Tiêm phòng viêm gan B để tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh là vô cùng cần thiết. Hiện nay, tiêm viêm gan B đã được áp dụng cho trẻ sơ sinh và được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh sẽ thắc mắc vì sao lại cần tiêm quá sớm cho trẻ như vậy? Ở giai đoạn sơ sinh sức đề kháng của trẻ còn yếu, việc tiêm phòng có đảm bảo sức khỏe cho trẻ hay không? Để giải đáp những lo lắng này, quý cha mẹ hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn những lý do nên tiêm chủng viêm gan B cho trẻ sơ sinh nhé!
Menu xem nhanh:
1. Giải thích: Tại sao cần tiêm vắc xin phòng viêm gan B cho trẻ sơ sinh?
Dưới đây là bốn lý do tại sao cha mẹ nên cho trẻ sơ sinh tiêm phòng vắc xin viêm gan B từ sớm:
– Tiêm vắc xin là cách tốt nhất để phòng ngừa lây truyền virus viêm gan B từ mẹ sang con. Trẻ sơ sinh khi bị nhiễm virus viêm gan B từ mẹ sẽ có nguy cơ tiến triển thành bệnh mãn tính lên tới 90% và khoảng 25% trong số đó sẽ tử vong vì ung thư gan và xơ gan (Số liệu thống kê từ Cục Y tế dự phòng).
– Việc tiêm vắc xin thực hiện càng sớm thì hiệu quả phòng bệnh càng cao. Với mũi tiêm trong 24 giờ có khả năng phòng được 85 đến 90% các trường hợp lây truyền từ mẹ sang con. Hiệu quả phòng ngừa sẽ giảm dần theo từng ngày từ 50 đến 57% và không đạt được hiệu quả phòng bệnh nếu tiêm sau 7 ngày.
– Không chỉ có hiệu quả tốt trong việc ngăn lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con trong quá trình sinh đẻ, việc tiêm phòng viêm gan B còn giúp trẻ sơ sinh được bảo vệ sớm, phòng lây nhiễm virus viêm gan B từ môi trường bên ngoài như các thành viên khác trong gia đình, người chăm sóc trẻ hoặc từ các trẻ khác qua tiếp xúc trực tiếp với vết xước, chảy máu.
– Nếu đã bị phơi nhiễm với virus ngay khi sinh, hãy tiêm vắc xin viêm gan B mũi 1 càng sớm càng tốt nhằm mục đích bảo vệ trẻ. Vắc xin sẽ giúp tạo ra kháng thể kịp thời trung hòa virus đang có trong cơ thể.
2. Tổng quan về vắc xin tiêm chủng viêm gan B dành cho trẻ sơ sinh
2.1. Thông tin cơ bản về vắc xin tiêm chủng viêm gan b cho trẻ sơ sinh
Vắc xin phòng viêm gan B giúp ngăn ngừa bệnh và các hậu quả do mắc viêm gan B gây ra như xơ gan, ung thư gan. Cho đến nay, chưa có thuốc đặc hiệu điều trị bệnh viêm gan B. Vậy nên tiêm vắc xin chính là cách hiệu quả để phòng lây truyền virus viêm gan B cho trẻ sơ sinh. Việc tiêm vắc xin được thực hiện càng sớm thì hiệu quả phòng bệnh càng cao
Tuy nhiên, không phải trẻ nào cũng có thể tiêm vắc xin phòng ngừa viêm gan B sau 24 giờ đầu tiên. Khi tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh, cha mẹ cần lưu ý chỉ tiêm khi trẻ đạt điều kiện đủ các điều kiện tiêm phòng. Chỉ nên tiêm phòng viêm gan B cho trẻ sơ sinh khi trẻ khi đạt đủ những điều kiện dưới đây:
– Nhịp thở ổn định.
– Da khỏe mạnh, hồng hào và không có các dấu hiệu bất thường.
– Trẻ bú tốt.
