Dù không còn xa lạ, nhưng do chưa hiểu rõ về hoạt động khám sức khỏe doanh nghiệp định kỳ, nhiều người vẫn có những định kiến chưa đúng. Bài viết giúp bạn giải đáp 3 lầm tưởng phổ biến.
Menu xem nhanh:
1. Nhầm tưởng về bản chất hoạt động thăm khám thường niên
Nếu như trước đây, nhiều người nghĩ khám tổng quát định kỳ chỉ để tuân thủ pháp luật, thì ngày nay, định kiến này đang dần được phá bỏ. Cả người lao động và người sử dụng lao động đã nhận ra được những lợi ích thiết thực mà hoạt động này mang lại.
Với doanh nghiệp
Mọi thành công của một doanh nghiệp được kiến tạo bởi chính nhân sự. Nguồn nhân lực được đảm bảo và chăm sóc thường xuyên sẽ là sức mạnh giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. Tài chính của công ty được giảm tải bớt các chi phí y tế do bệnh nghề nghiệp được khám và chữa trị sớm nhờ tầm soát định kỳ. Thêm vào đó, doanh nghiệp có phúc lợi khám sức khỏe sẽ là điểm cộng chiêu mộ nhân tài giỏi về làm việc.
Với người lao động
Thực tế cho thấy, dù ở môi trường làm việc nào cũng luôn có áp lực và nguy cơ bệnh nghề nghiệp rình rập. Kéo theo chúng là những ảnh hưởng sức khỏe theo thời gian. Do đó, người lao động cần được kiểm tra thường xuyên. Các dấu hiệu bệnh sẽ được phát hiện sớm và xử lý kịp thời. Nhờ vậy mà cuộc sống của họ được đảm bảo, năng suất lao động được nâng cao. Mối quan hệ nhân viên – công ty theo đó được thắt chặt.
2. Nhầm tưởng về đối tượng tham gia khám định kỳ
Chỉ có nhân viên chính thức, hay lãnh đạo công ty mới khám tổng quát? Hay mỗi người chỉ khám 1 lần trong năm? Những quan niệm này liệu có đúng?
2.1. Người tập nghề, học nghề không được khám sức khỏe doanh nghiệp định kỳ
Trong nhiều văn bản pháp luật Việt Nam có quy định về việc khám tổng quát định kỳ doanh nghiệp. Theo đó, những đối tượng người lao động được kiểm tra sức khỏe hàng năm gồm:
– Người lao động đang học nghề, tập nghề
– Người lao động (NLĐ) cao tuổi
– NLĐ chưa thành niên
– NLĐ khuyết tật
– NLĐ làm việc trong môi trường độc hại, làm việc nặng nhọc
– NLĐ đang làm việc tại doanh nghiệp
2.2. Người lao động chỉ khám sức khỏe định kỳ 1 lần mỗi năm
Tùy vào mỗi đối tượng lao động mà tần suất khám tổng quát sẽ khác nhau. Ở điều kiện thông thường, doanh nghiệp sẽ tổ chức tầm soát từ 1 – 2 lần/năm. Với những trường hợp đặc biệt sau, người lao động phải được khám ít nhất 6 tháng/lần: Người lao động đang làm việc trong môi trường độc hại, làm việc nặng; Người lao động chưa đủ tuổi thành niên, người lao động cao tuổi, người lao động khuyết tật.
3. Nhầm tưởng về gói khám sức khỏe doanh nghiệp định kỳ
Danh mục khám đơn giản không hiệu quả, chi phí gói khám đắt đỏ với người lao động là những hiểu nhầm phổ biến.
3.1. Gói khám sức khỏe doanh nghiệp định kỳ rất sơ sài
Mọi khía cạnh về hồ sơ, quy định, điều kiện cơ sở y tế,… xoay quanh tầm soát định kỳ đều được hướng dẫn đầy đủ bằng các văn bản. Gói khám cũng không ngoại lệ.
Cấu tạo mỗi gói dành cho từng đối tượng người lao động được quy định rất rõ ràng. Điển hình là nội dung gói cho người lao động trong nước, người lao động ngoại quốc, người làm đầu bếp,… Việc này nhằm đảm bảo rà soát đầy đủ, phát hiện được các bất thường sức khỏe cho mỗi người. Có như vậy người lao động mới an tâm làm việc, tin tưởng vào hiệu quả của khám định kỳ.
Theo Thông tư 14 của Bộ Y tế, một gói khám sức khỏe tối thiểu sẽ bao gồm các danh mục chính sau:
Khám tổng quát
Trước hết, người lao động được kiểm tra chung, đánh giá các chỉ số của cơ thể như đo huyết áp, số cân nặng, chiều cao,… Tiếp đó là các bước khám chuyên khoa, nhằm tầm soát chức năng từng hệ cơ quan, phát hiện bệnh lý, tư vấn cải thiện sức khỏe và phòng ngừa bệnh:
– Nội: Khám nội cùng hệ tim phổi, tiêu hóa,…
– Da liễu
– Tai mũi họng
– Răng hàm mặt
– Mắt
– Phụ khoa (nữ)
Xét nghiệm
Nhân viên y tế tiến hành lấy mẫu máu và nước tiểu của từng người lao động. Mẫu được bảo quản và đưa tới để bác sĩ nghiên cứu, phân tích. Nồng độ các chất trong mẫu thể hiện tình trạng máu, gan, thận của từng người, sàng lọc các bất thường. Một số bệnh về máu dễ gặp là u máu, mỡ máu, đường huyết, thiếu máu. Các bệnh bài tiết phổ biến là đái tháo đường, viêm đường tiết niệu,…
Chẩn đoán bằng hình ảnh
Ở bước này, người lao động được chụp X-quang và siêu âm. Dấu hiệu bệnh lý tim phổi, hình thái xương sẽ được thể hiện qua hình ảnh chụp X-quang. Các tổn thương hay bất thường trong tạng sẽ được sàng lọc nhờ siêu âm ổ bụng.
Kết thúc thăm khám, từng người sẽ được bác sĩ đọc kết quả, đánh giá thể trạng, tư vấn điều trị hoặc cải thiện tình hình.
Ngoài những danh mục trên, mỗi doanh nghiệp khi chọn gói có thể bổ sung thêm tùy theo tài chính hay yêu cầu, đặc thù công việc của mình.
3.2. Người lao động phải chi trả phí khám sức khỏe tại công ty
Là trách nhiệm bắt buộc, doanh nghiệp khi tổ chức khám định kỳ cần chi trả toàn bộ chi phí xuyên suốt quá trình khám. Nhân viên công ty không cần trả bất cứ một phí nào. Tuy nhiên, nếu người lao động muốn khám bổ sung danh mục ngoài gói cho cá nhân mình, thì người đó cần tự chi trả chi phí phát sinh này.
Như vậy, dù quan trọng nhưng không phải ai cũng hiểu rõ, hiểu đúng về vấn đề khám sức khỏe định kỳ cho doanh nghiệp. Bài viết tổng hợp những thông tin hữu ích, hy vọng đã giải đáp được những thắc mắc, lý giải những hiểu lầm cố hữu trước đó. Từ đó, mọi người ứng dụng và thực hiện khám doanh nghiệp hiệu quả, chính xác hơn.