Khi phôi thai không làm tổ phát triển bên trong lòng tử cung, người mẹ rơi vào tình huống mang thai nguy hiểm gọi là thai ngoài tử cung. Hãy cùng tìm hiểu về hiện tượng này, nhận biết và xử trí với thai ngoài tử cung đúng cách nhất.
Menu xem nhanh:
Thai ngoài tử cung là gì?
Thai ngoài tử cung là tình trạng phôi thai sau khi thụ thai, không bám vào thành bên trong tử cung mà làm tổ ở các phần phụ ngoài tử cung. Hiện tượng này xảy ra ở 1 – 2% trường hợp mang thai. Đa số trường hợp chửa ngoài tử cung, thai bám vào một trong hai ống dẫn trứng, khi phát triển gây đau đớn, chảy máu cho mẹ, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, ống dẫn trứng có thể bị vỡ gây xuất huyết gây nguy hiểm cho mẹ.
Thai ngoài tử cung không thể giữ lại, vì tử cung là nơi thai phát triển. Khi phát hiện thai ngoài tử cung, bác sĩ bắt buộc phải loại bỏ mô thai, nếu thai ở ống dẫn trứng thì cũng có thể phải cắt bỏ lống dẫn trưng bị thai bám vào.
Nguyên nhân của hiện tượng thai ngoài tử cung
Bình thường, trứng di chuyển từ buồng trứng, qua ống dẫn trứng xuống tử cung nơi mà nó sẽ bám vào và phát triển. Nếu mang thai ngoài tử cung quá trình này không hoàn thiện, phôi thai phát triển trên đường đi của nó, hiện tượng thai ngoài tử cung có thể xảy ra do tổn thương, khiếm khuyết ở ống dẫn trứng, làm cho ống dẫn trứng quá hẹp, trứng không thể đến đích như bình thường.
Những yếu tố nguy cơ:
Thai ngoài tử cung có thể xảy ra bất kỳ phụ nữ nào tuy nhiên những người dễ có nguy cơ mang thai ngoài tử cung hơn người khác đó là:
– Từng bị viêm tiểu khung, viêm nhiễm vùng chậu, nhiễm khuẩn chlamydia, gây tổn thương để lại sẹo ở ông dẫn trứng.
– Từng trải qua phẫu thuật vùng bụng, như phẫu thuật cắt ruột thừa, sinh mổ, phẫu thuật ống dẫn trứng.
– Mang thai nhờ thụ tinh trong ống nghiệm. Với hình thức thụ tinh này, bạn nên được siêu âm vùng bụng sớm kiếm tra vị trí thai bám vào.
– Sử dụng dụng cụ tránh thai vào tử cung hoặc uống thuốc tránh thai hàng ngày.
– Hút thuốc.
– Từng mang thai ngoài tử cung trước đó.
– Mang thai sau tuổi 40.
Triệu chứng của thai ngoài tử cung
Thai ngoài tử cung phát hiện tuần thứ 5 đến tuần thứ 10 của thai kỳ, người mẹ sẽ nhận thấy các triệu chứng thai ngoài tử cung sau khoảng 2 tuần chậm kinh.
Các dấu hiệu là:
– Chảy máu âm đạo bất thường: máu có thể ít hơn so với kỳ kinh, có thể là máu đỏ sáng hoặc đỏ sẫm hơn.
– Đau bụng dưới, đau vùng chậu ở một bên từ nhẹ đến nặng; hoặc xuất hiện dần dần, hoặc đột ngột. Nếu bạn trải qua cảm giác này và nghĩ mình có thai, hãy đi khám ngay.
– Toát mồ hôi, choáng váng, chóng mặt, có thể bị ngất.
– Đau khi đi ngoài, thường bị tiêu chảy.
– Đau vai nếu tình trạng chảy máu kích thích các bộ phận khác như cơ hoành, cơn đau có thể nặng hơn khó chịu hơn nếu bạn nằm xuống.
Làm gì khi có triệu chứng chửa ngoài tử cung?
Khi có dấu hiệu bị chửa ngoài tử cung, hãy đi khám ngay lập tức. Bạn có thể được chỉ định siêu âm ngả âm đạo xác định vị trí thai bám. Nếu siêu âm chưa xác định được, bạn có thể được hẹn siêu âm lại sau vài ngày. Cũng có thể thử thai xác định có thai rồi đo nồng độ hCG, nếu nồng độ hCG thấp hơn bình thường thì có thể là dấu hiệu thai ngoài tử cung. Có thể bác sĩ sẽ thực hiện thêm các xét nghiệm khác để kiểm tra nồng độ hormome thai kỳ.
Nếu những hình ảnh siêu âm không cho thấy vị trí thai bám, bác sĩ sẽ chỉ định nội soi vòi trứng qua một vết cắt nhỏ ở thành bụng để tìm vị trí thai chính xác nhất.