Cảm lạnh thông thường là nhiễm virus đường hô hấp trên, mũi và cổ họng gây ra. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng hay gặp nhất trong khoảng thời gian từ đầu mùa thu đến cuối mùa xuân. Các triệu chứng của bệnh cảm lạnh thường là đau nhức cơ thể, đau đầu nhẹ, hắt hơi, chảy nước mắt, sốt nhẹ, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, đau họng, ho… Khi nghi ngờ bị cảm lạnh, người bệnh nên thăm khám và điều trị cẩn thận, không nên chủ quan coi thường sẽ dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, suy hô hấp. Dù rất phổ biến nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về căn bệnh này, sau đây là 5 sự thật thú vị về cảm lạnh.
Menu xem nhanh:
Virus cảm lạnh không phải là nguyên nhân khiến bạn cảm thấy khó chịu
Phản ứng miễn dịch của cơ thể mới là nguyên nhân khiến chúng ta cảm thấy khó chịu, mệt mỏi. Đây là nhận định của Giáo sư on Eccles (Common Cold Centre, Cardiff) – người đã có thời gian dài nghiên cứu về cảm lạnh. Theo đó khi một người bị cảm lạnh, virus sẽ tấn công mũi và mặt sau của cổ họng. Lúc này hệ miễn dịch của cơ thể phát hiện virus và bắt đầu gửi đi rất nhiều tế bào máu trắng, các chất truyền tín hiệu hóa học đến những cơ quan này, gây ra các triệu chứng khác nhau như đau đầu, nghẹt mũi… khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, khó chịu.
Ngạt mũi là do niêm mạc mũi sưng nề
Ngạt mũi không phải do tích tụ của các chất dịch, nhầy mà là vì các mạch máu trong mũi bị viêm. Lớp niêm mạc mũi được cấu tạo từ các mô cương (tương tự như các mô ở cơ quan sinh dục). Khi bị cảm lạnh, các mạch máu sẽ sưng lên, gây thu hẹp không khí đi qua mũi và hạn chế các luồng khí khi thở. Có thể sử dụng thuốc xịt mũi để giảm sưng và hô hấp dễ dàng hơn nếu bị ngạt mũi.
Virus cúm có thể thâm nhập qua mắt
Khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, virus sẽ được giải phóng qua những giọt nước nhầy trong không khí hoặc tay của người bệnh nếu họ dùng tay để che miệng lại. Một người có thể bị lây truyền virus cảm lạnh khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh (trò chuyện, bắt tay… ) hoặc qua đồ vật (có dính virus gây bệnh), cầm nắm dụng cụ, khăn, đồ chơi hoặc điện thoại. Sau đó khi chúng ta chạm tay vào mắt, miệng, mũi… các virus gây bệnh cảm lạnh sẽ xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh.
Hầu hết mọi người có thói quen chạm tay vào mắt và mũi thường xuyên hơn so với miệng. Giữa mắt và khoang mũi có một đường nối, vì thế virus có thể di chuyển dễ dàng từ mắt đến mũi và họng. Để phòng tránh cảm cúm, hãy rửa tay cẩn thận.
Trẻ em bị cảm lạnh nhiều hơn người lớn
Trung bình trẻ em có thể bị cảm lạnh khoảng 7 – 10 lần/năm và người lớn chỉ khoảng 2 – 3 lần/năm.
Phụ nữ mang thai, người cao tuổi và người có hệ miễn dịch kém cũng dễ mắc cảm lạnh.
Chất nhầy ở mũi có màu vàng là do tế bào máu trắng
Khi hệ thống miễn dịch cơ thể bắt đầu “chiến đấu” với virus cảm lạnh, một trong những triệu chứng đầu tiên là chảy nước mũi. Khi cảm lạnh tiến triển, chất nhầy sẽ trở nên đặc hơn và có màu vàng, sau đó là màu xanh lá cây. Các tế bào máu trắng chính là nguyên nhân gây ra sự thay đổi trong màu sắc và kết cấu của chất nhầy ở mũi.
Nhiều người nghĩ rằng chất nhầy ở mũi có màu vàng hoặc màu xanh lá cây là do vi khuẩn nhưng thực tế không phải như vậy. Đó là bởi vì có hàng tỷ tế bào máu trắng trong dịch nhầy từ mũi.