Sán lá gan là một bệnh ký sinh trùng nguy hiểm, có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như tắc mật, áp xe gan, thậm chí gây tử vong nếu không điều trị kịp thời. Trong bài viết này, Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI sẽ cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về bệnh sán lá gan và cách điều trị sán lá gan an toàn và hiệu quả.
Menu xem nhanh:
1. Nhiễm sán lá gan có nguy hiểm không?
1.1. Đặc điểm chung khi nhiễm sán lá gan
Bệnh sán lá gan là bệnh ký sinh trùng do sán lá gan nhỏ (bao gồm 3 loại Clonorchis sinensis; Opisthorchis viverrini; Opisthorchis felineus) và sán lá gan lớn ( bao gồm 2 loại Fasciola hepatica; Fasciola gigantica) gây nên.
Khi chúng xâm nhập vào cơ thể có thể gây những tổn thương, những ổ áp xe tại gan hoặc một số cơ quan khác khi ký sinh lạc chỗ. Bệnh phát sinh khi người bệnh ăn hoặc uống phải thực phẩm có sán lá và nhiễm bệnh.
Nhiễm sán lá gan có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Một số biến chứng có thể xảy ra bao gồm: xơ gan, ung thư gan, suy dinh dưỡng và thậm chí là tử vong.
1.2. Các giai đoạn phát triển của bệnh sán lá gan trong cơ thể người
Bệnh sán lá gan thường phát triển qua 3 giai đoạn chính:
Giai đoạn 1: Ấu trùng xâm nhập vào cơ thể
Khi người bệnh ăn phải trứng sán lá gan, trứng sẽ theo đường tiêu hóa. Tại đây, trứng sẽ nở thành ấu trùng ngược theo đường mật để đi đến gan.
Trong giai đoạn này, sán lá gan chưa trưởng thành và không gây ra triệu chứng. Việc phát hiện và điều trị sớm trong giai đoạn này có thể ngăn ngừa bệnh tiến triển và giúp tăng khả năng hồi phục.
Giai đoạn 2: Ấu trùng phát triển thành sán lá gan, xâm nhập và gây tổn thương cho gan
Sán lá gan đã xâm nhập vào gan, bắt đầu ký sinh và gây tổn thương cho gan. Người bệnh có thể bắt đầu cảm thấy đau bụng và các triệu chứng khác. Tùy thuộc vào số lượng ấu trùng sán đã xâm nhập và đáp ứng của vật chủ, người bệnh có thể có các biểu hiện khác nhau hoặc không có biểu hiện. Ở gia đoạn này, sán lá gan có thể gây tổn thương nghiêm trọng cho gan và dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như xơ gan, áp xe gan và ung thư gan.
Trong giai đoạn xâm nhập, sán có thể di chuyển lạc chỗ đến các cơ quan khác như thành bụng, thành dạ dày, tuyến vú,…
Giai đoạn 3: Sán lá gan đẻ trứng
Khi xâm nhập vào mô gan, sán non phát triển thành sán trưởng thành và đẻ trứng trong ống dẫn mật. Tại đây, sán có thể ký sinh và gây bệnh trong vòng nhiều năm (có thể tới 10 năm) nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
1.3. Các triệu chứng lâm sàng khi nhiễm sán lá gan
Các triệu chứng của bệnh sán lá gan có thể khác nhau tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh. Ở giai đoạn đầu, người bệnh có thể không xuất hiện triệu chứng. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng sau:
– Đau bụng: Đau bụng là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh sán lá gan. Đau bụng thường ở vùng bụng trên bên phải, nơi gan đặt. Đau có thể đi kèm với triệu chứng ậm ạch khó tiêu và đôi khi đau cả trên vùng thượng vị.
– Rối loạn tiêu hóa, buồn nôn gây nên tình trạng kém ăn, mệt mỏi và suy nhược cơ thể.
– Nổi mẩn ngứa hoặc mề đay trên khắp cơ thể.
– Ngoài ra, trong một số trường hợp, người bệnh có thể kèm theo các triệu chứng nhiễm trùng, nhiễm độc và sốt kéo dài.
Ngoài ra, người bệnh cũng có thể gặp các triệu chứng khác như da và mắt vàng và các triệu chứng liên quan đến gan như sưng gan và giãn tĩnh mạch.
2. Tổng hợp các cách điều trị sán lá gan hiệu quả
2.1. Cách điều trị sán lá gan bằng thuốc đặc trị
Điều trị bằng thuốc đặc trị là phương pháp phổ biến và hiệu quả nhất để loại bỏ sán lá gan khỏi cơ thể. Thuốc đặc trị có tác dụng tiêu diệt sán lá gan và các trứng của chúng, ngăn chặn sự lây lan và tái nhiễm. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc đặc trị cần được theo hướng dẫn của bác sĩ và tuân thủ đúng liều lượng và thời gian điều trị để đạt hiệu quả cao nhất.
2.2. Cách điều trị sán lá gan bằng phương pháp ngoại khoa
Đối với những trường hợp nặng, sán đã gây ra những ổ áp xe lớn mà điều trị bằng thuốc không có hiệu quả, bác sĩ có thể điều trị phối hợp dùng thuốc và chọc hút ổ áp xe.
Trong những trường hợp phát hiện bệnh muộn, có thể người bệnh sẽ phải áp dụng một số phương pháp điều trị ngoại khoa (tùy thuộc vào tình trạng bệnh và chỉ định của bác sĩ).
3. Phòng chống sán lá gan từ sớm để tránh biến chứng nguy hiểm
Như đã đề cập ở trên, việc phát hiện và điều trị sớm là rất quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm của bệnh sán lá gan. Muốn tiêu diệt sán lá gan phải cắt đứt mắt xích trong chu trình phát triển của chúng. Trong đó quan trọng nhất là ngăn ngừa sán lá gan xâm nhập vào cơ thể người thông qua đường ăn uống. Cụ thể:
– Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch là cách đơn giản và hiệu quả nhất để ngăn ngừa sự lây nhiễm của sán lá gan.
– Chú ý trong ăn uống, không ăn sống các loại rau mọc dưới nước, không ăn cá chưa nấu chín như gỏi cá, cá rán hoặc nấu chưa chín, không uống nước lã,… Thực hiện hằng ngày thói quen ăn chín, uống sôi để đảm bảo sức khỏe.
Sán lá gan là một bệnh nguy hiểm và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Hãy luôn chú ý đến sức khỏe của bản thân và đến các cơ sở y tế uy tín để được tư vấn và điều trị đúng cách khi có bất kỳ triệu chứng nào liên quan đến sán lá gan.