Ung thư cổ tử cung là bệnh lý ác tính phổ biến và nguy hiểm hàng đầu với chị em. Hiện nay, nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung đã được xác định là do virus HPV (virus gây u nhú ở người). Có hơn 100 chủng HPV, trong đó chủng HPV 16 và 18 là nguyên nhân gây ra hơn 70% trường hợp mắc bệnh.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu về ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung xảy ra khi có sự xuất hiện của các tế bào bất thường tại các biểu mô tuyến hoặc các biểu mô vảy ở cổ tử cung. Theo đó, ung thư cổ tử cung được chia thành nhiều loại, trong đó có 2 loại phổ biến:
– Ung thư biểu mô tế bào vảy là khi tế bào ung thư xuất phát từ biểu mô tế bào vảy ở vị trí dưới cùng cổ tử cung. Phần lớn các ca ung thư cổ tử cung là loại này.
– Ung thư biểu mô tuyến là khi tế bào ung thư xuất phát từ tuyến tiết chất nhầy ở cổ tử cung. Dạng này chiếm khoảng 10-20% trường hợp ung thư cổ tử cung.
Ngoài 2 loại kể trên thì ung thư cổ tử cung còn có những loại khác nhưng rất hiếm gặp.
Ung thư cổ tử cung được chia thành 4 giai đoạn như sau:
– Giai đoạn 1: Các tế bào ung thư chỉ xuất hiện tại cổ tử cung.
– Giai đoạn 2: Các tế bào ung thư bắt đầu lan ra ngoài cổ tử cung, xâm lấn các mô xung quanh nhưng chưa tiến đến các mô lót trong khung chậu hoặc phần dưới âm đạo.
– Giai đoạn 3: Các tế bào ung thư xâm lấn vào phần dưới âm đạo và các mô lót bên trong khung chậu.
– Giai đoạn 4: Các tế bào ung thư xâm lấn bàng quang, trực tràng và di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể.
2. Giải đáp: Nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung là gì?
2.1. Nhiễm HPV là nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung
Nguyên nhân gây ra ung thư cổ tử cung đã được xác định là do âm đạo/cổ tử cung bị nhiễm trùng dai dẳng bởi HPV (virus gây u nhú ở người) trong quá trình quan hệ tình dục. Có hơn 100 chủng HPV, trong đó chủng HPV 16 và 18 là nguyên nhân của hơn 70% ca ung thư cổ tử cung. Ngoài ra còn các chủng HPV nguy cơ ung thư cổ tử cung khác như 39, 51, 56,…
Trong cuộc đời mỗi người vào một thời điểm nào đó đều sẽ nhiễm virus HPV. Sau khi nhiễm, virus HPV thường bị loại bỏ bởi hệ thống miễn dịch trong vài tháng. Tuy nhiên đôi khi hệ thống miễn dịch không thể loại bỏ virus HPV, từ đó dẫn đến nhiễm trùng trong nhiều năm thậm chí suốt đời và gây ra các tổn thương tại cổ tử cung.
Hoạt động của HPV để biến đổi tế bào cổ tử cung có thể kéo dài từ 5 – 10 năm. Do đó ung thư cổ tử cung xuất hiện chậm và người bệnh hoàn toàn có thể phát hiện sớm bệnh nếu định kỳ khám sức khỏe và tầm soát ung thư.
2.2. Những yếu tố gia tăng nguy cơ mắc bệnh
Bên cạnh virus HPV, một số yếu tố nguy cơ gia tăng khả năng mắc ung thư cổ tử cung có thể kể đến:
– Hút thuốc: Phụ nữ hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cao gấp đôi phụ nữ không hút thuốc.
– Quan hệ tình dục sớm, quan hệ với nhiều đối tượng, không có các biện pháp bảo vệ an toàn.
– Sinh đẻ nhiều (trên 5 con) hoặc sinh khi còn quá trẻ (dưới 17 tuổi).
– Sử dụng thuốc tránh thai đường uống liên tục kéo dài (trên 5 năm).
– Viêm cổ tử cung mãn tính hoặc bị suy giảm miễn dịch.
