Viễn thị là một trong ba tật khúc xạ phổ biến, đặc trưng với tình trạng nhìn thấy rõ ràng những vật ở xa nhưng lại gặp khó khăn khi tập trung nhìn những vật ở cự ly gần. Hiện nay, cách đơn giản nhất để cải thiện tầm nhìn cho người bị viễn thị là sử dụng kính, tuy nhiên không phải ai cũng biết cách lựa chọn kính mắt viễn thị phù hợp.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu về bệnh viễn thị
1.1. Định nghĩa
Viễn thị (Hyperopia) là một tật khúc xạ phổ biến bên cạnh cận thị và loạn thị. Ở người bình thường, các tia sáng phải đi qua trước mắt, sau đó giác mạc và thủy tinh thể phối hợp để đưa ánh sáng vào võng mạc, từ đó võng mạc gửi tín hiệu đến não cho phép con người nhìn rõ vật. Tuy nhiên ở người viễn thị, điểm hội tụ của ánh sáng sẽ rơi vào phía sau thay vì vào đúng võng mạc khiến người bệnh nhìn rõ vật ở xa còn vật ở gần thì mờ. Những người bị viễn thị nặng có thể nhìn mờ bất kể khoảng cách.
Viễn thị có xu hướng di truyền, tình trạng này có thể được khắc phục bằng việc sử dụng loại kính gọng, kính áp tròng mềm hoặc kính áp tròng cứng (ortho – k) phù hợp.
1.2. Nguyên nhân
Có nhiều yếu tố có thể dẫn đến tình trạng viễn thị, trong đó tính di truyền chiếm một phần. Nếu bố mẹ bị viễn thị thì đời con cái cũng có nguy cơ cao mắc bệnh. Tuy nhiên, dù bố mẹ không bị viễn thị, đời con vẫn có khả năng mắc bệnh. Theo đó, hai nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng viễn thị là:
– Nhãn cầu ngắn: Người bị viễn thị có nhãn cầu tương đối ngắn, bác sĩ thường gọi là tình trạng giảm chiều dài trục.
– Giác mạc phẳng: Người bị viễn thị có giác mạc phẳng hơn bình thường.
Ở người bình thường giác mạc sẽ hơi cong giúp ánh sáng đi vào mắt ở một góc phù hợp để hội tụ đúng ở võng mạc. Trong trường hợp giác mạc phẳng hay nhãn cầu ngắn, ánh sáng đi vào mắt sẽ không thể hội tụ đúng tại võng mạc mà rơi vào sau, khiến ảnh của vật ở gần trở nên mờ. Trong một số trường hợp các bộ phận khác của mắt có thể điều chỉnh để giúp nhìn rõ nhưng khi mắt bị viễn thị nặng sẽ cần đến sự trợ giúp của kính hoặc các biện pháp khác để tập trung.
1.3. Dấu hiệu nhận biết
Người bị viễn thị có thể không nhận thấy vấn đề gì với tầm nhìn của mình, nhưng nếu mắt cần làm việc nhiều hơn để nhìn rõ thì sẽ xuất hiện một vài triệu chứng như sau:
– Nhìn mờ, đặc biệt đối với những vật ở cự ly gần.
– Khó nhìn vào buổi tối.
– Mỏi mắt, nóng rát và đau nhức xung quanh mắt.
– Khó đọc.
Tình trạng viễn thị khi trở nên nặng sẽ gây ra một vài biến chứng bao gồm lác mắt và nhược thị.
2. Lưu ý khi lựa chọn kính mắt viễn thị
2.1. Tìm hiểu về kính mắt viễn thị
Thấu kính sử dụng trong kính viễn thị là một thấu kính hội tụ hay còn gọi là kính cầu lồi, giúp đưa điểm ảnh từ sau vào đúng võng mạc, cải thiện thị lực của người bệnh. Hiện nay có 3 loại kính mắt được sử dụng phổ biến trong điều trị tật viễn thị là kính gọng, kính áp tròng mềm và kính áp tròng cứng (ortho – k).
Kính gọng
Kính gọng viễn thị tương tự với kính gọng thông thường với những ưu điểm như tiện lợi, an toàn để sử dụng và giá thành phải chăng. Bên cạnh việc cải thiện tầm nhìn của người bệnh, kính gọng cũng bảo vệ đôi mắt khỏi những tác nhân bên ngoài. Ngoài ra kính gọng sẽ không tác động trực tiếp đến mắt như kính áp tròng, hạn chế tối đa tình trạng khô mắt, khó chịu, trầy xước giác mạc hay nhiễm trùng.
