Ung thư thực quản có tiên lượng tương đối xấu do người bệnh thường đến khám và phát hiện khi tình trạng ung thư đã lan rộng. Mặc dù vậy, nếu phát hiện ung thư thực quản ở giai đoạn sớm và có phác đồ điều trị phù hợp, người bệnh vẫn có cơ hội sống tương đối khả quan. Nhận biết sớm các triệu chứng ung thư thực quản, thăm khám kịp thời và thực hiện tầm soát ung thư là cách giúp phát hiện ung thư thực quản sớm, gia tăng cơ hội điều trị.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh ung thư thực quản
Thực quản là đường ống kết nối miệng và dạ dày giúp đưa thức ăn vào cơ thể của con người. Ung thư thực quản là bệnh ung thư được tìm thấy ở bất kỳ vị trí nào trong thực quản chẳng hạn như đoạn 1/3 trên của thực quản, đoạn 1/3 giữa của thực quản và đoạn 1/3 dưới của thực quản.
Mức độ nghiêm trọng của ung thư thực quản nghiêm trọng đến mức nào sẽ tùy thuộc vào vị trí của khối u trong thực quản, kích thước, mức độ lan rộng và sức khỏe chung của người bệnh.
2. Các triệu chứng bệnh ung thư thực quản đáng lưu ý
Hầu hết những người mắc bệnh ung thư thực quản được chẩn đoán là bởi họ có các triệu chứng nên mới đi thăm khám và kiểm tra. Số lượng người không có triệu chứng được chẩn đoán mắc ung thư thực quản là ít, nếu được chẩn đoán phát hiện bệnh thường sẽ thông qua một cách tình cờ khi thực hiện các xét nghiệm để thăm khám các vấn đề sức khỏe khác.
Tuy nhiên không may mắn là, ung thư thực quản thường không gây ra triệu chứng cho đến khi chúng đã tiến triển sang giai đoạn nặng, gây khó khăn trong điều trị.
Một số triệu chứng phổ biến của bệnh ung thư thực quản đó là:
2.1 Khó nuốt – Triệu chứng điển hình của bệnh ung thư thực quản
Triệu chứng ung thư thực quản phổ biến thường gặp của nhiều bệnh nhân là khó nuốt. Người bệnh sẽ cảm thấy có cảm giác như thức ăn bị mắc kẹt trong cổ họng hoặc ngực, thậm chí có người sẽ bị nghẹn thức ăn. Tình trạng này thường nhẹ khi mới bắt đầu và sau đó trở nên trầm trọng hơn theo thời gian khi ung thư phát triển và đường kính bên trong thực quản ngày càng nhỏ lại.
Khi việc nuốt gặp khó khăn, người bệnh thường có xu hướng thay đổi chế độ và thói quen ăn uống mà họ không hề nhận ra. Chẳng hạn như, bạn sẽ cắn miếng thức ăn nhỉ hơn và nhai cẩn trọng, chậm rãi hơn trước.
Khi ung thư tiếp tục phát triển lớn hơn, triệu chứng khó nuốt của bạn có thể trở nên tồi tệ hơn. Khi đó, bạn có thể sẽ bắt đầu ăn những thực phẩm mềm hơn, tránh các thực phẩm khó nuốt như bánh mì, thịt, khoai lang… để có thể đi qua thực quản dễ dàng hơn. Vấn đề khó nuốt có thể trở nên trầm trọng đến mức một số người ngừng ăn thức ăn đặc và chuyển sang chế độ ăn lỏng.
Khi ung thư tiếp tục phát triển, nếu không thăm khám và điều trị kịp thời, ngay cả chất lỏng cũng có thể sẽ khiến người bệnh cảm thấy khó nuốt.
Ngoài ra, để giúp thức ăn đi qua thực quản, cơ thể sẽ tiết ra nhiều nước bọt hơn.
2.2 Đau ngực
Người bệnh có thể bị đau hoặc khó chịu ở phần giữa ngực. Một số người có thể gặp cảm giác tức ngực hoặc nóng rát ở ngực. Những triệu chứng này thường do các vấn đề khác ngoài ung thư gây ra, vì vậy nhiều người sẽ bỏ qua và không coi đây là tín hiệu cảnh báo cho thấy một người có thể bị ung thư.