3. Mức độ nguy hiểm của bệnh lý ung thư cổ tử cung
Trong số tất cả các bệnh ung thư, ung thư cổ tử cung thuộc nhóm có thể điều trị hiệu quả thậm chí chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách.
Tuy nhiên triệu chứng của ung thư cổ tử cung diễn ra rất âm thầm và dễ nhầm lẫn với các bệnh phụ khoa thông thường. Do đó bệnh thường được phát hiện muộn khi đã tiến triển nặng và gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Một số vấn đề người bệnh phải đối mặt khi mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối gồm:
– Đau bụng dữ dội, xuất huyết âm đạo bất thường hoặc các biến chứng do ung thư đã di căn đến cơ quan khác.
– Suy thận do khối u cổ tử cung phát triển và chèn ép niệu quản, gây tích tụ nước tiểu.
– Ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, thậm chí vô sinh nếu phải thực hiện phẫu thuật cắt bỏ tử cung, buồng trứng trong quá trình điều trị bệnh.
4. Ung thư cổ tử cung di căn đến các cơ quan khác
Không chỉ dừng lại ở việc gây ảnh hưởng đến khu vực cổ tử cung và lân cận, khi bệnh ở giai đoạn muộn, khối u có thể di căn xa xâm lấn những bộ phận khác trong cơ thể khiến sức khỏe người bệnh giảm sút trầm trọng. Việc điều trị ung thư ở giai đoạn di căn là vô cùng khó khăn, thông thường chỉ là điều trị triệu chứng và kết quả không khả quan, khả năng tử vong cao. Cụ thể, ung thư cổ tử cung có thể di căn đến các cơ quan:
– Di căn xương
Các tế bào ung thư có thể xâm lấn máu, tủy xương và bắt đầu phá hủy xương khiến bệnh nhân đau nhức khắp người, xương giòn và dễ gãy hơn.
– Di căn phổi
Ở giai đoạn muộn thì tế bào ung thư có xu hướng lây lan khắp cơ thể, tấn công và phá hủy các cơ quan nội tạng một cách nhanh chóng. Trong đó, phổi là một trong những cơ quan thường bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi tế bào ung thư.
– Di căn gan
Tương tự với di căn phổi, gan là một trong số những cơ quan dễ bị tổn thương bởi tế bào ung thư. Chức năng gan dần mất đi khiến bệnh nhân đau đớn khó chịu, sức khỏe sụt giảm nghiêm trọng.
– Di căn bàng quang
Ở giai đoạn cuối của ung thư cổ tử cung, tế bào ung thư có xu hướng di chuyển xuống bàng quang. Bởi đây là bộ phận gần cổ tử cung nên tốc độ xâm lấn thường nhanh hơn các cơ quan khác đồng thời gây ảnh hưởng đến các khu vực lân cận.
– Di căn hạch
Di căn hạch là một tình trạng tương đối phổ biến với đa số loại ung thư. Khi ung thư di căn nội mạc hạch khiến bệnh nhân chịu nhiều đau đớn và suy nhược nhanh chóng.
Ngoài những cơ quan kể trên, ung thư cổ tử cung cũng có thể xâm lấn di căn đến các cơ quan xa hơn như não,…
Theo thống kê từ Globocan, ung thư cổ tử cung đã cướp đi tính mạng của khoảng 340.000 phụ nữ trên toàn thế giới trong năm 2020. Có thể nói đây là bệnh lý ác tính phổ biến và nguy hiểm hàng đầu với chị em. Do đó các chuyên gia y tế khuyến cáo chị em phụ nữ nên thực hiện sàng lọc ung thư cổ tử cung hàng năm để tầm soát bệnh hiệu quả, an toàn đồng thời nâng cao hiệu quả điều trị nếu không may phát hiện bệnh.
Hi vọng những thông tin về nguyên nhân gây bệnh cũng như mức độ nguy hiểm của ung thư cổ tử cung có thể giúp bệnh nhân có thêm cái nhìn tổng quát về bệnh, từ đó nâng cao cảnh giác và tránh những rủi ro bệnh tật trong tương lai.