Hôi miệng là vấn đề không những khiến cho chính chủ mất tự tin khi giao tiếp, làm việc mà còn khiến cho người đối diện xa lánh, mất thiện cảm và ngại giao tiếp cùng. Có rất nhiều cách cải thiện tình trạng này nhưng để đánh giá đâu là cách trị hôi miệng hiệu quả nhất thì chúng ta cần xác định đúng nguyên nhân gây bệnh để lựa chọn phương pháp phù hợp.
Menu xem nhanh:
1. Các nguyên nhân gây hôi miệng
Hôi miệng là một tình trạng rất phổ biến ở mọi lứa tuổi, nó có thể không gây ảnh hưởng gì quá lớn đối với sức khỏe, nhưng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo của một số bệnh lý. Tuy nhiên bạn cũng không cần quá lo lắng vì chứng hôi miệng có thể cải thiện dễ dàng và chữa được dứt điểm nếu lựa chọn đúng phương pháp phù hợp.
Hôi miệng thông thường xảy ra do vi khuẩn có trên răng và các mảnh vụn thức ăn còn đọng trên lưỡi gây ra. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi hầu hết các trường hợp hôi miệng gần như đều có liên quan đến vệ sinh răng miệng kém, hoặc do mắc các bệnh về nướu như viêm nướu, viêm nha chu, chứng khô miệng. Do có nhiều nguyên nhân nên thăm khám với nha sĩ cũng là một cách giúp loại trừ các bệnh lý răng miệng khiến hơi thở có mùi.
Việc tìm hiểu chính xác nguyên nhân gây bệnh là điều vô cùng quan trọng trong việc điều trị nhanh chóng và dứt điểm căn bệnh này.
1.1 Nguyên nhân gây chứng hôi miệng tạm thời
– Khô miệng
Suy giảm tiết nước bọt trong khoang miệng có mối liên quan trực tiếp đến tình trạng hơi thở có mùi khó chịu. Việc thiếu nước trong khoang miệng do thói quen ăn uống hoặc dùng các loại thuốc điều trị có tác dụng phụ làm mất nước sẽ khiến miệng bị khô đi, thức ăn và vi khuẩn trong khoang miệng không được làm sạch thường xuyên liên tục sẽ tạo nên mùi hôi tạm thời.
– Hơi thở hôi sau khi ngủ dậy
Sau khi ngủ dậy, nhất là sau giấc ngủ dài vào buổi đêm, ai cũng sẽ gặp phải tình trạng hơi thở có mùi hôi với những mức độ khác nhau. Hiện tượng này là hoàn toàn bình thường do miệng bị khô trong nhiều giờ gây nên và chỉ cần chải răng là sẽ chấm dứt được chứng hôi miệng.
– Sử dụng thực phẩm có mùi nặng, cay
Các thực phẩm có chứa mùi nặng như tỏi, thức ăn cay, nóng, nhiều gia vị nặng, đồ uống chứa cồn,… có thể gây hôi miệng tức thì ngay sau khi ăn uống, thậm chí khiến cơ thể có thể tiết ra mùi khó chịu đặc trưng nếu ăn nhiều và thường xuyên.
– Hút thuốc lá
Đây là một trong những nguyên nhân gây hôi miệng phổ biến ở đàn ông. Khi hút thuốc, các hoạt chất có trong thuốc lá sẽ ngấm vào trong hơi thở và bay ra ngoài khi nói chuyện. Hơn nữa, hút thuốc lâu năm khiến cho bệnh viêm nướu tiến triển, vừa gây hôi miệng, hại sức khỏe răng lợi, vừa là nguyên nhân hàng đầu khiến răng bị ố vàng, xỉn màu.
1.2 Nguyên nhân gây hôi miệng kéo dài
– Bệnh lý răng miệng như viêm nướu, viêm chân răng, viêm nha chu hay áp xe răng,…
– Sử dụng thuốc hóa trị, xạ trị hoặc các loại thuốc điều trị ung thư,…
– Các bệnh về xương như viêm ổ răng khô, viêm tủy xương,…
– Việc dùng các khí cụ chỉnh nha hay răng giả tháo lắp,… khiến thức ăn rất dễ bị mắc vào, khó vệ sinh, tồn đọng, tạo thành các mảng bám gây hôi miệng.
