Kinh nguyệt không đều ở tuổi 17 là tình trạng nhiều bạn gái ở tuổi dậy thì gặp phải. Nguyên nhân chính gây ra hiện tượng này chủ yếu là do vấn đề về sinh lý bình thường, nhưng đôi khi nó cũng là dấu hiệu cảnh báo những bất thường liên quan tới bệnh lý trong cơ thể. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu kỹ hơn về tình trạng rối loạn kinh nguyệt ở tuổi 17 với bài viết bên dưới đây nhé.
Menu xem nhanh:
1. Biểu hiện của kinh nguyệt không đều ở tuổi 17
1.1. Bất thường về chu kỳ kinh nguyệt
Với những bạn gái khỏe mạnh, mỗi một chu kỳ kinh nguyệt thường dao động từ 22 – 35 ngày, phổ biến nhất là khoảng 28 – 32 ngày. Tuy nhiên, nếu chu kỳ kinh nguyệt ít hơn 22 ngày hoặc dài hơn 35 ngày thì có nghĩa là vòng kinh của bạn không đều.
Các mức độ khác nhau của rối loạn kinh nguyệt ở tuổi 17 là:
– Tắc kinh: Xảy ra với những bạn gái 1 – 2 tháng mới bị hành kinh một lần và lượng máu ra chỉ nhỏ giọt.
– Vô kinh thứ phát: Xảy ra với những bạn gái 3 tháng trở lên mới bị hành kinh một lần.
1.2. Bất thường về thời gian hành kinh
Trung bình, số ngày có kinh của các bạn gái thường dao động từ 3 – 7 ngày, phổ biến nhất là từ 3 – 5 ngày. Trường hợp số ngày có kinh quá ngắn hoặc quá dài cũng được cho là rối loạn kinh nguyệt. Cụ thể là:
– Thiểu kinh: Số ngày có kinh nguyệt dưới 2 ngày.
– Rong kinh: Số ngày có kinh trên 7 ngày.
– Cường kinh: Số lượng máu kinh nguyệt chảy ra vừa nhiều lại vừa kéo dài.
– Rong huyết: Số lượng máu kinh ra liên tục nhiều ngày nhưng không theo chu kỳ nhất định.
2. Nguyên nhân gây ra tình trạng rối loạn kinh nguyệt ở tuổi 17
2.1. Do rối loạn nội tiết tố nữ tự nhiên
Rối loạn nội tiết tố nữ tự nhiên là thủ phạm chủ yếu gây ra hiện tượng kinh nguyệt không đều ở những bạn gái trong độ tuổi 17. Riêng ở độ tuổi dậy thì, cơ thể của các bạn gái sẽ phải trải qua rất nhiều sự thay đổi lớn. Lúc này, hệ thống nội tiết tố nữ của cơ thể sẽ bắt đầu đi vào hoạt động. Vì vậy, chúng chưa thực sự linh hoạt và phải mất vài năm thì hệ thống này mới ổn định, khi đó hàm lượng hormone estrogen và progesterone mới cân bằng.
Bên cạnh đó, nội tiết tố nữ cũng có thể gây ra tình trạng rối loạn kinh nguyệt ở tuổi 17 vì một số lý do sau:
– Căng thẳng, mệt mỏi lâu ngày
– Chế độ dinh dưỡng không khoa học
– Tập luyện thể dục, thể thao quá sức
– Rối loạn ăn uống hoặc giảm cân
– Thực hiện các biện pháp ngừa thai hoặc tác dụng phụ của các loại thuốc
2.2. Do mắc phải hội chứng buồng trứng đa nang
Triệu chứng phổ biến nhất của hội chứng buồng trứng đa nang là vô kinh, một năm chỉ bị hành kinh khoảng 2 – 4 lần. Cùng với đó, các bạn gái có thể thấy xuất hiện những dấu hiệu như ria mép rậm rạp, lông tay chân, giọng nói ồm, nhiều mụn trứng cá. Khi siêu âm vùng chậu sẽ phát hiện ra buồng trứng bất thường với những u nang nhỏ mọc sát nhau. Đây là căn bệnh nguy hiểm gây ra tình trạng vô sinh, hiếm muộn ở nữ giới. Vì vậy, khi thấy tình trạng vô kinh kéo dài, phụ huynh nên đưa con đi thăm khám để biết rõ nguyên nhân và phương pháp điều trị kịp thời.
