Cấy que tránh thai là biện pháp tránh thai phổ biến được nhiều chị em lựa chọn để phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn. Phương pháp này không những mang lại hiệu quả tránh thai cao mà còn có tác dụng lâu dài. Bên cạnh đó nhiều chị em vẫn còn băn khoăn về những tác dụng phụ của que tránh thai.
Menu xem nhanh:
1. Khái niệm về que tránh thai
Que tránh thai được sản xuất dưới dạng một chiếc ống nhỏ được cấy vào vùng dưới da cánh tay của phụ nữ. Khi que tránh thai được cấy vào, một lượng nhỏ hormone progestins sẽ được phóng thích và đi vào cơ thể phụ nữ.
Lượng hormone này sẽ ngăn chặn quá trình rụng trứng, đồng thời tiết ra một loại chất nhờn bịt chặt cổ tử cung, ngăn không cho tinh trùng gặp trứng.
Thời gian hiệu quả của việc cấy que tránh thai thường có tác dụng 3 năm, khi có ý định sinh con, chị em có thể lấy que cấy ra khỏi cơ thể bất kì lúc nào. Khi đó quá trình rụng trứng sẽ lại diễn ra bình thường.
Thủ thuật cấy que tránh thai khá đơn giản và nhanh gọn. Vì vậy biện pháp này không hề gây khó chịu, sau khi thực hiện chị em sẽ không phải áp dụng thêm bất kì phương pháp phòng ngừa có thai nào khác.
2. Ưu điểm của biện pháp cấy que ngừa thai
Cho đến thời điểm hiện tại, cấy que tránh thai vẫn là phương án được nhiều chị em ưu tiên bởi lẽ phương pháp này mang đến rất nhiều ưu điểm như:
– Hiệu quả tránh thai vượt trội lên đến 99%
– Tác dụng trong thời gian dài ít nhất là 3 năm, sau mỗi lần quan hệ không cần lo nghĩ tới việc tránh thai nữa.
– Thủ thuật cấy que đơn giản, nhanh gọn, không gây đau đớn
– Là biện pháp thích hợp dành cho những trường hợp tiền sử dị ứng thuốc ngừa thai, các bà mẹ cho con bú hoặc phụ nữ ngoài 40 tuổi
– Khi cấy que tránh thai dưới da chị em vẫn có thể sinh hoạt tình dục bình thường
– Sau khi cấy que tránh thai nhiều chị em sẽ có khối lượng kinh nguyệt rất ít hoặc không có, tình trạng đau bụng kinh được thuyên giảm đáng kể.
3. Nhược điểm của biện pháp cấy que ngừa thai
Ngoài những ưu điểm vượt trội thì việc sử dụng que cấy tránh thai cũng tồn tại các nhược điểm như: Nguy cơ dị ứng với que cấy, nhiễm khuẩn hoặc có máu tụ ở vùng da cấy que, trường hợp que cấy bị di chuyển lệch từ 1 – 2 cm, que cấy bị cong vênh hoặc sờ không thấy,…. Tuy nhiên tỉ lệ những bất thường này xác suất xảy ra là rất thấp.
4. Que tránh thai có những tác dụng phụ gì?
Việc cấy que tránh thai tuy mang lại cho người dùng hiệu quả và sự tiện lợi, tuy nhiên vẫn có một số tác dụng phụ của que tránh thai mà chị em cần nắm rõ:
– Tác dụng phụ phổ biến nhất là tình trạng rong kinh, âm đạo có thể bị rỉ máu với số lượng ít và không đều. Đây là hiện tượng thường thấy và không đáng lo ngại.
– Chu kì kinh nguyệt bị xáo trộn bất thường: Do sự thay đổi về nội tiết tố bên trong nên sau khi cấy que tránh thai chị em có thể gặp tình trạng không có kinh nguyệt trong một vài chu kì đầu tiên, nếu sau 3 chu kì kinh mà kinh nguyệt vẫn không xuất hiện thì nên đến các cơ sở y tế thăm khám để tìm rõ nguyên nhân.
