Khám tiền hôn nhân giúp các cặp đôi dự phòng được các bệnh lý về sinh sản đồng thời phát hiện sớm những yếu tố gây vô sinh và các bệnh di truyền khác. Đây là bước đầu tiên để giúp họ giữ gìn hạnh phúc gia đình trong tương lai. Vậy khám tiền hôn nhân là khám những gì? Liệu có bắt buộc hay không? Tìm câu trả lời trong bài viết này bạn nhé!
Menu xem nhanh:
1. Khám tiền hôn nhân liệu có bắt buộc?
Trên thế giới đã có nhiều quốc gia áp dụng quy định thăm khám tiền hôn nhân đối với các cặp đôi trước khi về chung một nhà. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện vẫn chưa có quy định nào bắt buộc các cặp đôi phải khám sức khỏe sinh sản. Mặc dù chưa có quy định bắt buộc nhưng việc thăm khám tiền hôn nhân là cực kỳ cần thiết. Khi đi khám, các cặp đôi sẽ biết rõ tình trạng sức khỏe của bạn đời, không chỉ những vấn đề liên quan đến vô sinh hiếm muộn mà còn một số bệnh lây truyền qua đường tình dục như: Lậu, giang mai, sùi mào gà, viêm gan B,… từ đó tìm ra cách điều trị phù hợp. Bên cạnh đó, điều này cũng giúp cho các cặp đôi định hướng tốt hơn cho cuộc sống hôn nhân của mình, đảm bảo sức khỏe chính mình và con cái sau này.
Như vậy, khám tiền hôn nhân là không bắt buộc nhưng đây là việc làm cần thiết, các chuyên gia đều khuyến cáo rằng các cặp đôi nên đi khám sức khỏe sinh sản 3 – 6 tháng trước khi kết hôn.
2. Tìm hiểu khám tiền hôn nhân là khám những gì?
Khám tiền hôn nhân là khám sức khỏe sinh sản nhằm phát hiện những nguy cơ bệnh tật ở cả nam giới và nữ giới. Khám tiền hôn nhân sẽ bao gồm những danh mục khám dưới đây:
2.1. Khám tiền hôn nhân là khám những gì đối với nam giới?
Theo thống kê, nam giới chiếm tới 40% nguyên nhân gây vô sinh hiếm muộn. Bên cạnh đó, nam giới cũng có nhiều nguy cơ mắc các bệnh tình dục và nhiều bệnh lý di truyền khác. Việc thăm khám sức khỏe tiền hôn nhân sẽ giúp nam giới nắm rõ thể trạng của mình, kịp thời phát hiện các bệnh liên quan đến tình dục, sinh sản (nếu có) để điều trị.
Một số danh mục khám tiền hôn nhân dành cho nam giới bao gồm:
– Khám sức khỏe lâm sàng
– Khám tổng quát nam khoa
– Xét nghiệm máu, nước tiểu
– Chụp X-Quang
– Xét nghiệm tinh dịch đồ
– Siêu âm ổ bụng
Ngoài ra, nam giới có thể thực hiện thêm các danh mục khám khác nếu như có nhu cầu.
2.2. Khám tiền hôn nhân là khám những gì đối với nữ giới?
Khám tiền hôn nhân với nữ giới cũng vô cùng quan trọng, bởi sau khi cưới phụ nữ sẽ là người thực hiện thiên chức làm mẹ. Do đó, đây chính là sự chuẩn bị tốt nhất cho quá trình sinh nở, thai nghén và sinh ra những đứa con khỏe mạnh sau này. Thông qua khám tiền hôn nhân, người nữ sẽ nắm được tình hình sức khỏe của mình, bạn đời xem bản thân có mắc các vấn đề gì liên quan đến sinh sản, bệnh về tình dục hay mắc các bệnh di truyền ảnh hưởng đến con cái sau này không,… từ đó tìm ra biện pháp xử lý kịp thời. Khám sức khỏe sinh sản cũng là cơ hội để nữ giới nhận sự tư vấn của bác sĩ về các loại vắc xin nên tiêm, các dưỡng chất cần bổ sung cho quá trình mang thai về sau.