– Cao răng tích tụ hay việc tồn tại các lớp cặn lưỡi dày cũng là nguyên nhân gây ra bệnh hôi miệng.
1.3 Những nguyên nhân gây hôi miệng khác
Hôi miệng không có nghĩa là tất cả đều xuất phát từ các bệnh lý ở miệng hoặc bên trong cơ thể biểu hiện qua đường miệng, họng. Có một số trường hợp hôi miệng do những nguyên nhân ngoài miệng như:
– Tác dụng phụ khi uống một số loai thuốc như amphetamine, chloral hydrate, dimethyl sulphoxide, disulfiram, các thuốc gây độc tế bào, nitrate và nitrite, phenothiazine.
– Bệnh lý toàn thân như nhiễm trùng mũi họng, điển hình là rối loạn hô hấp (mũi, xoang, amidan, vùng hầu).
– Các bệnh về dạ dày: Hôi miệng là triệu chứng điển hình của bệnh trào ngược dạ dày – thực quản. Bên cạnh đó nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori gây viêm loét dạ dày cũng có thể dẫn đến hôi miệng.
– Bệnh tiểu đường hay các bệnh lý về gan, thận,… cũng có thể gây hôi miệng do sự phân hủy của mỡ trong cơ thể, nhất là quá trình tiêu hóa thức ăn tại dạ dày.
– Hội chứng mùi cá ươn: Đây là hội chứng di truyền hiếm gặp do cơ thể bị rối loạn chuyển hóa hoặc không chuyển hóa trimethylamine có trong thực phẩm có mùi tanh, khiến hóa chất bị tích tụ bên trong cơ thể, nhất là ở gan, trước khi bài tiết ra ngoài.
2. Các cách trị hôi miệng hiệu quả nhất khi hôi miệng tạm thời
2.1 Vệ sinh răng miệng đúng cách và đầy đủ
Biện pháp cơ bản và trị hôi miệng hiệu quả nhất hàng ngày đó chính là chúng ta cần vệ sinh răng miệng thật tốt và đúng cách. Xây dựng thói quen vệ sinh răng miệng cẩn thận sau khi ăn và chải răng đúng cách sẽ giúp bảo vệ sức khỏe răng miệng và đánh bay mùi hôi miệng:
– Đánh răng 2 lần mỗi ngày vào sáng và tối trước khi đi ngủ hoặc sau các bữa ăn 30 phút. Đặc biệt lưu ý, nên thay bàn chải đánh răng 3 tháng/lần để tránh tích tụ vi khuẩn.
– Dùng dụng cụ làm sạch lưỡi vì đây cũng là bộ phận chứa rất nhiều vi khuẩn và cặn thức ăn bám vào – nguyên nhân hàng đầu khiến hơi thở có mùi hôi.
– Sử dụng chỉ nha khoa thay vì tăm để loại bỏ dễ dàng các mẩu thức ăn còn kẹt lại giữa các kẽ răng.
– Bổ sung nước súc miệng chuyên dụng vào cuối quy trình làm sạch răng để diệt vi khuẩn còn sót lại và cho hơi thở thơm mát tức thì.
– Đi khám nha sĩ để phát hiện và điều trị sớm các bệnh răng miệng và lấy cao răng định kì mỗi 6 tháng nhằm loại bỏ tác nhân có thể gây mùi trong hơi thở.
2.2 Công thức trị hôi miệng hiệu quả nhất từ thiên nhiên
– Sử dụng giấm táo
Trong giấm táo chứa nhiều thành phần như: Axit axetic, axit amin, các vitamin và khoáng chất. Nhờ vậy nên giấm táo có khả năng khử trùng cao và tốt cho sức khỏe răng miệng.
Pha loãng giấm táo với nước rồi dùng hỗn hợp đó để súc miệng mỗi ngày vào buổi sáng và tối trước khi đi ngủ. Duy trì lâu dài và đều đặn sẽ giúp bạn cải thiện tình trạng hôi miệng rất hiệu quả.
