Giãn phế quản có thể gây biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, suy tim phải, ho ra máu… Vậy nguyên nhân dẫn đến giãn phế quản do đâu? Làm thế nào để phòng tránh bệnh này, tất cả sẽ có trong bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Giãn phế quản
Giãn phế quản là tình trạng các phế quản của phổi bị giãn ra khó hồi phục, đặc biệt là các phế quản nhỏ và trung bình, kèm theo sự loạn dạng các lớp phế quản, đa tiết phế quản. Tình trạng này có thể do bẩm sinh hoặc mắc phải, thường gặp là do bội nhiễm, nhiễm khuẩn mãn tính. Giãn phế quản có thể xuất hiện thành ổ, một phần hoặc một thùy của phổi, có trường hợp có thể lan đến nhiều thùy hoặc cả hai bên phổi. Tỉ lệ nam giới bị giãn phế quản cao gấp 4 lần nữ giới.
2. Nguyên nhân giãn phế quản do đâu?
2.1 Nguyên nhân dẫn đến giãn phế quản do bẩm sinh
Giãn phế quản bẩm sinh thường ít gặp hơn, do phổi ngoại vi phát triển kém, dẫn đến các phế quản bị giãn.
2.1.1 Hội chứng Kartagener
Là tình trạng người bệnh bị nhiều bệnh cùng lúc như giãn phế quản lan tỏa, polip mũi, viêm xoang, phủ tạng đảo lộn.
2.1.2 Hội chứng PCDS
Hội chứng rối loạn vận động nhung mao nguyên nhát (PCDS: Primary Ciliary Dyskinesia Syndroms), người bệnh có bất thường cấu trúc và chức năng của nội bào nhung mao. Kèm theo rối loạn thanh thải chất nhầy, dẫn đến nhiễm khuẩn phế quản tái diễn, giãn phế quản. Ngoài ra, người bệnh còn có thể bị thêm viêm tai giữa, viêm mũi mãn tính, vô sinh (nam), bất thường giác mạc, khứu giác kém, đau đầu.
2.1.3 Hội chứng Mounier-Kuhn
Đây là trường hợp bệnh nhân bị giãn phế quản, viêm xương sàng. Phế quản người bệnh bị phì đại, đường kính tăng lên gấp 2 lần so với bình thường. Bệnh nhân bị phì đại do khuyết tật cấu trúc của tổ chức liên kết ở thành phế quản, làm giãn phế quản.
2.1.4 Hội chứng Williams-Campbell
Bệnh nhân bị khuyết tật cấu trúc sụn phế quản. Điều này, khiến phế quản bệnh nhân phì to ra ở thì thở vào, xẹp xuống ở thì thở ra.
2.1.5 Hội chứng móng tay vàng (yellow nail syndrome)
Hệ thống bạch huyết ở người bệnh bị giảm bẩm sinh, phù bạch huyết nguyên phát, giãn phế quản. Người bệnh có một số triệu chứng như: móng tay dày, cong, vàng nhạt.
2.2 Nguyên nhân dẫn đến giãn phế quản do mắc phải
Loại này chiếm tới 90% số bệnh nhân giãn phế quản. Có thể gặp khi:
2.2.1 Viêm đường hô hấp kéo dài
Đây thường là hậu quả của các bệnh như nhiễm khuẩn đường hô hấp, viêm vùng răng miệng, viêm xoang, viêm tai, viêm mũi, , nhiễm vi-rút đường hô hấp, một số bệnh nghề nghiệp… Các bệnh này gây nhiễm khuẩn phế quản kéo dài và tái diễn nhiều lần, dẫn đến các tổn thương các sợi cơ, sợi chun và sụn phế quản. Đồng thời, các chất xuất tiết ùn tắc lại trong phế quản và phản xạ ho gây tăng áp lực trong lòng phế quản kéo dài sẽ dẫn tới giãn phế quản.
