Ung thư thanh quản được xếp thứ 2 về tỷ lệ mắc phải trong các bệnh ung thư tai mũi họng, sau ung thư vòm mũi họng với tỷ lệ nam giới chiếm đa số. Nhận biết sớm những biểu hiện ung thư thanh quản để điều trị sớm, hạn chế những vấn đề sức khỏe mà bệnh gây ra là điều cần thiết cho bệnh nhân. Vậy, bạn có thể nhận biết ung thư thanh quản qua các biểu hiện như thế nào? Điều này sẽ được tiết lộ ngay trong bài viết sau đây.
Menu xem nhanh:
1. Ung thư thanh quản – Nguy cơ cao, biểu hiện rõ
Thanh quản là bộ phận quan trọng thuộc vùng hô hấp-tiêu hóa trên (VADS), nằm giữa khí quản và thực quản, với chức năng thở, nói và nuốt. Ung thư thanh quản vì thế gây những ảnh hưởng nhanh chóng và rất lớn đến đời sống của chúng ta.
Ung thư thanh quản là hiện tượng xuất hiện các khối u ác tính có thể xuất phát từ mọi vị trí biểu mô thanh quản. Hiện nay, không rõ nguyên nhân gây ung thư thanh quản, nhưng có những yếu tố nguy cơ lớn gây nên bệnh lý này.
1.1. Những nguy cơ gây nên tình trạng ung thư thanh quản
Một số yếu tố nguy cơ gây nên bệnh ung thư thanh quản như:
– Vấn đề sử dụng rượu và thuốc lá thường xuyên, dẫn đến vấn đề viêm nhiễm, suy giảm chức năng và tổn thương thanh quản. Việc sử dụng rượu – thuốc lá càng làm nguy cơ ung thư thanh quản cao hơn.
– Một số yếu tố khác như: tình trạng trào ngược dạ dày, vấn đề thoát vị thanh quản, u nhú thanh quản, ảnh hưởng của phóng xạ,…
– Tình trạng viêm thanh quản mạn tính quá lâu thường có nguy cơ chuyển thành u ác tính từ 10% đến 40%.
Theo số liệu Bộ Y tế thống kê năm 2015, trong các đối tượng bị ung thư thanh quản, nam giới chiếm đến 96,9%. Bệnh lý này có thể gặp ở mọi đối tượng, trong đó chủ yếu là ở độ tuổi 45 đến 65 và ngày càng có tỷ lệ mắc phải lớn.
1.2. Các biểu hiện dễ nhận thấy của bệnh ung thư thanh quản
Bệnh ung thư thanh quản có những triệu chứng cơ bản của các bệnh tai mũi họng thường thấy, đồng thời, có nhiều biểu hiện cần cân nhắc khi xác định bệnh. Những dấu hiệu của bệnh ung thư thanh quản thường được nhắc đến như:
– Khàn tiếng: Tình trạng khàn tiếng rất nổi bật. Bệnh nhân khàn tiếng với tốc độ tăng dần và khá nhanh, giọng rè, cứng ngắc. Thường điều trị nội khoa không khỏi.
– Tình trạng ho khan, sau đó là tình trạng ho có đờm và có thể lẫn máu.
– Cảm giác họng khó chịu như bị hóc hoặc có dị vật.
– Tình trạng nuốt vướng, nghẹn: do có khối u nên bệnh nhân thường bị rối loạn về nuốt, gây cảm giác khó nuốt, đau họng và nghẹn.
– Cảm giác khó thở do khối u che lấp lòng thanh quản.
– Xuất hiện hạch ở cổ: hạch cổ thường chỉ xuất hiện sớm với tình trạng ung thư vùng thượng thanh môn, còn lại thường xuất hiện muộn.
Chẩn đoán ung thư thanh quản qua soi thực thể:
– Có thể thực hiện soi thanh quản gián tiếp bằng gương soi, nội soi bằng ống mềm đường mũi hoặc ống cứng 70-90 độ hoặc soi thanh quản trực tiếp dưới kính hiển vi hoặc ống nội soi 30-70 độ. Trong đó, việc soi thanh quản trực tiếp sẽ giúp đánh giá sự lan rộng của khối u, hình dạng, màu sắc khối u.
