Theo ước tính và thống kê của Tổ chức y tế thế giới (WHO) thì hàng năm trên toàn cầu có khoảng 9-10 triệu người mới mắc bệnh ung thư và một nửa trong số đó chết vì căn bệnh này. Tìm hiểu về ung thư để biết rõ nguy cơ, có những phương pháp phòng ngừa hiệu quả là điều cần thiết với mỗi người.
Menu xem nhanh:
Loại ung thư nào phổ biến nhất trên thế giới?
Căn bệnh ung thư phổ biến nhất trên thế giới hiện nay là ung thư phổi, khiến 1.2 triệu người tử vong hàng năm. Trong khi 85% các bệnh nhân ung thư phổi là do hút thuốc lá, ngày càng có nhiều trường hợp mắc bệnh mà không liên quan tới thuốc lá.
Ở các nước phát triển, nơi có tỷ lệ hút thuốc lá cao và ô nhiễm môi trường, tỷ lệ mắc bệnh ung thư phổi có xu hướng gia tăng.
Loại ung thư nào có cơ hội điều trị thành công cao?
Nhiều loại ung thư có cơ hội điều trị thành công ở giai đoạn đầu. Ung thư da, ung thư vú, ung thư tinh hoàn, ung thư tuyến tiền liệt đều có tiên lượng tốt nếu được phát hiện sớm. Ung thư da có thể nhận biết khá dễ dàng và điều trị kịp thời nếu người bệnh kiểm tra da thường xuyên.
Loại bệnh ung thư nào có khả năng phòng ngừa cao nhất?
Ung thư phổi có thể được phòng ngừa hiệu quả bằng cách không hút thuốc. Nội soi thường xuyên sẽ làm hạn chế nguy cơ phát triển ung thư đại trực tràng đáng kể vì tăng trưởng tiền ung thư có thể được loại bỏ trước khi chúng tiến triển thành ung thư. Ung thư cổ tử cung, đang gia tăng ở nhiều nước đang phát triển, có thể được hạn chế bằng cách tiêm vaccine HPV và thực hiện tầm soát đối với loại virus lây truyền qua đường tình dục này.
Ung thư có lây không?
Không, ung thư không lây nhiễm. Trong quá khứ, mọi người vì chưa có nhận thức đầy đủ về căn bệnh này nên thường xa lánh những người bị ung thư. Thậm chí hiện tại, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp của người bệnh ung thư vẫn có một số ít trường hợp có xu hướng e ngại. Kết quả là nhiều bệnh nhân ung thư cho biết họ thường xuyên cảm thấy bị cô lập.
Ung thư không phải là bệnh truyền nhiễm vì thế bệnh không lây lan khi chúng ta tiếp xúc với người bệnh. Hơn tất cả bệnh nhân ung thư luôn cần sự đồng cảm và hỗ trợ từ mọi người xung quanh để chiến đấu với bệnh tật.
Có phải ung thư lúc nào cũng gây đau đớn?
Cơ thể đau đớn là một trong những lý do chính khiến nhiều người lo sợ về ung thư. Tuy nhiên không phải loại ung thư nào cũng gây đau đớn về thể xác cho người bệnh. Cơn đau trong bệnh ung thư có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Nhiều người cảm thấy đau vì khối u bắt đầu phát triển, trong khi đó một số người khác lại bị đau sau phẫu thuật hoặc các tác dụng phụ của điều trị.
Tuy nhiên bệnh nhân cũng không nên quá lo lắng, với sự tiến bộ của y học hiện đại, trong phần lớn các trường hợp cơn đau sẽ được kiểm soát hiệu quả, thuyên giảm dần.
Nhiều người nghi ngờ rằng dùng thuốc giảm đau cho bệnh nhân ung thư sẽ gây nghiện. Nhưng nhiều bằng chứng nghiên cứu cho thấy, nhìn chung những người sử dụng thuốc giảm đau ung thư theo đúng chỉ định của bác sĩ không bị nghiện thuốc.
Có phải cứ mắc bệnh ung thư là chắc chắn sẽ chết?
Không, nhưng đây là suy nghĩ mặc định của nhiều người về căn bệnh này. Các dữ liệu thống kê gần đây cho biết có khoảng 68% số người được chẩn đoán ung thư vẫn còn sống 5 năm sau đó. Đối với những người này, ung thư gần giống như bệnh tim mạch hay tiểu đường – là bệnh mãn tính và có thể kiểm soát được nhờ điều trị.
Y học hiện đại với nhiều phát kiến vượt bậc mang lại nhiều hy vọng trong điều trị bệnh ung thư. Do đó đừng nên tuyệt vọng suy nghĩ ung thư là bản án tử hình. Chính vì tư tưởng bi quan này mà nhiều người đã từ chối điều trị mặc dù thực tế căn bệnh của họ có cơ hội điều trị thành công cao hoặc có thể kiểm soát tốt.