2.3. Rối loạn chức năng tuyến giáp
Tuyến giáp là nơi sản xuất hormone thyroxin và triiodothyronin thực hiện chức năng trao đổi chất trong cơ thể. Nếu 2 loại hormone này dư thừa sẽ khiến bạn gái có nguy cơ bị thiểu kinh. Còn nếu 2 loại hormone này tiết ra quá ít sẽ khiến các bạn gái có nguy cơ bị rong kinh.
2.4. Suy buồng trứng nguyên phát
Nếu buồng trứng sản xuất ra quá ít hormone estrogen thì kinh nguyệt của các bạn gái sẽ bị ít đi, thậm chí là bị mất kinh. Căn bệnh này có thể hình thành từ giai đoạn dậy thì hoặc do bẩm sinh.
2.5. Một số nguyên nhân khác
Tình trạng rối loạn kinh nguyệt ở tuổi 17 có thể do một số nguyên nhân khác như: u xơ tử cung, khối u tuyến yên, dị tật đường sinh dục (không có tử cung, màng ngăn âm đạo,…), tăng sản tuyến thượng thận, bệnh tự miễn, hội chứng Turner,…
3. Cách điều trị tình trạng rối loạn kinh nguyệt ở tuổi 17
Rối loạn kinh nguyệt ở tuổi 17 gây ra rất nhiều phiền toái cho bạn gái trong học tập và sinh hoạt hàng ngày. Vì vậy, khi thấy tình trạng này, các bạn gái nên áp dụng ngay những mẹo bên dưới đây:
3.1. Thiết kế chế độ ăn uống hợp lý, giúp điều hòa kinh nguyệt
Nếu ăn uống đúng cách, giàu dinh dưỡng thì nội tiết tố trong cơ thể của các bạn gái sẽ ổn định hơn và hệ miễn dịch cũng sẽ tốt hơn. Để phòng ngừa và điều hòa kinh nguyệt, các bạn gái nên:
– Ăn uống đủ bữa và đủ chất với các nhóm dinh dưỡng cần thiết gồm đạm, tinh bột, chất khoáng và vitamin.
– Ăn nhiều trái cây, rau xanh hoặc các loại thực phẩm giàu sắt như hải sản, thịt đỏ, trứng,… để tái tạo hồng cầu.
– Không nên bỏ bữa, nhịn ăn hoặc thực hiện những chế độ ăn kiêng hà khắc.
– Không uống rượu bia và sử dụng các loại chất kích thích như hút thuốc lá,…
– Hạn chế uống nước ngọt có gas và những loại thực phẩm chế biến sẵn, đặc biệt là các món ăn quá ngọt, quá mặn hoặc quá cay.
3.2. Tập luyện thể dục, thể thao vừa phải
Tập thể dục thể thao là thói quen tốt giúp cải thiện tinh thần và thể chất của các bạn gái. Tuy nhiên, nếu tập luyện quá nhiều, với cường độ liên tục, trong một khoảng thời gian dài sẽ khiến bạn có nguy cơ bị vô kinh. Do đó, các bạn chỉ nên tập luyện những môn thể thao nhẹ nhàng, vừa sức, với thời gian khoảng 30 phút mỗi ngày như đi bộ, bơi lội,…
3.3. Quản lý căng thẳng, mệt mỏi
Căng thẳng, mệt mỏi sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các dây thần kinh ở trong não bộ và tác động đến vùng dưới đồi. Khi chức năng não bộ bị rối loạn thì hoạt động của buồng trứng cũng sẽ bị ảnh hưởng theo. Vì vậy, để tránh căng thẳng và mệt mỏi, các bạn gái nên:
– Dành thời gian để làm những việc mà mình yêu thích như nghe nhạc, đọc sách,…
– Dành thời gian để trò chuyện với bạn bè và người thân để giải tỏa những nỗi lo của bản thân trong học tập cũng như cuộc sống hàng ngày.
– Hít thở sâu hoặc tập yoga khi căng thẳng, mệt mỏi.
– Ngủ đủ giấc mỗi ngày từ 7 – 9 tiếng và không nên thức khuya.
Hy vọng bài viết của chúng tôi ở trên đây đã giúp các bạn gái có cái nhìn tổng quan nhất về tình trạng kinh nguyệt không đều ở tuổi 17. Ngay khi thấy kinh nguyệt có dấu hiệu bất thường, các bạn gái nên cùng phụ huynh tới các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và kiểm tra cụ thể.