Trong trường hợp trẻ có dị tật bẩm sinh hay có biểu hiện sốt và một số biểu hiện bất thường khác, cha mẹ không nên tiêm phòng viêm gan B cho trẻ.
Đối với trường hợp sinh non, thiếu cân hay quá trình sinh nở của mẹ có bất thường khiến trẻ bị ngạt nước ối,… cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên môn trước khi quyết định tiêm phòng cho trẻ.
Những trường hợp không được tiêm sau 24 giờ đầu tiên thì nên tiêm bổ sung trong vòng 7 ngày sau sinh để đạt hiệu quả phòng bệnh tối đa.
2.2. Các loại vắc xin tiêm chủng viêm gan B cho trẻ sơ sinh
Vắc xin phòng viêm gan B loại đơn:
– Vắc xin Engerix B của công ty GSK được sản xuất tại Bỉ
– Vắc xin Euvax của công ty Sanofi Pasteur – Pháp, sản xuất tại Hàn Quốc.
– Vắc xin Immunohbs của công ty Kedrion được sản xuất tại Ý.
Vắc xin phòng viêm gan B loại phối hợp:
– Vắc xin Twinrix được sản xuất bởi công ty GSK – Bỉ, giúp phòng ngừa viêm gan A – viêm gan B
– Vắc xin Infanrix Hexa được sản xuất bởi công ty GSK – Bỉ, giúp phòng ngừa 6 bệnh truyền nhiễm bao gồm: bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, viêm phổi, viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib và viêm gan B.
– Vắc xin Hexaxim sản xuất bởi công ty Sanofi – Pháp, phòng ngừa 6 bệnh truyền nhiễm tương tự vắc xin Infanrix Hexa.
Với mỗi loại vắc xin, sẽ có phác đồ tiêm cụ thể khác nhau. Khi lựa chọn loại vắc xin để tiêm cho trẻ, cha mẹ nên hỏi trước bác sĩ để có lịch trình tiêm phù hợp.
3. Khi tiêm phòng viêm gan B cho trẻ sơ sinh, cần lưu ý những gì?
Khi tiêm phòng viêm gan B cho trẻ trong vòng 24 giờ đầu sau khi chào đời, cha mẹ cần lưu ý những điều sau.
Sau khi tiêm chủng, trẻ có thể xuất hiện một số phản ứng nhẹ. Vì vậy, cha mẹ nên cho trẻ ở lại cơ sở tiêm chủng trong vòng 30 phút để theo dõi sức khỏe rồi mới về nhà. Sau đó khi ở nhà, cha mẹ cần tiếp tục theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ, nếu phát hiện các biểu hiện bất thường ở trẻ cần báo ngay cho bác sĩ để xử trí kịp thời.
Trẻ có thể xảy ra một số phản ứng sau tiêm, chính vì thế cần lưu ý theo dõi và chăm sóc cho trẻ đúng cách. Tùy theo cơ địa, trẻ có thể xảy ra một số phản ứng sau khi tiêm vắc xin phòng viêm gan B như sau:
– Phản ứng tấy đỏ, gây đau ở vết tiêm. Điều này sẽ khiến trẻ cảm thấy khó chịu và quấy khóc.
– Trẻ có hiện tượng sốt nhẹ (dưới 38,5 độ C)
– Trong trường hợp trẻ sốt cao sau tiêm dù đã dùng thuốc hạ sốt nhưng không thuyên giảm, sốt kéo dài nhiều ngày, hay quấy khóc, mệt mỏi li bì, bỏ bú, khó thở, thở ngắt quãng, tím tái,… cha mẹ cần ngay lập tức đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và xử trí kịp thời.
Trên đây là những lý do mà cha mẹ nên tiêm phòng viêm gan B cho trẻ sơ sinh. Mong rằng cha mẹ sẽ cho trẻ tiêm phòng đầy đủ, giúp đem lại hiệu quả phòng bệnh tốt nhất cho trẻ.