Là bệnh ung thư không quá phổ biến, nhưng u tuyến tụy là một trong những tác nhân gây tử vong hàng đầu thế giới trong số các bệnh ung thư. Vì lẽ đó, y học khuyến cáo mọi người nên sàng lọc và điều trị ung thư tụy giai đoạn đầu.
Menu xem nhanh:
1. Làm thế nào để phát hiện điều trị ung thư tụy sớm?
Nhiều người luôn nhầm tưởng, khi được chẩn đoán mắc ung thư tức là đã nắm chắc “án tử” trong tay. Trên thực tế, nhiều bệnh ung thư khi được phát hiện sớm và điều trị đúng sẽ đem lại kết quả khả quan hơn rất nhiều.
1.1. Vai trò của việc phát hiện ung thư tụy giai đoạn đầu
Theo bảng xếp hạng Globocan, u tuyến tụy là bệnh ung thư đứng thứ 8 về độ phổ biến. Bệnh có triệu chứng mờ nhạt, dễ nhầm lẫn với các vấn đề tiêu hóa thông thường. Tuy nhiên, tiên lượng của ung thư tụy rất xấu. Nó di căn nhanh sang các cơ quan khác và nguy hiểm tới tính mạng.
Đáng buồn, người bệnh luôn chủ quan với các bất thường sức khỏe. Đa số chỉ đi khám khi xuất hiện các triệu chứng lâm sàng. Lúc này bệnh đã ở giai đoạn 3, 4, tỷ lệ tử vong khoảng 95%, tỷ lệ sống sau 5 năm là 5%. Ngược lại, những ca bệnh được phát hiện và chữa sớm khi mới ở giai đoạn khởi phát, tỷ lệ thành công lên tới 80%.
Do vậy, để có thể điều trị ung thư ở giai đoạn sớm, tăng khả năng chữa trị, các bác sĩ luôn khuyến cáo chúng ta nên tầm soát sức khỏe định kỳ 1-2 lần/năm. Các vấn đề bất thường, hay các bệnh lý nền có nguy cơ gây “án tử” cũng được sàng lọc để xử lý kịp thời. Ngoài ra, các bệnh ung thư khi được điều trị sớm sẽ tiết kiệm chi phí, thời gian, giảm đau đớn cho bệnh nhân rất nhiều so với khi phát hiện muộn.
1.2. Quy trình sàng lọc ung thư tụy từ giai đoạn đầu
Nhằm tầm soát và xác định giai đoạn phát triển của khối u tụy, bệnh nhân được thực hiện các danh mục thăm khám từ tổng quát tới chi tiết. Chúng được tổng hợp thành một quy trình khép kín, đầy đủ bao gồm:
Khám tổng quát
Bệnh nhân được tiến hành đo lường các thông số của cơ thể. Bác sĩ kiểm tra sơ bộ chức năng hoạt động của hệ tim mạch, hô hấp, tiêu hóa. Đồng thời hai bên cũng trao đổi thêm về tiền sử bệnh lý và bất thường của bệnh nhân nếu có.
Xét nghiệm
Gồm xét nghiệm cơ bản và xét nghiệm chuyên sâu sàng lọc u tụy. Xét nghiệm máu và nước tiểu giúp bác sĩ đánh giá chức năng hoạt động, bệnh lý và các tổn thương của máu, các tạng, gan, thận, phổi,… Xét nghiệm chỉ điểm khối u thông qua nồng độ chất CA 19-9. Nhờ đó bác sĩ tiên lượng khả năng mắc ung thư tụy hoặc chẩn đoán tình trạng phát triển bệnh.
Chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng
Tại bước này, bác sĩ sẽ sử dụng hình ảnh để quan sát bên trong ổ bụng, phát hiện vị trí, kích thước khối u. Phương pháp thường dùng là chụp Xquang tim phổi thẳng và siêu âm ổ bụng.
