Triệu chứng bệnh bạch hầu có thể chuyển sang biến chứng rất nhanh chóng nếu người bệnh chưa được tiêm vắc xin và không điều trị kịp thời. Cùng tìm hiểu chi tiết các biến chứng do bạch hầu và dấu hiệu nhận biết, cách phòng ngừa bệnh chuyển biến nặng qua nội dung dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. 6 Biến chứng bạch hầu nguy hiểm
Bạch hầu là bệnh nhiễm độc cấp tính có khả năng lây lan nhanh, tạo thành ổ dịch lớn. Hiện nay, nhờ có vắc xin và thuốc kháng độc tố, kháng sinh đặc hiệu, bệnh đã có thể điều trị được. Tuy nhiên, do bệnh chuyển biến nhanh, dễ biến chứng nên người bệnh vẫn có nguy cơ gặp nguy hiểm nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời. Việc nhận biết triệu chứng bệnh bạch hầu biến chứng từ sớm là rất quan trọng. Dưới đây là 6 biến chứng bạch hầu nguy hiểm và dấu hiệu nhận biết sớm bạn chớ bỏ qua.
1.1. Biến chứng tim mạch
Vi khuẩn bạch hầu chỉ tập trung ở vùng hầu họng của người bệnh nhưng ngoại độc tố mà nó tiết ra thì lan khắp cơ thể. Ngoại độc tố của khuẩn này là một protein kháng nguyên có độc tính cực mạnh. Nó đi theo đường máu đến tim mạch, làm tổn thương hệ tuần hoàn, gây ra tình trạng viêm cơ tim, suy tim, và tử vong đột ngột.
Đây là biến chứng nguy hiểm bậc nhất ở bệnh nhân bạch hầu, thường xảy ra trong tuần thứ 2 hoặc 3 kể từ khi nhiễm khuẩn. Triệu chứng bệnh bạch hầu biến chứng ở tim mạch như sau:
– Người bệnh đau ngực.
– Cảm thấy khó thở.
– Nhịp tim mất ổn định, thường nhanh bất thường.
– Huyết áp giảm.
Có hiện tượng phù nề ở mặt và tay, chân.
1.2. Triệu chứng bệnh bạch hầu biến chứng ở thần kinh
Sau khoảng 2 – 8 tuần kể từ khi bệnh khởi phát, ngoại độc tố của bạch hầu bắt đầu tác động làm tổn thương các dây thần kinh. Đa phần người bệnh bị tổn thương dây thần kinh ở cổ họng, làm giảm khả năng dẫn truyền thần kinh, gây khó nuốt. Bên cạnh đó, dây thần kinh ở tay, chân cũng bị viêm khiến hoạt động của cơ yếu đi.
Triệu chứng dễ thấy là:
– Cơ hô hấp và nuốt yếu nhiều.
– Các chi liệt mềm.
– Mất hoặc rối loạn cảm giác.
– Nói không rõ tiếng, khó phát âm.
– Tiểu nhiều lần nhưng không tiểu được hết.
Một số trường hợp bệnh nhân bị tê liệt cơ hoành, cơ liên sườn, cơ vận nhãn, dây thần kinh bàng quang. Thông thường biến chứng ở dây thần kinh bàng quang thường xảy ra trước, sau đó bệnh nhân có hiện tượng tê liệt cơ hoành. Biến chứng tê liệt cơ hoành xảy ra đột ngột và kéo dài trên nửa giờ, làm cản trở hoạt động hít thở, người bệnh có nguy cơ tử vong cao. Biến chứng này có thể xảy ra sau khi bệnh nhân bị nhiễm trùng phổi, viêm cơ tim.
1.3. Triệu chứng bệnh bạch hầu gây biến chứng ở hệ hô hấp
Khuẩn bạch hầu xâm nhập và trú ngụ tại khu vực họng, mũi và tạo ra một lớp màng dày màu xám bám chặt vào niêm mạc. Lớp màng này còn gọi là giả mạc, cấu tạo từ tế bào chết, khuẩn bạch hầu và các chất khác.