Vấn đề lớn nhất của kính gọng đối với nhiều người có lẽ là thẩm mỹ, tuy nhiên hiện tại trên thị trường lưu hành rất nhiều loại gọng kính có thiết kế mang tính thẩm mỹ cao. Ngoài ra khi trời mưa, người đeo kính gọng có thể gặp khó khăn.
Kính áp tròng mềm
Kính áp tròng mềm có độ cong và ôm sát giác mạc. So với kính gọng thì loại kính này giúp người đeo thoải mái, gọn gàng hơn và có thể sử dụng trong bất kỳ hoàn cảnh nào mà không gây khó khăn. Kính áp tròng cũng có nhiều màu sắc cho người đeo lựa chọn.
Tuy nhiên kính áp tròng khá khó sử dụng đối với người mới và có yêu cầu cao về tính vệ sinh. Ngoài ra nếu đeo kính không đúng cách có thể khiến mắt cộm đau, khó chịu, giác mạc bị trầy xước, viêm loét hoặc nhiễm trùng. Ngoài ra so với kính gọng, giá thành của kính áp tròng mềm tương đối cao.
Kính áp tròng cứng (ortho – k)
Ortho – k là một loại kính áp tròng cứng giúp khôi phục hình dạng giác mạc trở lại như ban đầu, từ đó ánh sáng hội tụ đúng tại võng mạc khiến tầm nhìn trở nên rõ ràng. Kính có thể điều trị cả 3 tật khúc xạ cận viễn loạn, được thiết kế đeo trong lúc ngủ giúp đem lại tầm nhìn rõ ràng bất kể khoảng cách vào ban ngày cho người bệnh.
Nhiều thông tin cho rằng đeo ortho – k trong thời gian dài có thể giúp giảm độ viễn, thậm chí là khỏi tật khúc xạ. Tuy nhiên người bệnh cần tìm hiểu thật kỹ về phương pháp này, tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định. Ngoài ra kính ortho – k sẽ có giá thành cao hơn nhiều so với hai loại kính kể trên.
2.2. Lưu ý để lựa chọn kính mắt viễn thị phù hợp
Tùy vào nhu cầu và điều kiện kinh tế, người bị viễn thị có thể lựa chọn loại kính mắt phù hợp cho bản thân. Tuy nhiên, nhìn chung người bệnh cần lưu ý những điểm dưới đây khi lựa chọn kính:
– Sử dụng kính đúng độ viễn giúp đạt được tầm nhìn tối đa và đem lại cảm giác thoải mái nhất cho mắt.
– Đối với kính gọng cần lựa chọn loại gọng phù hợp, thoải mái và vừa vặn với mặt khi đeo. Ngoài ra cần lưu ý thêm về độ chiết suất của mắt kính (độ chiết suất càng cao kính càng mỏng và ngược lại), khả năng chống lóa và ánh sáng xanh của mắt kính.
– Chọn kính chính hãng để bảo vệ đôi mắt của bạn và đảm bảo chất lượng thị lực.
– Kiểm tra mắt tại những cơ sở y tế uy tín trước khi chọn kính để biết chính xác độ viễn của bạn.
2.3. Lưu ý trong quá trình sử dụng kính viễn thị
Ngoài việc chú trọng cách chọn kính mắt viễn thị, bạn cần ghi nhớ thêm những điều sau trong quá trình sử dụng kính:
– Đối với kính gọng: Bảo quản trong hộp khi không sử dụng, không úp kính xuống bàn để tránh trầy xước mắt kính.
– Đối với kính áp tròng: Tuyệt đối tuân thủ quy trình sử dụng, lưu ý hạn sử dụng của kính, giữ vệ sinh kính để tránh nguy cơ nhiễm trùng mắt.
– Thay số kính định kỳ để đảm bảo độ viễn luôn đúng.
– Khám chuyên khoa mắt định kỳ hoặc bất cứ khi nào nhận thấy những dấu hiệu bất thường. Lưu ý lựa chọn những cơ sở uy tín để được tư vấn chính xác nhất.
Trên đây là những thông tin chung về kính mắt viễn thị. Hi vọng bài viết đã giải đáp được thắc mắc của bạn và nếu bạn còn bất kỳ câu hỏi nào, hãy liên hệ ngay đến Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI để được giải đáp.