Đau bụng mạn tính là tình trạng đau kéo dài dai dẳng và tái phát liên tục ở bất cứ vị trí nào trong bụng, bao gồm các khu vực từ mép dưới lồng ngực cho tới tận xương chậu. Các cơ quan tiêu hóa như dạ dày, gan, túi mật, tuyến tụy, ruột non và đại tràng nằm trong khoang bụng. Nhiễm trùng, viêm nhiễm, khối u hoặc những bất thường ở các cơ quan này có thể là nguyên nhân gây đau bụng mạn tính.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh viêm đường ruột
Một trong những nguyên nhân gây đau bụng mạn tính thường gặp là bệnh viêm đường ruột. Hai biến thể của bệnh viêm đường ruột là viêm loét đại tràng và bệnh Crohn thường gây ra từng đợt đau bụng kinh niên. Viêm loét đại tràng ảnh hưởng đến đại tràng và trực tràng. Bệnh Crohn có thể ảnh hưởng tới bất cứ khu vực nào của đường tiêu hóa, trong đó liên quan nhiều nhất đến ruột non.
2. Viêm tụy mạn tính
Viêm tụy mạn tính là một bệnh do sự xơ hóa từ từ của nhu mô tụy, dẫn tới sự phá hủy ngày càng nặng nhu mô tụy gây suy giảm hoặc mất chức năng tụy. Đau bụng mạn tính là một triệu chứng đặc trưng của bệnh viêm tụy mạn tính. Vị trí đau ở vùng thượng vị, lan sang phải hoặc trái. Cơn đau lâm râm kéo dài, có lúc thành từng cơn, đau sau khi ăn nhiều mỡ, uống rượu, làm việc nặng, cảm xúc; giảm đau khi nằm nghiêng co, ngồi cúi, úp lưng… Trong một bài báo năm 2007 được đăng trên tạp chí American Family Physician, tiến sĩ Rajasree Nair và cộng sự cho biết rằng việc lạm dụng rượu chiếm khoảng 70 % các trường hợp viêm tụy mãn tính. Các nguyên nhân khác có thể bao gồm bệnh tự miễn, xơ nang, suy thận mạn tính, cường cận giáp, xơ gan mật tiên phát và các khối u trong hoặc gần các tuyến tụy.
3. Viêm túi mật mạn tính
Viêm túi mật mạn tính là tình trạng viêm túi mật trong thời gian dài, được gây ra bởi các cuộc tấn công lặp lại của viêm túi mật cấp tính. Tổn thương ở thành túi mật khiến túi mật dày lên, có sẹo. Cuối cùng túi mật có thể thu nhỏ và mất khả năng lưu trữ, tiết mật.
Đau bụng phần trên bên phải (gần gan, mật) là triệu chứng tiêu biểu của bệnh viêm túi mật mạn tính.Ở một số người cơn đau có thể lan tới giữa bả vai, xương bả vai, vai phải. Buồn nôn có thể xuất hiện kèm đau bụng nhưng người bệnh hầu như không bị sốt. Phẫu thuật cắt bỏ túi mật là cách xử trí tốt nhất cho bệnh viêm túi mật mạn tính.
4. Bệnh Celiac
Đay là một bệnh tiêu hóa gây tổn thương ruột non và cản trở sự hấp thụ các chất dinh dưỡng từ thức ăn. Cụ thể người bệnh Celiac không thể dung nạp gluten, một loại protein có trong lúa mì, lúa mạch đen và lúa mạch. Các triệu chứng của bệnh Celliac là khác nhau và đa dạng ở nhiều người, có thể xuất hiện ở đường tiêu hóa hoặc ở các nơi khác trên cơ thể. Đau bụng và đầy hơi là một trong các triệu chứng thường gặp nhất của căn bệnh này.