Siêu âm thai vào những thời điểm nào là tốt nhất chắc hẳn là mối quan tâm của không ít mẹ bầu. Thực hiện siêu âm là một trong những kỹ thuật kiểm tra an toàn, tính chính xác cao và vô cùng đơn giản. Nhưng bên cạnh đó vẫn có nhiều mẹ bầu chưa biết mốc siêu âm nào là quan trọng. Cùng theo dõi bài viết dưới đây chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cơ bản và hữu ích.
Menu xem nhanh:
1. Siêu âm thai là gì & thực hiện siêu âm thai như thế nào?
Siêu âm thai là kỹ thuật y khoa thông dụng được dùng để nắm bắt được sự phát triển cũng như sức khỏe của thai nhi trong bụng mẹ. Phương pháp này sẽ sử dụng các sóng siêu âm mà tai người không thể nghe được để tạo ra hình ảnh hỗ trợ bác sĩ quan sát, chẩn đoán. Đây là phương pháp kiểm tra không gây xâm lấn cho phép các bác sĩ sản theo dõi sự tiến triển của thai kỳ và sức khỏe của bé qua thời gian.
Khi siêu âm thai, bác sĩ sẽ sử dụng đầu dò của máy siêu âm đặt lên bụng các thai phụ, khi đó máy sẽ truyền các sóng âm với tần số phù hợp qua tử cung ghi lại những hình ảnh của thai nhi trong bụng của mẹ.
Hiện nay có 2 phương pháp siêu âm thai nhi được sử dụng, đó chính là:
– Thực hiện siêu âm trên bụng: Đây là phương pháp được thực hiện bằng cách cho đầu dò của máy siêu âm di chuyển ở trên bụng mẹ bầu. Trước đó bác sĩ sẽ bôi một lớp gel mỏng trên khu vực da bụng để thuận tiện việc di chuyển của đầu dò. Đây là cách siêu âm được sử dụng vô cùng phổ biến.
– Thực hiện siêu âm qua âm đạo: Đây là phương pháp có tên là siêu âm đầu dò âm đạo. Phương pháp này thường được chỉ định trong quá trình siêu âm ở những tháng đầu thai kỳ hoặc vì một vài nguyên nhân khác. Siêu âm đầu dò âm đạo khi thực hiện thì thao tác sẽ phức tạp hơn, bên cạnh đó sẽ gây cảm giác khó chịu hơn cho mẹ bầu.
Thực hiện siêu âm sẽ rơi vào khoảng 5 – 15 phút, siêu âm đôi khi sẽ không thể cho hình ảnh rõ nét về thai nhi. Tùy thuộc vào tư thế của thai nhi mà quá trình siêu âm có thể diễn ra lâu hơn hoặc bác sĩ phải hẹn mẹ vào lần khám tiếp theo.
2. Mục đích của việc siêu âm thai
Việc thực hiện siêu âm định kỳ trong thời kỳ mang thai đặc biệt quan trong, bởi nó cung cấp nhiều thông tin:
– Giúp mẹ có thể phát hiện mình đã có thai hay chưa và vị trí mang thai có an toàn hay không vì đôi khi mẹ có thể bị chửa ngoài tử cung.
– Thực hiện siêu âm còn xác định được số thai đang mang, để mẹ biết được là mình đang mang thai đơn, thai đôi hay thai ba, hay nhiều hơn mà có tâm lý chuẩn bị sẵn sàng.
– Bác sĩ sẽ xác định được tuổi của thai để có chế độ chăm sóc thích hợp hơn, bác sĩ cũng sẽ thông báo ngày dự sinh cho mẹ và gia đình chuẩn bị đầy đủ những thứ cần thiết cho việc đi sinh.
– Việc thực hiện siêu âm còn giúp nắm bắt được tình trạng phát triển của thai nhi có dấu hiệu gì bất thường hay không. Siêu âm giúp mẹ biết được tốc độ phát triển của thai nhi có bình thường hay bất thường để từ đó điều chỉnh lại chế độ dinh dưỡng của mình hoặc có được biện pháp can thiệp kịp thời.