Việc nuốt có thể gây đau nếu khối u thực quản đủ lớn để hạn chế sự di chuyển của thức ăn qua thực quản. Bạn có thể cảm thấy đau vài giây sau khi nuốt vì thức ăn hoặc chất lỏng chạm tới khối u và khó di chuyển xung quanh khối u.
2.3 Giảm trọng lượng
Nhiều người bị ung thư thực quản giảm cân mà không cần cố gắng. Điều này xảy ra có thể là vì vấn đề nuốt khiến họ không ăn đủ để duy trì cân nặng. Ung thư thực quản cũng có thể làm giảm sự thèm ăn và tăng sự trao đổi chất của họ.
2.4 Một số triệu chứng khác của ung thư thực quản
Các triệu chứng ung thư thực quản khác người bệnh có thể gặp là:
– Ợ nóng hoặc trào ngược axit
– Cơn ho không thuyên giảm
– Giọng khàn
– Cảm thấy cơ thể mệt mỏi, không có hoặc thiếu năng lượng
– Chảy máu trong thực quản, máu sau đó di chuyển qua đường tiêu hóa làm phân có màu đen. Triệu chứng này thường không phổ biến, tuy nhiên tình trạng mất máu này theo thời gian có thể dẫn đến thiếu máu, lượng hồng cầu thấp, làm người bệnh cảm thấy mệt mỏi, uể oải, mất sức.
Các bác sĩ lưu ý rằng, có một hoặc nhiều triệu chứng kể trên không có nghĩa là bạn bị ung thư thực quản, bởi trên thực tế nhiều triệu chứng trong số này có khả năng là do các tình trạng khác gây ra. Tuy nhiên nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào trong số này, đặc biệt là chứng khó nuốt, hãy nhanh chóng đi kiểm tra để tìm ra nguyên nhân và điều trị nếu cần.
Ngoài ra, thực hiện thăm khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư theo chỉ định của bác sĩ là cách giúp bạn có cơ hội phát hiện nguy cơ gây ung thư, và ung thư sớm, từ đó gia tăng cơ hội điều trị của bản thân hoặc người thân trong gia đình.
3. Chẩn đoán xác định ung thư thực quản
Bác sĩ chuyên khoa sẽ đặt các câu hỏi về triệu chứng và tiền sử bệnh của bạn. Nếu có nghi ngờ bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các xét nghiệm để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.
– Chụp X quang cản quang ống tiêu hóa trên với Barium: Người bệnh sẽ được nuốt một chất lỏng có chứa barium, barium sẽ bao phủ bên trong thực quản, sau đó sẽ cho thấy bất kỳ thay đổi nào đối với mô trên tia X.
– Chụp cắt lớp vi tính (CT): Phương pháp chẩn đoán hình ảnh này giúp các bác sĩ xác định xem liệu tế bào ung thư tại thực quản có lan đến ngực và bụng của bạn hay không.
– Nội soi thực quản: Bác sĩ sẽ đưa một ống linh hoạt được trang bị ống kính ghi hình đưa xuống cổ họng vào thực quản để kiểm tra thực quản của bạn, tìm kiếm ung thư hoặc các khu vực bị kích thích.
– Sinh thiết: Sử dụng ống nội soi đặc biệt đưa từ cổ họng vào thực quản để thu thập mẫu mô nghi ngờ, mẫu mô được lấy ra ngoài sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để tìm tế bào ung thư.
– Chụp cắt lớp phát xạ positron (PET) để xác định ung thư đã lan đến hạch bạch huyết hay đến các khu vực khác trên cơ thể hay không.
…
Dựa trên kết quả chẩn đoán bác sĩ sẽ xác định được giai đoạn bệnh ung thư thực quản của bạn, từ đó sẽ giúp ích cho quá trình tư vấn, xây dựng phác đồ điều trị phù hợp.
Trên đây là các thông tin về triệu chứng ung thư thực quản, hy vọng bài viết sẽ mang lại điều bổ ích cho bạn đọc về căn bệnh nguy hiểm tại đường tiêu hóa trên.