Tăng huyết áp kháng trị là tình trạng huyết áp không được kiểm soát ở mức mục tiêu dù đã sử dụng 3 nhóm thuốc hạ huyết áp trở lên ở liều tối đa. Điều này làm tăng nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân và làm tăng nặng các bệnh lý tim mạch. Cùng tìm hiểu nguyên nhân và cách phòng tránh hiện tượng tăng huyết áp này qua bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Cơ chế gây tăng huyết áp kháng trị
Thông thường, đối với các bệnh nhân cao huyết áp, các thuốc điều trị gồm: ức chế kênh canxi, ức chế hệ RAA như ức chế men chuyển hay ức chế thụ thể và thuốc lợi tiểu sẽ được sử dụng ở liều tối đa hoặc được dung nạp tối đa để đưa huyết áp về mức mục tiêu.
Việc kháng trị tăng huyết áp có thể xảy do nhiều cơ chế nhưng quá tải dịch được cho là cơ chế chính. Cụ thể, chất lỏng tồn tại dưới nhiều dạng không được đào thải hết, bị giữ nước trong cơ thể làm tăng hoạt quá mức trục RAA, dẫn đến tình trạng huyết áp khó kiểm soát.
2. Nguyên nhân khiến huyết áp không đạt mức mục tiêu
2.1 Các bệnh lý gây tăng huyết áp kháng trị
– Các bệnh về thận
Ở các bệnh nhân suy thận, hẹp động mạch thận… khả năng lọc của thận suy yếu trầm trọng, khiến nguy cơ giữ nước càng cao.
– Cường Aldosterone nguyên phát
Tăng nồng độ aldosterone làm tăng hoạt quá mức trục RAA, dẫn đến tình trạng huyết áp khó kiểm soát.
– Rối loạn giấc ngủ, đặc biệt là ngừng thở khi ngủ
Các nghiên cứu cho thấy khoảng 60 – 90% bệnh nhân bị tăng huyết áp không kiểm soát có rối loạn giấc ngủ. Khi ngủ, áp lực lồng ngực âm kèm theo những cơn ngưng thở làm cho dịch tăng cường di chuyển từ chân về vùng cổ, dẫn đến phù nề vùng mô quanh thanh quản, gây ra nghẽn đường thở. Rối loạn giấc ngủ làm tăng hoạt giao cảm, tác động trên trục RAA gây giữ nước. Điều này không chỉ làm tăng huyết áp mà còn gây phù nề và tắc nghẽn đường thở, tạo ra vòng xoắn bệnh lý.
– U tủy thượng thận
U tuyến thượng thận tiết ra hormone epinephrine hoặc các chất tương tự khác, khiến tim đập nhanh, nhức đầu và ra mồ hôi. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra tăng huyết áp đột ngột, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
– Hội chứng Cushing
Hội chứng Cushing là một bệnh lý nội tiết xảy ra khi các hormone cortisol tăng quá mức trong một thời gian dài, gây ra nhiều rối loạn trong cơ thể như giữ nước, tăng huyết áp, tăng cân, rạn da, yếu cơ, loãng xương…
– Hẹp eo động mạch chủ
Tăng huyết áp do bệnh hẹp eo động mạch chủ là dạng tăng huyết áp thứ phát. Huyết áp tăng tỉ lệ thuận so với mức độ hẹp eo.
– U nội sọ
Các khối u não có thể chèn ép mạch não, gây tăng áp nội sọ, tăng huyết áp toàn cơ thể.
2.2 Các thói quen không lành mạnh
Ăn mặn là một trong những thói quen không tốt gây giữ nước và làm tăng huyết áp. Thông thường, các chất lỏng dư thừa trong cơ thể sẽ được lọc qua thận và đi ra ngoài theo đường nước tiểu. Khi ăn quá nhiều muối, sự cân bằng của natri và kali sẽ bị phá hủy, từ đó làm giảm khả năng lọc nước của thận. Chất lỏng không được lọc và tích tụ trong thận gây áp lực cho các mạch máu dẫn đến thận.
2.3 Do dùng các loại thuốc
Một số loại thuốc như NSAIDs bao gồm cả 1 số ức chế chọn lọc COX 2; Corticoid, Cocain, Amphetamine, thuốc tránh thai, Cyclosporine, Erythropoietin, thuốc chống trầm cảm, cam thảo, ma hoàng… dễ khiến huyết áp không thể kiểm soát.
3. Điều trị và phòng ngừa tăng huyết áp kháng trị
Để điều trị tăng huyết áp không kiểm soát, cần loại bỏ các nguyên nhân gây tăng huyết áp. Các phương pháp điều trị bao gồm:
3.1 Điều trị hiệu quả các bệnh lý bằng thuốc
Nếu đang mắc một trong những bệnh lý làm tăng nguy cơ khó kiểm soát huyết áp thì bạn cần thường xuyên đi khám và tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ để cải thiện bệnh và đưa huyết áp về mức huyết áp mục tiêu.
Các loại thuốc lợi tiểu thường dùng là Thiazide (Chlorthalidone, Hydrochlorothiazide). Đối với các trường hợp suy thận thì không nên dùng thuốc lợi tiểu Thiazid mà thay bằng lợi tiểu quai (hay Furosemide). Khi dùng lợi tiểu quai cần theo dõi Natri và Kali máu để điều chỉnh liều lượng phù hợp.
Lưu ý, các loại thuốc kể trên chỉ mang tính tham khảo và cần có sự kết hợp loại và liều hợp lý khi sử dụng cho từng bệnh nhân. Nếu có thể thì ngừng hoặc giảm liều các thuốc có tác dụng phụ làm tăng huyết áp. Tốt nhất, bạn nên đi khám để được chẩn đoán và điều chỉnh phù hợp.
3.2 Thay đổi lối sống giúp cải thiện tình trạng tăng huyết áp kháng trị
Các nghiên cứu cho thấy thói quen sống lành mạnh giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch trên bệnh nhân bị kháng trị tăng huyết áp và phòng ngừa việc tăng huyết áp không kiểm soát.
Lối sống lành mạnh được các chuyên gia khuyến nghị cho các bệnh nhân này gồm:
– Ăn giảm muối, lượng muối tiêu thụ < 100 mEq/ 24 giờ
– Thực hiện chế độ giảm cân nếu thừa cân, béo phì
– Tập thể dục thể thao: Nên tập luyện các bộ môn phù hợp ít nhất 30 phút/ ngày.
– Hạn chế rượu bia: Chỉ nên uống lượng rượu bia tương đương 1 đơn vị cồn/ ngày, có nghĩa là xấp xỉ 300 ml bia hoặc 100 ml rượu vang đỏ.
– Nằm nghiêng khi ngủ nếu bạn bị chứng ngừng thở khi ngủ nhẹ. Đối với ngừng thở khi ngủ nặng, cần dùng các biện pháp hỗ trợ khác.
Như vậy, tăng huyết áp kháng trị rất nguy hiểm nhưng có thể cải thiện nếu điều trị tích cực, hiệu quả. Bạn cần đi khám để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân, mức độ bệnh, phân biệt với các trường hợp kháng trị giả, tăng huyết áp áo chàng trắng,… và được tư vấn phác đồ điều trị phù hợp để có thể kiểm soát tình hình.