Nhiều người, đặc biệt là các chị em phụ nữ hay mất ngủ về đêm nên coi chừng bệnh lý ở tuyến giáp. Theo thống kê cứ 8 phụ nữ thì có 1 người gặp vấn đề về tuyến giáp, trong đó gần 60% các chị em mắc bệnh nhưng không hề hay biết. Mệt mỏi, hay mất ngủ về đêm, hồi hộp, chân tay yếu, kiệt sức,… là những dấu hiệu điển hình cảnh báo bệnh lý tuyến giáp mà các chị em không nên bỏ qua.
Menu xem nhanh:
1. Vì sao bệnh tuyến giáp “ghé thăm” phụ nữ nhiều hơn nam giới?
Bệnh tuyến giáp thường gặp nhiều ở nữ giới, trung bình cứ 8 phụ nữ thì có 1 người gặp vấn đề về tuyến giáp. Tỷ lệ mắc bệnh tuyến giáp ở phụ nữ cao hơn nam giới gấp 10 lần.
Chính sự khác biệt trong cấu tạo cơ thể người phụ nữ đã tạo ra điều này. Bởi vốn dĩ phụ nữ phải trải qua biến động trong nội tiết tố ở nhiều thời kỳ và giai đoạn khác nhau như: trong chu kỳ kinh nguyệt, khi mang thai, sau khi sinh, thời kỳ tiền mãn kinh, ảnh hưởng của việc sử dụng thuốc tránh thai, tiền sử thai nghén, nhiều mối lo nghĩ trong cuộc sống,… Chính những thay đổi này đã tác động tới hormone tuyến giáp, khiến tỷ lệ nữ giới gặp các vấn đề về tuyến giáp cao hơn hẳn nam giới.
2. Bệnh tuyến giáp có nguy hiểm không?
Nhiều người ví von bệnh tuyến giáp qua cụm từ: lành nhưng không hiền. Điều này có nghĩa là đa số các bệnh về tuyến giáp thường lành tính, không chuyển sang ung thư. Nhưng vẫn có khoảng 5-10% trường hợp nhân tuyến giáp có chứa tế bào ác tính (ung thư tuyến giáp). Ngoài ra, bệnh gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, cũng như vẻ thẩm mỹ của các chị em.
Bệnh về tuyến giáp thường dễ bị bỏ sót do biểu hiện không rõ ràng, phát triển chậm, dễ nhầm lẫn với bệnh khác nên người bệnh thường chủ quan hoặc không được chẩn đoán (chiếm tỷ lệ 20-60% trong tổng số người mắc bệnh tuyến giáp). Chính điều này đã khiến cho việc thăm khám và điều trị trở nên khó khăn hơn, nhiều chị em khi phát hiện thì bệnh đã bước sang giai đoạn nặng hơn.
3. Vì sao mắc bệnh tuyến giáp lại hay mất ngủ về đêm?
Khi tuyến giáp bất ổn sẽ có những dấu hiệu cảnh báo mà nếu chú ý thật kỹ các chị, em có thể nhận ra điều này. Đó chính là các biểu hiện mệt mỏi, chân tay yếu, kiệt sức; hay mất ngủ về đêm, hồi hộp,…
3.1 Mệt mỏi, chân tay yếu, kiệt sức
Khi tuyến giáp sản xuất quá ít hormone (suy giáp) khiến serotonin trong não (hormone giúp cơ thể cảm thấy thoải mái, vui vẻ) không được cung cấp đủ, gây tình trạng mệt mỏi.
Bên cạnh đó, khi tuyến giáp hoạt động quá mức, sẽ khiến chức năng trao đổi chất diễn ra nhanh chóng làm người bệnh mất năng lượng dễ gây mệt mỏi, yếu cơ, run tay chân, tim đập nhanh.
3.2 Hồi hộp
Lo lắng, căng thẳng, run rẩy, cáu kỉnh, thay đổi tâm trạng, hay quên,… thường gặp ở phụ nữ mắc bệnh suy giáp. Sự rối loạn về sản xuất hormone từ tuyến giáp đã kích thích làm tăng nhịp tim và sức bơm máu, khiến huyết áp thất thường (cường giáp khiến huyết áp bị chậm, còn suy giáp khiến huyết áp tăng nhanh).
3.3 Hay mất ngủ về đêm
Chính sự rối loạn quá trình sản xuất hormone trong cơ thể, khiến người mắc bệnh lý tuyến giáp cảm thấy mệt mỏi, trầm cảm, lo âu, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến giấc ngủ đặc biệt là giấc ngủ ban đêm.
