Tầm soát ung thư là biện pháp hiệu quả giúp phát hiện những thay đổi về sức khỏe đáng lo ngại hoặc bệnh ung thư ở giai đoạn sớm, ngay cả khi chưa có triệu chứng. Vậy nếu kết quả tầm soát ung thư cổ tử cung bất thường thì chị em phụ nữ chúng ta nên xử lý như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn qua bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Tại sao cần xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung sớm?
Việc thực hiện tầm soát (sàng lọc) ung thư cổ tử cung là biện pháp giúp người bệnh tìm ra những biến đổi tế bào bất thường có nguy cơ dẫn tới ung thư cổ tử cung. Trong quá trình sàng lọc, người bệnh thường được hướng dẫn thực hiện phương pháp xét nghiệm như phết tế bào cổ tử cung (xét nghiệm Pap smear) và xét nghiệm HPV. Việc lấy mẫu bệnh phẩm để phục vụ cho xét nghiệm Pap smear và HPV có thể được thực hiện cùng một lúc và sẽ không gây nên tình trạng đau hoặc tổn thương ở phần phụ.
Những phương pháp sàng lọc ung thư cổ tử cung thường được thực hiện tuỳ vào độ tuổi của nữ giới. Cụ thể:
– Nữ giới nên bắt đầu tầm soát ung thư cổ tử cung ở tuổi 21.
– Nữ trong độ tuổi từ 21 – 29 nên tiến hành xét nghiệm Pap smear 3 năm/lần. Trong độ tuổi này, nữ giới thường không cần thiết phải thực hiện xét nghiệm HPV trừ khi kết quả xét nghiệm Pap smear thấy có bất thường.
– Phụ nữ độ tuổi từ 30 – 65 nên thực hiện xét nghiệm Pap smear và HPV định kỳ 5 năm/lần.
2. Làm gì khi nhận kết quả xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung bất thường
2.1. Kết quả xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung bất thường là như thế nào?
Kết quả xét nghiệm HPV bất thường
Nếu kết quả xét nghiệm HPV dương tính chứng tỏ bệnh nhân có một loại HPV nguy cơ cao và có thể dẫn tới ung thư cổ tử cung. Điều này không đồng nghĩa với việc bệnh nhân đang bị ung thư cổ tử cung tại thời điểm nhận kết quả. Tuy nhiên đó là một dấu hiệu cảnh báo rằng bệnh ung thư cổ tử cung có thể phát triển trong tương lai.
Kết quả xét nghiệm Pap Smear bất thường
– Thay đổi tế bào biểu mô gai không điển hình không rõ ý nghĩa (ASCUS) – phát hiện thấy các biến đổi ở trong tế bào cổ tử cung. Các biến đổi này hầu hết đều là dấu hiệu của nhiễm khuẩn HPV và là kết quả bất thường phổ biến nhất khi bệnh nhân thực hiện xét nghiệm Pap smear.
– Tổn thương nội biểu mô độ thấp (LSIL) – tế bào cổ tử cung cho thấy có sự biến đổi nhẹ, không có khuynh hướng phát triển thành ung thư. LSIL thường là dấu hiệu của tình trạng nhiễm khuẩn HPV có thể tự khỏi.
– Tổn thương nội biểu mô độ cao (HSIL) – những phát hiện bất thường có thể có khuynh hướng phát triển thành bệnh ung thư, cảnh báo nguy cơ tiền ung thư hoặc ung thư.
– Tế bào biểu mô tuyến không điển hình (AGC) – đã phát hiện những biến đổi ở tế bào biểu mô tuyến và là một dấu hiệu liên quan tới giai đoạn tiền ung thư và ung thư.
– Cần lưu ý rằng kết quả SIL không phải là chẩn đoán tiền ung thư hoặc ung thư và cũng không thể cho biết chính xác được mức độ nghiêm trọng của biến đổi ở tế bào cổ tử cung. Việc chẩn đoán tiền ung thư hoặc ung thư chỉ có thể được xác định sau khi người bệnh thực hiện sinh thiết cổ tử cung.
2.2. Làm gì tiếp theo sau khi nhận kết quả xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung bất thường?
Trong trường hợp nhận được kết quả xét nghiệm có sự xuất hiện của các tế bào bất thường thì bạn cũng không nên lo lắng quá. Nguyên nhân là bởi không phải tế bào bất thường nào cũng do ung thư gây nên, có thể sau đó những tế bào này sẽ trở lại bình thường.
Để chắc chắn những tế bào ấy có trở lại được bình thường hay không hoặc có nguy cơ tiến triển thành tế bào ung thư hay không,… thì bạn cần thực hiện thêm một số xét nghiệm bổ sung theo chỉ định của bác sĩ như:
– Phương pháp soi cổ tử cung và sinh thiết cổ tử cung: Thủ thuật soi cổ tử cung dùng máy soi để phát hiện bất thường và xác định sự cần thiết của sinh thiết cổ tử cung. Mẫu sinh thiết sau khi được thu thập được sẽ gửi đi làm xét nghiệm để làm căn cứ đưa ra chẩn đoán.
– Sinh thiết nội mạc tử cung: Nữ giới nhận được kết quả xét nghiệm Pap smear “Tế bào biểu mô tuyến không điển hình” có thể cần thực hiện xét nghiệm bổ sung này.
Trong trường hợp bị chảy máu âm đạo quá nhiều hoặc dai dẳng sau khi tầm soát, bạn cần liên hệ tới các bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và xử trí sớm nhất.
Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý lựa chọn cơ sở y tế uy tín để thăm khám nhằm đảm bảo quy trình an toàn và cho ra kết quả chính xác. Bởi kết quả xét nghiệm ung thư cổ tử cung có chính xác hay không cũng phụ thuộc rất lớn vào việc cơ sở y tế thực hiện tầm soát. Hiện nay, Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI đang là địa chỉ y tế nhận được nhiều sự tin chọn của người dân với những gói tầm soát sức khỏe đa dạng, trong đó có tầm soát ung thư cổ tử cung. Đến với TCI, người dân sẽ được trực tiếp thăm khám với đội ngũ bác sĩ hàng đầu cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại và phong cách phục vụ chuyên nghiệp – tận tâm.
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu hơn để xử trí khi nhận được kết quả tầm soát ung thư cổ tử cung gặp bất thường. Hãy luôn lưu ý đi tầm soát định kỳ để kịp thời phát hiện dấu hiệu bệnh và điều trị ngay khi còn có thể nhé!