– Tình trạng tay, chân, sứt môi, hở hàm ếch… dị tật ở các cơ quan trong cơ thể cũng sẽ được phát hiện sớm.
3. Siêu âm thai vào những thời điểm nào là tốt nhất
Tùy tình trạng sức khỏe của mẹ và bé mà mỗi mẹ bầu sẽ được bác sĩ chỉ định thời điểm và số lần siêu âm khác nhau. Bên cạnh đó nhiều mẹ còn tự chủ động đi siêu âm để được gặp con. Tuy nhiên, dù thế nào thì có 3 mốc khám cực kỳ quan trọng trong thai kỳ mà mẹ không được bỏ lỡ.
3.1. Từ 11 tuần đến 13 tuần 6 ngày
Khi siêu âm vào thời điểm này, sẽ biết được ngày dự sinh khá chính xác cũng như đo độ mờ da gáy để bác sĩ sớm dự đoán được bất thường về nhiễm sắc thể của thai nhi như hội chứng Down, hội chứng Edward, hội chứng Patau.
3.2 Từ 18 tuần đến 22 tuần
Lúc này mẽ sẽ thực hiện siêu âm 4D hoặc 5D để thực hiện kiểm tra xem thai nhi có vấn đề gì về hình thái không. Các cơ quan nội tạng của thai nhi sẽ được siêu âm để xem thai nhi có phát triển bình thường hay không. Việc chẩn đoán các dị tật ở tuần thai này đặc biệt quan trọng để có kế hoạch điều trị hay đình chỉ thai kỳ.
3.3 Từ 30 tuần đến 32 tuần
Đây là lúc có thể phát hiện được các dị tật xuất hiện muộn. Việc thai đang phát triển bình thường hay bất thường đều được xác định. Ngoài ra, thời gian này dây rốn cũng sẽ được kiểm tra xem có đang làm tốt vai trò vận chuyển dinh dưỡng để có thể nuôi bào thai hay không, vị trí của nhau thai có đang ổn định và tình trạng nước ối có gì bất thường hay không.
4. Những lưu ý về siêu âm thai mà thai phụ cần quan tâm
Một số lưu ý về việc thực hiện siêu âm mà các mẹ bầu cần quan tâm là:
– Khi mẹ mang thai trên 11 tuần, thì trước khi thực hiện siêu âm, thai phụ cần đi tiểu sạch để bác sĩ có thể quan sát rõ hơn.
– Mẹ cũng nên lưu ý rằng, siêu âm không phải lúc nào cũng có thể phát hiện ra dị tật thai nhi. Đôi khi đến khi bé chào đời bác sĩ mới phát hiện ra dị tật của bé.
– Cần thực hiện siêu âm sớm để xác định tình trạng dọa sảy thai, dọa đẻ non ở mẹ đang như thế nào (nếu có) và có được biện pháp kịp thời, hiệu quả hơn.
– Khi bạn siêu âm sẽ không có cảm giác đau hay khó chịu gì hay việc thực hiện siêu âm cũng không hề gây hại cho mẹ hay thai nhi trong bụng. Nhưng không nên vì thế mà thực hiện siêu âm quá nhiều lần, quá lạm dụng việc siêu âm để gặp con. Việc thực hiện siêu âm thai quá nhiều sẽ gây tốn kém tiền bạc của gia đình mà lại thực sự không cần thiết.
Hy vọng với những thông tin trên đã giúp mẹ biết được thêm thông tin siêu âm thai vào những thời điểm nào rồi. Hãy luôn theo sát thai kỳ của mình để cả mẹ và bé đều an toàn trong khoảng thời gian mang thai, và tầm soát tốt những tai biến thai kỳ, dị tật thai nhi có thể xuất hiện bạn nhé.