Nếu bệnh lý tuyến giáp được điều trị ổn định thì tình trạng hay mất ngủ về đêm sẽ ít tái diễn. Vì giấc ngủ rất quan trọng, nếu hay mất ngủ về đêm sẽ khiến cơ thể của các chị, em luôn trong trạng thái mệt mỏi, uể oải, kiệt sức, mất tập trung, dễ cáu gắt, da dẻ sạm và khô, tóc xơ và dễ gãy rụng, bọng mắt to và mắt thâm quầng, … Nếu tình trạng này kéo dài có thể khiến người bệnh sụt cân, trầm cảm, kéo theo rất nhiều bệnh lý nguy hiểm như tăng huyết áp, tiểu đường, ….
Để khắc phục tình trạng hay mất ngủ về đêm do bệnh tuyến giáp gây ra, người bệnh cần thăm khám với bác sĩ chuyên khoa Nội tiết để xem đó là bệnh lý gì và phương án điều trị như thế nào. Nếu cần sử dụng thuốc (điều trị nội khoa) bác sĩ chuyên khoa Nội tiết sẽ cho bạn dùng thuốc. Nếu cần can thiệp cận lâm sàng hay phẫu thuật, bác sĩ sẽ có chỉ định can thiệp cận lâm sàng hoặc phẫu thuật. Khi tìm ra nguyên nhân và điều trị đúng bệnh thì các triệu chứng sẽ thuyên giảm.
Song song với việc điều trị bệnh, bác sĩ sẽ cân nhắc kê thuốc an thần để giúp bạn ít bị mất ngủ về đêm. Cùng với đó là kết hợp xây dựng kế hoạch ăn, uống, sinh hoạt lành mạnh để hạn chế tối đa các triệu chứng do bệnh tuyến giáp gây ra.
4. Các bệnh tuyến giáp thường gặp ở phụ nữ là gì?
Viêm giáp, bướu giáp, suy giáp, cường giáp, ung thư tuyến giáp là những bệnh lý tuyến giáp thường gặp ở phụ nữ.
Viêm giáp là tình trạng viêm nhiễm gây tổn thương tuyến giáp do nhiễm virus, vi khuẩn, thuốc hoặc rối loạn miễn dịch. Viêm giáp có 3 loại gồm: viêm tuyến giáp cấp tính, viêm tuyến giáp bán cấp tính và viêm tuyến giáp mạn tính. Nếu không điều trị kịp thời, viêm giáp có thể gây tình trạng suy giáp và/hoặc cường giáp.
Suy giáp là khi tuyến giáp sản xuất hormone không đủ để giữ cho cơ thể hoạt động bình thường, sẽ gây thiếu hụt hormone và dẫn đến suy giáp. Ngược lại, khi tuyến giáp tăng tiết hormone vượt quá nhu cầu cho phép của cơ thể, sẽ gây cường giáp.
Bướu/nhân tuyến giáp hay bướu lành tuyến giáp là tình trạng tuyến giáp phình to nhưng không có rối loạn hoạt động của tuyến giáp. Có thể gặp dưới dạng: bướu lan tỏa hoặc dạng đơn nhân hoặc đa nhân tuyến giáp. Nguyên nhân do sự thiếu hụt i-ốt.
Còn ung thư tuyến giáp xảy ra khi tuyến giáp bị các tế bào ác tính tấn công, gây rối loạn chức năng tuyến giáp. Đa số ung thư tuyến giáp tiến triển âm thầm, chậm chạp và kéo dài, chỉ đến khi tình trạng nặng mới biểu hiện rõ ra bên ngoài.
Theo một nghiên cứu đã chỉ ra, tỷ lệ ung thư tuyến giáp thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn gấp 3 lần nam giới, đặc biệt bệnh thường gặp ở phụ nữ trẻ trong độ tuổi từ 20-50 tuổi.
Khi có các biểu hiện trên, chị em nên tìm đến cơ sở y tế uy tín có bác sĩ chuyên khoa Nội tiết để được kiểm tra, làm các xét nghiệm tầm soát bệnh lý về tuyến giáp như FT3, FT4, TSH, Anti – TPO, Anti TG và siêu âm tuyến giáp. Theo nghiên cứu, nếu phát hiện sớm bệnh lý tuyến giáp đặc biệt là ung thư tuyến giáp sẽ giúp tăng tỷ lệ điều trị thành công hơn 90%, vì vậy nếu có triệu chứng nghi ngờ hãy thăm khám luôn bạn nhé.