– Mọc nhiều mụn: Sau khi cấy que tránh thai một số chị em gặp tình trạng nổi mụn không kiểm soát, mụn xuất hiện nhiều xung quanh cằm và 2 bên má, nguyên nhân chính là do cơ thể chưa kịp thích nghi với lượng hormone từ que tránh thai dẫn đến nội tiết thay đổi.
– Tăng cân không kiểm soát: Nếu tăng một vài cân thì không cần lo lắng nhưng nếu tăng cân liên tục trong thời gian ngắn chị em cần đi khám để làm rõ nguyên nhân. Trong trường hợp tăng cân do que cấy, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện việc tháo gỡ que ra khỏi cơ thể và lựa chọn các biện pháp tránh thai khác phù hợp hơn.
– Ngứa xung quanh vùng da cấy: Nhiều chị em sẽ cảm thấy bị ngứa râm ran sau khi cấy que tránh thai. Mức độ ngứa sẽ tùy thuộc vào phản ứng cơ địa của mỗi người nhưng hầu hết triệu chứng này sẽ đỡ sau từ 1 – 2 ngày và không đáng lo ngại. Tuy nhiên nếu thấy hiện tượng sưng đau hay chảy mủ thì chị em cần tới ngay cơ sở y tế để thăm khám vì có thể que tránh thai đang được đặt không đúng vị trí.
– Suy giảm nhu cầu ham muốn tình dục: Việc phóng thích hormone progestins sẽ ngăn chặn sự hoạt động của các hormon sinh dục, điều này sẽ làm giảm ham muốn tình dục của phái nữ, ảnh hưởng đến đời sống vợ chồng.
– Vẫn xảy ra trường hợp mang thai ngoài ý muốn bởi không có biện pháp tránh thai nào mang lại hiệu quả tuyệt đối 100%
5. Hạn chế tác dụng phụ của que ngừa thai bằng cách nào?
5.1 Lên thực đơn ăn uống hợp lí
Một chế độ dinh dưỡng với đầy đủ vitamin và khoáng chất sẽ giúp cơ thể mau chóng thích nghi với sự thay đổi mới và điều tiết kịp thời. Chị em nên thêm vào thực đơn các loại thực phẩm giàu chất xơ, nhất là rau xanh và trái cây
5.2 Tập thể dục đều đặn
Việc tập thể dục thường xuyên và giữ cho mình một lối sống lành mạnh sẽ giúp cơ thể tăng sức đề kháng, giảm thiểu căng thẳng mệt mỏi. Việc tập luyện thể thao vừa giúp giảm cân đồng thời cũng giảm thiểu những tác dụng không mong muốn của que ngừa thai.
5.3 Kiểm tra sức khỏe và theo dõi vị trí que cấy
Thường xuyên thăm khám để biết được tình trạng sức khỏe cũng như phát hiện những biến chứng kịp thời nếu que tránh thai bị di chuyển hoặc nằm sai vị trí. Bạn cũng có thể yêu cầu bác sĩ tháo que tránh thai khi có ý định mang thai và sinh con.
Cấy que ngừa thai là thủ thuật tránh thai hiện đại và mang lại hiệu quả cũng như tính ứng dụng cao. Biện pháp này có thể áp dụng với nhiều đối tượng và độ tuổi khác nhau, đặc biệt vô cùng nhẹ nhàng và không gây nhiều đau đớn, cùng mức chi phí hợp lý. Tuy nhiên, tuyệt đối không được tự ý sử dụng que tránh thai để cấy vào cơ thể. Khi muốn thực hiện phương pháp này, chị em cần phải đến các bệnh viện hoặc cơ sở y tế uy tín để thăm khám, kiểm tra. Việc tìm hiểu kỹ trước khi quyết định lựa chọn thực hiện biện pháp này sẽ giúp chị em phòng tránh được những biến chứng không mong muốn của việc cấy que ngừa thai.