Từ lớp giả mạc, khuẩn bạch hầu làm tổn thương và gây nhiễm trùng mô tại chỗ ngay lập tức. Đồng thời tiết ra ngoại độc tố xâm lấn khắp cơ thể. Lớp màng này có xu hướng lan rộng lên mũi, xuống dưới họng và dày lên. Vì thế nó cản trở quá trình hô hấp, gây biến chứng. Bạn có thể nhận biết triệu chứng bệnh bạch hầu biến chứng ở hệ hô hấp thông qua các biểu hiện:
– Khó thở, thở rít.
– Cơ thể tím tái.
– Có thể ngạt thở.
1.4. Biến chứng ở thận
Độc tố của khuẩn bạch hầu đi vào thận có thể khiến bạn phải đối mặt với các biến chứng như: Suy thận cấp, thoái hóa thận hoặc hoại tử ống thận. Một số trường hợp bệnh nhân bị chảy máu lớp tủy và vỏ thượng thận. Biến chứng này thường xảy đến sau 1 – 2 tuần bệnh khởi phát, nếu không được điều trị. Triệu chứng nhận biết là:
– Tiểu ít, tiểu ra máu.
– Lưng đau.
– Phù nề.
1.5. Triệu chứng bệnh bạch hầu biến chứng ở mẹ bầu
Bệnh bạch hầu có thể khiến thai phụ gặp biến chứng sinh non, lưu thai nếu không được điều trị sớm. Ngay khi có các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm sau đây, mẹ bầu nên đến cơ sở y tế luôn để được hỗ trợ xử lý:
– Thở nhanh, khó thở.
– Đau ngực.
– Vã mồ hôi, da tái nhợt.
– Nhịp tim tăng nhanh bất chợt hoặc loạn nhịp.
– Đau bụng dữ dội (cảnh báo sinh non hoặc biến chứng viêm cơ tim).
– Tiểu ít, nước tiểu sẫm (cũng là dấu hiệu cảnh báo biến chứng suy thận ở mẹ bầu).
– Suy nhược cơ thể.
1.6. Biến chứng về máu
Sau khi độc tố của bạch hầu xâm nhập vào máu, nó không chỉ đi đến các cơ quan và làm tổn thương các cơ quan. Độc tố này còn trực tiếp gây những tổn thương về máu như làm giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu hay thiếu máu.
Người bệnh có biểu hiện:
– Da dễ bầm tím, lâu lành dù không chịu tác động vật lý mạnh.
– Người thường xuyên mệt mỏi, sắc da xanh xao.
– Chân răng thường hay chảy máu.
2. Hướng dẫn phòng ngừa bạch hầu biến chứng
Cách phòng ngừa biến chứng bạch hầu từ xa là tiêm vắc xin bạch hầu, ngăn chặn nguy cơ nhiễm bệnh. Phòng tiêm chủng TCI có sẵn các loại vắc xin bạch hầu nhập khẩu chính hãng từ Pháp, Bỉ, đáp ứng nhu cầu tiêm chủng của mọi đối tượng, từ trẻ em đến người già, phụ nữ có thai.
Đối với người đã mắc, cần nhận biết sớm và đến cơ sở y tế điều trị bằng thuốc đặc hiệu. Tuyệt đối không tự mua thuốc tự chữa tại nhà.
Trong quá trình điều trị bệnh, người mắc bệnh bạch hầu cần:
– Cách ly riêng cho đến khi có 3 mẫu cấy họng liên tiếp cho kết quả âm tính.
– Về việc vệ sinh cá nhân, cần rửa tay với xà phòng và nước sạch thường xuyên, dùng riêng đồ cá nhân, che miệng khi ho, hắt hơi.
– Uống nhiều nước, ăn đủ chất, đặc biệt là các loại rau, quả giàu vitamin, khoáng chất.
– Tập thể dục hàng ngày, phù hợp với sức khỏe, tránh stress.
Những người tiếp xúc gần với người bị bạch hầu cần được theo dõi triệu chứng chặt chẽ trong 7 ngày liên tục. Nếu có biểu hiện bệnh, cần đến cơ sở y tế khám, điều trị và cách ly ngay.
Độc tố của khuẩn bạch hầu có thể làm tổn thương rất nhiều cơ quan quan trọng của cơ thể như hệ thần kinh, tim mạch, thượng thận, bàng quang… Việc nhận biết sớm triệu chứng bệnh bạch hầu chuyển sang biến chứng và xử lý kịp thời sẽ giúp giảm tính chất nguy hiểm của bệnh.