trị.
Mức độ nghiêm trọng của ốm nghén khác nhau tùy thuộc vào giới tính của thai nhi?
Có một số nghiên cứu cho rằng người mẹ bị ốm nghén có khả năng mang thai bé gái. Tuy nhiên kết quả nghiên cứu này không thuyết phục.
Nguyên nhân dẫn tới ốm nghén ở phụ nữ mang thai?
Nguyên nhân cụ thể gây ra ốm nghén vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên có một số yếu tố có liên quan tới tình trạng ốm nghén như nồng độ hormone tăng cao, những thay đổi về thể chất hoặc nhạy cảm hơn với mùi ở phụ nữ mang thai.
Mức độ ốm nghén như thế nào thì cần phải điều trị bằng thuốc?
Khả năng chịu đựng của mỗi phụ nữ là hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên nếu các triệu chứng của ốm nghén ảnh hưởng tới sức khỏe và các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, người mẹ nên tới bệnh viện để được kiểm tra và tư vấn điều trị.
Ốm nghén có phải là một dấu hiệu tốt không?
Một số nghiên cứu liên kết tình trạng ốm nghén giúp làm giảm nguy cơ sảy thai, tuy nhiên không phải ai cũng bị ốm nghén trong thai kỳ. Có khoảng 50 – 80% phụ nữ mang thai bị ốm nghén, ngược lại 20 – 50% còn lại hầu như không trải qua bất cứ triệu chứng nào. Không nên sử dụng các triệu chứng như buồn nôn và nôn mửa để xác nhận thai kỳ. Và những người không có các triệu chứng này cũng không nên cho rằng thai kỳ có vấn đề.
Đau đầu, chóng mặt cũng là những triệu chứng của ốm nghén?
Các triệu chứng thường xuất hiện trong ốm nghén bao gồm ợ nóng, khó tiêu, thay đổi tâm trạng và mất nước.