Trong trường hợp u thanh quản to, làm bít lấp thanh môn, phải mở khí quản để có thể nội soi hiệu quả.
2. Cần làm gì để chẩn đoán khối u chính xác?
– Sinh thiết để chẩn đoán và xác định bản chất khối u.
– Chẩn đoán hình ảnh u thanh quản bằng cách:
+ Chụp X quang phổi hoặc cắt lớp ngực để đánh giá tình trạng di căn.
+ Chụp CT Scan, MRI với thuốc tiêm phản quang để đánh giá sự lan rộng của khối u cũng như tình trạng hạch cổ.
+ Siêu âm vùng cổ để phát hiện hạch cổ khi chưa có triệu chứng lâm sàng.
+ Panendoscopy thực hiện trước phẫu thuật để đánh giá khối u cũng như phát hiện các ung thư khác có thể xuất hiện đồng thời.
+ PET scan nhằm phát hiện các ổ di căn cũng như nhận định tình trạng di chứng sau điều trị hoặc tái phát.
Tùy theo từng triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng, mà bác sĩ có thể nhận định, đánh giá và phân loại ung thư thanh quản theo các cấp độ khác nhau (T1, T2, T3, T4). Bệnh ung thư thanh quản cũng cần chẩn đoán phân biệt với 1 số bệnh lý như lao, các u lành tính ở thanh quản,…
3. Sơ lược về điều trị bệnh ung thư thanh quản
3.1. Điều trị ung thư thanh quản T1 – khối u giới hạn dây thanh
Các bác sĩ chỉ định phẫu thuật với phương pháp không cần mở khí quản. Nếu như trường hợp khối u lan nhiều vào mép trước dây thanh thì có thể phẫu thuật bằng phương pháp mở sụn giáp cắt dây thanh hoặc dùng hình thức phẫu thuật cắt thanh quản trán bên.
Xạ trị thường được chỉ định cho ung thư thanh quản T1b – khi khối u lan ra 2 dây thanh quản. Liệu trình điều trị mất khoảng 6 tuần. Phương pháp này giúp bảo vệ thanh quản tốt hơn nhưng cũng cần chú ý những biến chứng để điều trị phù hợp.
3.2. Điều trị ung thư thanh quản T2 – khối u ở hai dây thanh và có sự lan rộng.
Phẫu thuật cắt thanh quản bán phần trên nhẫn thường áp dụng cho ung thư giai đoạn T2 và một số trường hợp T3. Phương pháp này có thể lấy hết bệnh tích mà vẫn giữ được chức năng thanh quản.
Ngoài ra, các cơ sở y khoa có hệ thống chẩn đoán hình ảnh và bệnh lý tốt có thể áp dụng phẫu thuật laser trong một số trường hợp này.
Xạ trị có thể được chỉ định trong trường hợp u T2 nếu trường hợp này chống chủ định phẫu thuật hoặc bệnh nhân không đồng ý phẫu thuật.
3.3. Điều trị ung thư giai đoạn muộn T3, T4
Hầu hết các bệnh viện hiện nay đang thực hiện điều trị ung thư thanh quản trong trường hợp này bằng cách loại bỏ thanh quản, nạo vét hạch cổ và phối hợp tia xạ sau mổ. Trường hợp khó khăn trong phương pháp này là bệnh nhân mất thanh quản, không nói được.
Tuy nhiên, hiện nay cũng có một số phương pháp phục hồi phát âm bằng cách lắp van phát âm khí thực quản, sử dụng thanh quản điện, tập nói giọng thực quản…. để lấy lại giọng nói.
Hóa xạ trị kết hợp là xu hướng điều trị khá phổ biến với tình trạng này do có thể bảo tồn thanh quản, không lo mất giọng nói. Trong khi đó, xạ trị đơn thuần chỉ áp dụng khi ung thư lan rộng, không còn khả năng phẫu thuật, hoặc tình trạng di căn xa khó vớt vát.
Có thể thấy, có nhiều phức tạp trong vấn đề ung thư thanh quản. Thêm nữa, bệnh lý ung thư luôn kèm theo những vấn đề nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của con người. Vì thế, cần nhận biết những biểu hiện ung thư thanh quản để ngăn ngừa và điều trị bệnh kịp thời, tránh những di chứng phức tạp mà bệnh để lại sau này.