Danh mục khám đối với nữ giới trong gói khám tiền hôn nhân cơ bản thông thường sẽ bao gồm:
– Khám lâm sàng
– Khám tổng quát phụ khoa
– Xét nghiệm máu, nước tiểu
– Siêu âm ổ bụng
– Xét nghiệm ký sinh trùng, vi nấm soi tươi dịch âm hộ, âm đạo
– Test nhanh Chlamydia
Bên cạnh những danh mục này, nếu như có nhu cầu nữ giới hoàn toàn có thể yêu cầu thăm khám thêm những mục khác chuyên sâu hơn.
3. Những điều cần chuẩn bị khi khám sức khỏe sinh sản
Để đảm bảo các danh mục thăm khám được diễn ra thuận lợi nhất, khi đi khám tiền hôn nhân, các cặp đôi cần lưu ý:
– Đặt lịch thăm khám qua tổng đài: bạn nên đặt lịch thăm khám trước để được đảm bảo quy trình diễn ra sớm, không mất thời gian.
– Mang theo đầy đủ giấy tờ cần thiết: Chứng minh thư, thẻ căn cước công dân hoặc các giấy tờ tùy thân khác.
– Xét nghiệm máu: Trên thực tế một số xét nghiệm máu không yêu cầu người thăm khám phải nhịn ăn. Tuy nhiên, đa phần các xét nghiệm máu như glucose máu, cholesterol, Test Triglyceride,… đều phải nhịn ăn ít nhất từ 8 – 10 tiếng trước thời điểm lấy máu. Do đó, các cặp đôi hãy lưu ý điều này.
– Trước khi siêu âm ổ bụng hãy uống thật nhiều nước, bởi bàng quang căng tiểu mới là môi trường tốt nhất cho sóng siêu âm hoạt động.
– Riêng đối với nữ giới: Không thăm khám khi đang trong kỳ kinh nguyệt, đang đặt thuốc âm đạo,…
– Các cặp đôi cần kiêng quan hệ tình dục (từ 1 – 2 ngày), không uống đồ có ga, cồn hoặc sử dụng chất kích thích trước khi đi khám.
– Để tiện lợi nhất cho quá trình thăm khám, nên mặc đồ rộng rãi, thoải mái
– Mang theo đơn thuốc, chuẩn bị hồ sơ bệnh sử, các bệnh di truyền trong gia đình và những câu hỏi để bác sĩ giải đáp thắc mắc.
Bên cạnh đó, bạn nên đi khám vào buổi sáng để kết thúc gói khám sớm trong ngày và chuẩn bị kinh phí cho quá trình thăm khám, đồng thời đề phòng những phát sinh.
4. Chi phí khám tiền nhôn nhân khoảng bao nhiêu?
Như đã giới thiệu, gói khám tiền hôn nhân sẽ bao gồm nhiều hạng mục giúp các cặp đôi phát hiện bất thường, các nguy cơ bệnh lý ảnh hưởng tới sức khỏe và chức năng sinh sản về sau. Thực tế chi phí khám tiền hôn nhân sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: danh mục mà bạn lựa chọn, cơ sở thăm khám hay tình trạng sức khỏe của bạn…
Riêng đối với các trường hợp phát hiện bệnh lý và cần phải can thiệp để điều trị sẽ có thể phát sinh thêm chi phí. Bởi vậy, khi nhắc đến chi phí khám tiền hôn nhân, rất khó để đưa ra một mức giá chính xác khi chưa biết được tình trạng sức khỏe của người thăm khám. Tuy nhiên, hiện tại gói khám tiền hôn nhân cơ bản có giá dao động từ 1,5 – 3 triệu đồng. Để biết chi phí thăm khám đầy đủ và chi tiết, bạn có thể liên hệ trực tiếp tới các cơ sở y tế mà mình muốn đăng ký để được giải đáp.
Khám tiền hôn nhân không chỉ tạo được tâm lý thoải mái mà còn giúp các cặp đôi phát hiện và điều trị kịp thời những bệnh lý ảnh hưởng tới đời sống tình dục cũng như khả năng sinh sản. Bởi vậy, hãy thăm khám trước khi cưới để có được cuộc sống hôn nhân trọn vẹn nhất bạn nhé.