2.2.2 Lao phổi
Trong lao phổi, hiện tượng xơ sẹo phát triển gây biến dạng và chít hẹp phế quản, tại đó tình trạng viêm nhiễm và ứ đọng các chất xuất tiết sẽ làm tổn thương các cấu trúc thành phế quản, kết hợp với các phản xạ ho gây tăng áp kéo dài sẽ làm phế quản bị giãn ra.
Tuỳ từng thể lao mà khả năng gây giãn phế quản sẽ khác nhau: lao xơ hang gây giãn phế quản nhiều hơn 4 lần lao hạt và nhiều hơn 11 lần lao thâm nhiễm.
2.2.3 Các bệnh viêm nhiễm vi-rút ở phổi và phế quản
Các bệnh này gây bội nhiễm, ho và tăng áp trong lòng phế quản kéo dài. Ban đầu, giãn phế quản chỉ là tạm thời tuy nhiên do điều trị không tốt tổn thương sẽ trở thành không hồi phục và dẫn tới bệnh giãn phế quản. Viêm đường hô hấp kéo dài có thể dẫn đến giãn phế quản.
2.2.4 Các tổn thương gây hẹp phế quản
Khi các phế quản bị hẹp sẽ gây ùn tắc trong phế quản làm viêm nhiễm, xuất tiết kéo dài và tổn thương các cấu trúc thành phế quản, đồng thời sự chít hẹp này còn gây tăng áp trong lòng phế quản và dẫn tới giãn phế quản tăng dần. Các bệnh lý có thể gây nên tình trạng này đó là: các polyp phế quản, dị vật phế quản, các bệnh lý hạch ở rốn phổi như lao hạch, Hodgkin, Lymphosarcom…
2.2.5 Giãn phế quản do hoá chất
Trường hợp này thường gặp ở những người làm việc lâu ngày với các hoá chất bay hơi. Các hoá chất này bị hít vào đường hô hấp, gây kích thích, tăng tiết đồng thời làm tổn thương cấu trúc thành phế quản, gây phản xạ ho và tăng áp trong lòng phế quản kéo dài dẫn tới giãn phế quản.
3. Phòng ngừa bệnh giãn phế quản như thế nào?
Bệnh giãn phế quản có thể lây nhiễm từ người này qua người kia theo đường hô hấp, nếu nguyên nhân do virus gây ra. Để phòng tránh bệnh giãn phế quản, mọi người nên:
– Tiêm phòng vaccine phòng cúm, phế cầu, lao… chủ động
– Không hút thuốc lá, thuốc lào, bóng cười, sử dụng máy lọc không khí, đeo khẩu trang thường xuyên khi đi ra ngoài đường, tránh bụi mịn
– Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, tránh để nước vào tai, vệ sinh tai thường xuyên, nhẹ nhàng
– Khi có triệu chứng viêm tai,mũi, họng, xoang… Bạn nên đi khám sớm để điều trị, hạn chế vi khuẩn lây lan vào sâu trong phế nang
– Tập luyện thể dục thể thao, giúp phổi đàn hồi tốt hơn, hạn chế xẹp phổi, giãn phế quản
– Bổ sung các thực phẩm có lợi cho sức khỏe, tăng đề kháng, hoa quả, vitamin
– Giữ ấm cổ, ngực, quần áo ấm vào những ngày thời tiết lạnh, thời tiết thay đổi thất thường
– Thăm khám định kỳ, nhằm phát hiện những bệnh lý nguy hiểm ở giai đoạn sớm
Giãn phế quản là bệnh lý nguy hiểm, có thể gây tổn thương không hồi phục. Có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng giãn phế quản. Hãy đi khám khi có những triệu chứng: ho dai dẳng, khó thở, đau đầu… càng sớm càng tốt. Khi sử dụng kháng sinh, hãy sử dụng đủ liều. Bỏ thuốc sớm, dễ gây chờn kháng sinh, vi khuẩn tái nhiễm. Đặc biệt, còn gây tình trạng đa kháng kháng sinh về sau, khó điều trị.