Nôn và buồn nôn kéo dài là phản xạ không thể kiểm soát nhằm tống các chất từ dạ dày qua đường miệng. Triệu chứng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó bao gồm cả bệnh lý ác tính nguy hiểm – ung thư dạ dày.
Menu xem nhanh:
Triệu chứng nôn và buồn nôn cảnh báo nhiều bệnh lý
Trong cuộc sống thường ngày, mọi người đều ít nhiều có những lúc cảm thấy buồn nôn hoặc nôn ói. Tình trạng này sẽ không có gì nguy hiểm nếu chúng xuất phát từ nguyên nhân như say xe, sợ độ cao, dị ứng thực phẩm…
Nôn và buồn nôn kéo dài cả ngày không khỏi, trong khi không xuất phát từ các nguyên nhân thông thường trên thì bạn nên đến bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra, chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh bởi đây có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý như:
- Viêm túi mật: là tình trạng nhiễm trùng ở túi mật. Nôn và buồn nôn thường đi kèm với cơn đau đột ngột ở vùng bụng phải trên, dễ lan sang các phần khác của bụng, lưng.
- Loét dạ dày: Nôn và buồn nôn kéo dài xuất hiện trong vài tuần hay vài tháng đi kèm với hàng loạt các triệu chứng như đầy bụng, ợ chua, sút cân, tiêu chảy, táo bón…
- Trào ngược dạ dày – thực quản: cảm giác buồn nôn mơ hồ, nôn ra chất dịch màu đen và người bệnh còn cảm thấy đau tức, nóng rát vùng ngực.
- Tiểu đường: ngoài triệu chứng buồn nôn, bệnh nhân còn có cảm giác chóng mặt, chán ăn, yếu ớt…
- Ung thư dạ dày: nôn và buồn nôn kéo dài là một trong những triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân ung thư dạ dày, phổ biến ở khoảng trên 30% ca mắc. Không giống với những bệnh lý thông thường khác, bệnh nhân ung thư dạ dày còn có hiện tượng nôn ra máu, máu thường có màu đỏ tươi, đôi khi có lẫn cặn bã từ phần thức ăn chưa được tiêu hóa hoàn toàn. Với bệnh nhân ung thư dạ dày, cảm giác buồn nôn và nôn ói không mất đi và ngày càng nghiêm trọng.
Các dấu hiệu khác cảnh báo bệnh ung thư dạ dày
Ngoài triệu chứng buồn nôn và nôn kéo dài, bệnh nhân còn có những dấu hiệu ung thư dạ dày như sau:
- Sút cân nhanh chóng
- Chán ăn
- Khó nuốt
- Đau bụng âm ỉ
- Đi ngoài phân đen
- Thường xuyên cảm thấy chóng mặt, hoa mắt do thiếu máu
- Xuất hiện hạch tại nhiều vị trí trên cơ thể
Chẩn đoán bệnh ung thư dạ dày như thế nào?
Để chẩn đoán chính xác bệnh ung thư dạ dày, bác sĩ thường kết hợp nhiều phương pháp khác nhau như:
- X quang dạ dày với Barium: thường được bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân có triệu chứng nghi ngờ nhưng không có yếu tố nguy cơ. Giá trị chẩn đoán ung thư dạ dày của phương pháp này lên tới khoảng 90%.
- Nội soi dạ dày bằng ống soi mềm kết hợp sinh thiết: là tiêu chuẩn vàng để xác định chính xác tình trạng bệnh. Qua nội soi, bác sĩ có thể phát hiện các vết loét, khối polyp – tổn thương tiền ung thư… Sinh thiết mô nghi ngờ cho giá trị chẩn đoán chính xác lên tới 98%.
- Siêu âm qua nội soi: đánh giá chính xác mức độ xâm lấn khối u trên thành dạ dày và di căn hạch lân cận
- CT hoặc MRI: là phương pháp chẩn đoán chuyên sâu đánh giá giai đoạn tiến triển ung thư dạ dày.
- Nội soi ổ bụng: dành cho di căn gan hay phúc mạc mà chụp CT không phát hiện được…
Nôn và buồn nôn kéo dài nhiều lúc không “lành” như bạn tưởng. Chính vì vậy, ngay khi thấy dấu hiệu bất thường này, đặc biệt là khi đi kèm với nhiều triệu chứng nghi ngờ khác, bạn hãy đến bệnh viện để khám chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời.