Viêm xoang là tình trạng viêm hoặc sưng của lớp niêm mạc ở các xoang. Thông thường xoang chứa đầy không khí nhưng khi xoang bị tắc nghẽn và chứa đầy các chất nhầy, vi khuẩn, virus và nấm có thể phát triển và gây bệnh. Nguyên nhân phổ biến dẫn đến viêm xoang bao gồm cảm lạnh, viêm mũi dị ứng, polyp mũi hoặc lệch vách ngăn. Viêm xoang có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn.
Menu xem nhanh:
Viêm xoang có những loại nào?
Có nhiều loại khác nhau của viêm xoang bao gồm:
- Viêm xoang cấp tính: thường kéo dài khoảng 4 tuần hoặc ít hơn với các triệu chứng tương tự như bị cảm lạnh, chẳng hạn chảy nước mũi, nghẹt mũi và đau đớn trên khuôn mặt.
- Viêm xoang bán cấp: bệnh thường kéo dài từ 4 – 8 tuần.
- Viêm xoang mạn tính: đặc trưng bởi tình trạng các triệu chứng viêm xoang kéo dài hơn 8 tuần.
- Viêm xoang tái phát: bệnh xuất hiện nhiều lần trong vòng một năm.
Ai dễ mắc bệnh viêm xoang?
Những người có các điều kiện sau có nguy cơ cao bị bệnh viêm xoang:
- Niêm mạc mũi bị sưng, chẳng hạn do cảm lạnh thông thường.
- Có polyp mũi
- Có dị hình cấu trúc giải phẫu như: vách ngăn mũi dày, vẹo, lệch hoặc mào vách ngăn…
- Người có cơ địa dị ứng
- Mắc các bệnh có thể làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng như khiếm khuyết hệ miễn dịch hoặc dùng thuốc ức chế hệ miễn dịch.
- Người nghiện thuốc lá
- Người thường xuyên làm việc trong môi trường khói, bụi, nấm mốc, hóa chất…
Triệu chứng của bệnh viêm xoang
Các dấu hiệu và triệu chứng của viêm xoang cấp tính bao gồm:
- Đau nhức vùng mặt
- Nghẹt mũi
- Chảy nước mũi
- Điếc mũi
- Ho/tắc nghẽn
Ngoài ra còn có các triệu chứng khác như sốt, hôi miệng, mệt mỏi và đau nhức vùng răng. Viêm xoang cấp tính có thể được chẩn đoán khi một người có một hoặc hai triệu chứng nêu trên và/hoặc chảy nước mũi đặc, màu vàng hoặc xanh lá cây.
Các dấu hiệu và triệu chứng của viêm xoang mạn tính:
Những người bị viêm xoang mạn tính có thể các triệu chứng sau đây trong hơn 8 tuần hoặc nhiều hơn:
- Đau và sưng vùng xung quanh mắt, má, mũi hoặc trán
- Nghẹt mũi, gây khó thở
- Chảy nước mũi đặc, mủ màu vàng hoặc xanh lá cây thường chảy nước mũi xuống họng.
- Giảm khứu giác và vị giác.
Các triệu chứng khác của bệnh viêm xoang mạn tính có thể là hôi miệng, mệt mỏi, buồn nôn, ho (thường vào ban đêm), đau tai, đau ở vùng xương hàm và răng hàm trên, đau họng.
Làm thế nào để chẩn đoán viêm xoang?
Để chẩn đoán viêm xoang, bác sĩ sẽ xem xét các triệu chứng và tiến hành khám lâm sàng. Người bệnh cũng có thể được chỉ định thực hiện một số xét nghiệm khác để xác định nguyên nhân gây viêm xoang, chẳng hạn như nội soi mũi xoang, chụp X quang , chụp CT scan xoang, xét nghiệm máu, phản ứng dị ứng hoặc hút dịch từ các xoang bị bệnh để kiểm tra giúp phát hiện vi khuẩn.
Bệnh viêm xoang được điều trị như thế nào?
Điều trị viêm xoang phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Viêm xoang cấp tính: với các trường hợp mắc viêm xoang cấp tính, người bệnh có thể điều trị bằng thuốc thông mũi như Sudafed và xông xoang mũi họng. Các loại thuốc thông mũi dạng thuốc nhỏ hoặc hoặc thuốc xịt cũng có hiệu quả trong việc kiểm soát triệu chứng. Tuy nhiên cần lưu ý không sử dụng những loại thuốc này quá thời gian khuyến cáo, thường là 4 – 5 ngày, lạm dụng có thể làm tăng tình trạng tắc nghẽn. Điều trị bằng thuốc kháng sinh thường kéo dài từ 10 – 14 ngày. Nếu điều trị, các triệu chứng của bệnh sẽ biến mất và lúc này không cần phải điều trị bằng thuốc kháng sinh nữa.
Viêm xoang mạn tính: không khí ẩm có thể làm giảm bớt tình trạng tắc nghẽn ở xoang. Máy tạo độ ẩm hoặc xông hơi nước nóng cũng là cách hiệu quả để hạn chế tình trạng tắc nghẽn này. Gạc ấm rất hữu ích để giảm đau ở mũi và xoang. Thuốc nhỏ mũi Saline cũng an toàn khi sử dụng ở nhà. Sử dụng thuốc thông mũi dạng nhỏ hoặc dạng xịt tự kê đơn cũng có hiệu quả trong việc cải thiện các triệu chứng của viêm xoang, tuy nhiên không nên dùng vượt quá mức khuyến cáo. Thuốc kháng sinh hay steroid đường uống cũng có thể được sử dụng trong điều trị viêm xoang mạn tính.
Các lựa chọn điều trị khác cho bệnh viêm xoang
Xác định các yếu tố nguy cơ là một bước quan trọng cần thực hiện đầu tiên trong việc kiểm soát bệnh viêm xoang. Để giảm bớt tình trạng tắc nghẽn do viêm xoang, bác sĩ có thể kê đơn thuốc xịt mũi, thuốc nhỏ mũi hoặc thuốc thông mũi miệng. Với các trường hợp viêm xoang mạn tính nghiêm trọng, steroid đường uống có thể được dùng để giảm viêm, thường chỉ khi các loại thuốc khác không có hiệu quả. Thuốc kháng sinh được áp dụng với các trường hợp viêm xoang do vi khuẩn. Thuốc kháng histamin được khuyến cáo để điều trị viêm xoang do dị ứng. Trong khi đó thuốc chống nấm dành cho những người mắc bệnh viêm xoang do nấm. Immunoglobulin (kháng thể) có thể được áp dụng cho những người có một số thiếu sót hệ miễn dịch.
Điều gì sẽ xảy ra nếu không điều trị viêm xoang?
Trì hoãn điều trị viêm xoang có thể dẫn tới tình trạng đau và khó chịu. Trong những trường hợp hiếm gặp, viêm xoang không điều trị có thể dẫn đến viêm màng não, áp xe não hoặc viêm xương tủy nhiễm khuẩn.