– Trị hôi miệng với gừng tươi
Với vị cay, tính nóng, ấm và chứa nhiều tinh dầu thơm, gừng giúp khử mùi hôi rất hiệu quả. Do đó, ngoài công dụng chữa lạnh bụng, giải cảm, gừng còn có thể giúp cải thiện hơi thở có mùi hôi.
Cho vài lát gừng vào nước sôi khoảng 5 phút, sau đó thêm một chút muối hạt vào hòa tan. Dùng dung dịch này súc miệng ngày 2 lần, bạn sẽ thấy không chỉ hết hôi miệng tức thời mà còn duy trì được hơi thở thơm tho lâu dài.
– Sử dụng lá mùi tàu:
Mùi tàu hay còn gọi là ngò gai là loại cây thuốc bên trong chứa nhiều tinh dầu thơm và các chất như Protid, Phosphor, Vitamin C, Glucid,…. Chính vì vậy mùi tàu cũng được sử dụng nhiều trong các món ăn để tạo mùi thơm và còn có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn gây hôi miệng rất tốt.
Bạn lấy khoảng 50gr lá mùi tàu rửa sạch và cắt nhỏ thành khúc. Tiếp theo, đun lá mùi tàu với 100ml nước cùng 1 muỗng cà phê muối trong 10 phút sau đó tắt bếp. Để nước đun nguội và dùng để súc miệng 3-5 lần/ngày.
3. Cách trị hôi miệng hiệu quả nhất khi tình trạng kéo dài không cải thiện
3.1 Điều trị các bệnh lý gián tiếp gây hôi miệng
Nếu tình trạng hôi miệng kéo dài quá lâu và tồn tại mọi lúc, không điều trị dứt điểm được, bạn hãy thăm khám sớm vì rất có thể đó là biểu hiện của các bệnh như:
– Bệnh dạ dày, bệnh táo bón hoặc rối loạn đường ruột, trào ngược axit dạ dày (GERD).
– Viêm amidan
– Bệnh tiểu đường
– Bệnh gan và thận
– Các vấn đề về xoang mũi
– Nhiễm trùng đường hô hấp
– Hội chứng chảy dịch mũi sau (Tên cụ thể là Postnasal drip)
Đối với các chứng hôi miệng gây nên bởi bệnh lý, hoặc là triệu chứng của bệnh lý, việc vệ sinh răng miệng hay sử dụng các công thức trị hôi miệng từ thiên nhiên gần như chỉ có tác dụng hỗ trợ giảm tình trạng này tức thì và tạm thời. Cách duy nhất để chúng ta có thể trị hôi miệng hiệu quả nhất trong trường hợp này là phải điều trị từ nguồn gốc của vấn đề.
3.2 Thay đổi chế độ ăn giúp trị hôi miệng hiệu quả nhất từ bên trong cơ thể
Những thức ăn hàng ngày có ảnh hưởng rất lớn tới đến mùi tự nhiên của cơ thể và hơi thở của chúng ta. Vì vậy một chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học sẽ giúp hơi thở của bạn không còn mùi khó chịu:
– Giảm các thực phẩm chứa nhiều đường, tinh bột như bánh kẹo, nước ngọt,…
– Tránh ăn các thực phẩm có mùi nặng như hành, tỏi, các món ăn tẩm ướp nhiều gia vị có mùi vị nặng,…
– Uống nhiều nước lọc, tránh nước ngọt, nước có ga
– Nên ăn sữa chua, dâu tây, táo, mía, trà xanh.
Hôi miệng không phải là bệnh lý nguy hiểm và quá khó chữa nếu để ý và theo dõi sức khỏe đều đặn. Để ngăn ngừa tình trạng hôi miệng diễn ra, bạn nên đi thăm khám nha khoa định kì để phát hiện sớm các bệnh lý viêm nhiễm tại răng lợi có thể gây nên mùi hôi miệng. Ngoài ra việc đảm bảo vệ sinh răng miệng đều đặn và đúng cách là cách đơn giản ai cũng có thể thực hiện được và giúp trị hôi miệng hiệu quả nhất. Nếu bạn có bất cứ thắc mắc hay vấn đề cần giải đáp về sức khỏe răng miệng, hãy liên hệ ngay Nha Khoa Thu Cúc TCI để được tư vấn nhanh chóng và cụ thể nhất nhé!