Kết thúc quy trình khám, bác sĩ sẽ tổng hợp và đưa ra kết luận về bệnh lý, tư vấn cải thiện sức khỏe và phác đồ điều trị nếu cần thiết.
2. Biểu hiện của ung thư tụy giai đoạn khởi phát
Quá trình phát triển của ung thư tụy chia thành 4 giai đoạn:
– Giai đoạn 1: Khối u kích thước dưới 2cm được hình thành trong tuyến tụy. Triệu chứng ung thư mờ nhạt hoặc không có triệu chứng
– Giai đoạn 2: Khối u phát triển từ 2 đến 4cm, xâm lấn các mô quanh tuyến tụy nhưng chưa ảnh hưởng đến các mạch máu
– Giai đoạn 3: Khối u có thể đạt kích thước trên 6cm. U xâm lấn vào máu và di căn tới các cơ quan lân cận
– Giai đoạn 4: Khối u bành trướng kích thước, xâm lấn đến những cơ quan xa hơn như gan, phổi, màng bụng,…
Ở giai đoạn khởi phát, các triệu chứng thường rất khó biết. Nhiều trường hợp không có bất kỳ dấu hiệu nào. Vì vậy bệnh nhân không thể tự cảm nhận và phát hiện bệnh. Đôi khi có thể dựa vào các biểu hiện của bệnh lý về đường tiêu hóa nói chung như:
– Đau bụng: Cơn đau nhẹ, râm ran, lan dần tới lưng. Bệnh càng nghiêm trọng cơn đau càng tăng dần
– Bệnh nhân có tiền sử mắc tiểu đường
– Chất thải có cục máu đông không rõ nguyên nhân
– Tiêu chảy
– Nước tiểu sẫm màu
– Vàng da, vàng mắt
– Sút cân không lý do
– Mệt mỏi, yếu ớt, ăn kém
Đây đều là các biểu hiện sơ bộ. Nếu có dấu hiệu ngày càng nghiêm trọng, bệnh nhân cần nhanh chóng tới gặp bác sĩ để có biện pháp xử lý ngay.
3. Điều trị ung thư tụy giai đoạn đầu như thế nào?
Tùy thuộc vào giai đoạn bệnh, bác sĩ sẽ áp dụng các phương pháp chữa trị khác nhau như:
– Phẫu thuật
– Hóa trị
– Xạ trị
– Điều trị nhắm đích
– Điều trị miễn dịch học
– Điều trị chăm sóc nâng đỡ bệnh nhân.
Đối với người bệnh đang ở giai đoạn đầu của ung thư tụy, khối u chưa kịp di căn ra ngoài. Bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật cắt bỏ khối u tụy. Tùy theo vị trí u ở đầu hay cuối tuyến mà cách thức phẫu thuật khác nhau. Hoạt động này yêu cầu đội ngũ y bác sĩ thực hiện có chuyên môn cao và dày kinh nghiệm thực tế. Bởi họ phải kiểm soát và chịu trách nhiệm trong suốt quá trình chữa.
Song song với đó, chỉ phẫu thuật loại bỏ khối u thôi chưa đủ. Vì nó có khả năng tái phát. Bệnh nhân sẽ được chỉ định liệu pháp hóa trị trước hoặc sau phẫu thuật. Mục đích của phương pháp nhằm tăng hiệu quả chữa bệnh và giảm thiểu nguy cơ tái phát.
Với trường hợp bệnh nhân ung thư tụy không thể phẫu thuật do bệnh đã tới giai đoạn sau, xạ trị và hóa trị sẽ là phương pháp được sử dụng. Tuy nhiên hiệu quả không cao và chủ yếu để kéo dài sự sống cho người bệnh.
Tóm lại, dù ung thư tụy nguy hiểm nhưng nếu chúng ta đủ hiểu biết và chủ động, có thể phát hiện được bệnh sớm, điều trị kịp thời. Nhờ đó giành lại sự sống trước tay “tử thần”.