Mặc dù được đánh giá là căn bệnh nguy hiểm hàng đầu ở nữ giới, tuy nhiên, ung thư cổ tử cung hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng cách khám sàng lọc ung thư cổ tử cung từ sớm. Việc sàng lọc sớm giúp chị em chủ động trong việc theo dõi tình trạng sức khỏe, phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ và có kế hoạch phòng ngừa bệnh hiệu quả.
Menu xem nhanh:
1. Vì sao chị em cần khám sàng lọc ung thư cổ tử cung từ sớm?
Ung thư cổ tử cung là căn bệnh gây tử vong cao ở phụ nữ. Do bệnh gần như không có các triệu chứng rõ rệt ở giai đoạn đầu, nên phần lớn người bệnh đến khám và điều trị khi bệnh đã ở giai đoạn cuối. Điều này dẫn đến việc điều trị không còn hiệu quả cao và tiên lượng sống thấp. Tuy nhiên, nếu thực hiện sàng lọc ung thư cổ tử cung định kỳ, chị em hoàn toàn có thể phòng ngừa căn bệnh này từ sớm.
1.1. Lợi ích của việc khám sàng lọc ung thư cổ tử cung dành cho chị em
Sàng lọc ung thư cổ tử cung định kỳ được đánh giá là một trong những biện pháp phòng ngừa ung thư cổ tử cung tốt nhất giúp:
– Phát hiện bệnh sớm giúp gia tăng cơ hội điều trị bệnh hiệu quả, tránh các hậu quả khó lường do phát hiện bệnh quá muộn.
– Việc theo dõi định kỳ sẽ giúp chị em có kế hoạch phòng ngừa bệnh hiệu quả, tối ưu chi phí và thời gian cho việc thăm khám và điều trị sau này.
Ngoài ra, việc sàng lọc định kỳ kết hợp cùng tiêm chủng vắc xin từ sớm sẽ giúp chị em ngăn ngừa căn bệnh ung thư cổ tử cung tốt nhất.
1.2. Thời điểm phù hợp để bắt đầu khám sàng lọc ung thư cổ tử cung
Thời điểm phù hợp được các bác sĩ khuyến cáo nên bắt đầu tầm soát ung thư cổ tử cung là từ 21 tuổi trở lên, đã quan hệ tình dục. Tùy vào từng nhóm độ tuổi mà các bác sĩ sẽ có những chỉ định khác nhau. Cụ thể:
Từ 21 đến 29 tuổi
Ở độ tuổi này các bác sĩ khuyến nghị chị em nên thực hiện xét nghiệm Pap Smear hoặc Thinprep để sàng lọc ung thư cổ tử cung. Nếu không có kết quả bất thường thì chị em nên duy trì xét nghiệm lại sau mỗi 3 năm.
Từ 30 đến 65 tuổi
Trong giai đoạn này, các bác sĩ khuyên chị em nên khám tầm soát ung thư cổ tử cung bằng một trong các phương pháp sau:
– Xét nghiệm Pap Smear/ Thinprep 3 năm một lần nếu kết quả bình thường.
– Xét nghiệm HPV 5 năm một lần nếu kết quả sàng lọc trước đó bình thường.
– Xét nghiệm HPV kết hợp với xét nghiệm Pap Smear/ Thinprep 5 năm một lần nếu cả 2 kết quả đều bình thường.
Nếu phát hiện kết quả sàng lọc bất thường, các bác sĩ khuyên người bệnh nên tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ hằng năm với các biện pháp chuyên sâu hơn.
Trên 65 tuổi
Nếu trên 65 tuổi và các kết quả xét nghiệm trước đó cho kết quả bình thường, chị em nên liên hệ bác sĩ để được tư vấn có nên tiếp tục thực hiện nữa hay không. Tuy nhiên, nếu kết quả xét nghiệm vẫn phát hiện các dấu hiệu bất thường, chị em vẫn cần tiến hành khám sàng lọc sau độ tuổi 65.
Ngoài ra, chị em cũng nên khám phụ khoa hằng năm để theo dõi tình trạng sức khỏe sinh sản của bản thân, phát hiện sớm những dấu hiệu viêm nhiễm để điều trị hiệu quả. Bởi vì những viêm nhiễm này là một trong những nguy cơ có thể dẫn đến căn bệnh ung thư cổ tử cung nguy hiểm.
2. Khi nào chị em cần tầm soát ung thư cổ tử cung thường xuyên hơn?
Trong một số trường hợp đặc biệt hay còn gọi là những đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư cổ tử cung, việc sàng lọc ung thư có thể được thực hiện thường xuyên hơn. Cụ thể như đối với những nhóm người sau:
– Những người mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như Chlamydia, giang mai, HIV/AIDS… hoặc có hệ miễn dịch bị suy yếu.
– Những người quan hệ tình dục sớm, quan hệ với nhiều bạn tình làm gia tăng lây nhiễm virus HPV.
– Mang thai quá sớm hoặc đã từng mang thai nhiều lần.
– Những người tiếp xúc với Diethylstilbestrol (DES) trong bào thai.
3. Tìm hiểu về các phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung phổ biến hiện nay
3.1. Khám phụ khoa
Khám phụ khoa định kỳ là việc làm rất cần thiết giúp phát hiện sớm các dấu hiệu viêm nhiễm hay dấu hiệu của tiền ung thư cổ tử cung để kịp thời điều trị.
Khám phụ khoa định kỳ hằng năm được khuyến cáo thực hiện đối với phụ nữ từ 21 tuổi trở lên hoặc khi bắt đầu có quan hệ tình dục.
3.2. Xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung Pap Smear/Thinprep
Quy trình thực hiện xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung thường diễn ra nhanh gọn và đơn giản, thường thực hiện trong vòng vài phút.
Cả hai phương pháp đều có quy trình lấy mẫu tương tự nhau, đều được thực hiện lấy mẫu khi người bệnh khám phụ khoa. Tuy nhiên các bước phía sau sẽ có một ít sự khác biệt. Cụ thể:
– Đối với xét nghiệm Pap Smear, mẫu sau khi thu thập sẽ được phết lên 2 mặt của lam kính để tiến hành xét nghiệm.
– Đối với xét nghiệm Thinprep, mẫu sau khi thu thập sẽ được cho vào lọ Thinprep (dạng chất lỏng định hình), chuyển vào phòng thí nghiệm và tiến hành phân tích bằng máy Thinprep một cách tự động.
3.3. Xét nghiệm HPV
Quy trình thu thập mẫu của xét nghiệm này cũng tương tự với quy trình của xét nghiệm Pap Smear/ Thinprep. Mẫu sau khi thu thập sẽ được tiến hành phân tích để kiểm tra xem liệu có sự hiện diện của các chủng HPV nguy cơ cao, có thể phát triển thành ung thư cổ tử cung hay không.
3.4. Soi cổ tử cung
Phương pháp này được sử dụng khi người bệnh có kết quả xét nghiệm sàng lọc cổ tử cung bất thường hoặc có một trong các triệu chứng của ung thư cổ tử cung.
Bác sĩ sẽ sử dụng mỏ vịt để mở âm đạo và dùng thiết bị chuyên dụng để quan sát cổ tử cung. Trường hợp người bệnh có các tổn thương bất thường, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện lấy một mẫu mô nhỏ (sinh thiết) để kiểm tra, phát hiện các tế bào ung thư.
Sàng lọc sớm ung thư là chìa khóa cho một tương lai hạnh phúc, chị em hãy nhớ việc sàng lọc ung thư cổ tử cung định kỳ để bảo vệ sức khỏe tốt nhất nhé!