Phế quản là ống dẫn khí, nối từ họng xuống phổi. Viêm phế quản cấp là tình trạng nhiễm trùng cấp tính niêm mạc phế quản; tình trạng này thường xuất hiện đột ngột, đi kèm với nhiều triệu chứng khó chịu. Trong 5 năm đầu đời, trẻ có thể mắc viêm phế quản rất thường xuyên. Bởi thế, đọc ngay bài viết sau để biết khi nào trẻ có bệnh lý này và kịp thời xử lý, bố mẹ nhé!
Menu xem nhanh:
1. Dấu hiệu cho thấy trẻ có thể đang viêm phế quản cấp
Dấu hiệu viêm phế quản ở trẻ có thể bao gồm một hoặc nhiều triệu chứng sau đây:
– Sốt: Viêm phế quản thường gây sốt, từ vừa đến cao (trên 38.5 độ C).
– Ho: Ho là dấu hiệu chính của viêm phế quản. Ho do viêm phế quản thường là ho dữ dội, xuất hiện đặc biệt nhiều vào ban đêm.
– Sổ mũi, sưng nề niêm mạc mũi: Ban đầu, trẻ có thể sổ mũi, sau đó chuyển sang sưng nề niêm mạc mũi.
– Tức ngực: Trẻ có thể có cảm giác tức ngực.
– Khó thở: Viêm phế quản có thể gây khó thở, đặc biệt là khi trẻ vận động.
– Thở khò khè: Do niêm mạc phế quản nhiễm trùng, sưng nề, trẻ viêm phế quản có thể thở khò khè, thở rít.
– Buồn nôn và nôn: Khi ho do viêm phế quản, niêm mạc dạ dày trẻ có thể bị kích thích, khiến trẻ buồn nôn và nôn.
– Mệt mỏi, uể oải: Trẻ viêm phế quản thường mệt mỏi, uể oải do phải thở gắng sức.
2. Nguyên nhân viêm phế quản cấp phát sinh ở trẻ
Trẻ thường viêm phế quản do virus. Một số virus gây viêm phế quản phổ biến là: Rhinovirus, Adenovirus, Coronavirus, Respiratory Syncytial Virus (RSV)… Mặc dù nguyên nhân của hầu hết các trường hợp viêm phế quản là virus, cũng có trường hợp viêm phế quản bắt nguồn từ vi khuẩn, chẳng hạn như Mycoplasma pneumoniae hoặc Bordetella pertussis. Ngoài ra, trẻ có cơ địa dị ứng còn bị kích thích bởi các dị nguyên như phấn hoa, lông động vật, khói thuốc lá, bụi sinh hoạt, bụi công nghiệp, hóa chất… và có thể khởi phát viêm phế quản vì thế.
3. Biến chứng viêm phế quản trẻ có thể có
Viêm phế quản thường không nguy hiểm nếu được quản lý tốt. Trong hầu hết các trường hợp, bệnh lý viêm đường hô hấp này sẽ biến mất mà không để lại di chứng. Tuy nhiên, có một số trường hợp ngoại lệ; trong đó, trẻ gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Dưới đây là một số vấn đề sức khỏe như thế:
– Viêm phổi: Nếu nhiễm trùng từ phế quản lan xuống phổi, trẻ có thể viêm phổi.
– Suy hô hấp: Trong một số trường hợp viêm phế quản nặng, trẻ có thể suy hô hấp – một tình trạng y tế mà khi mắc, phổi của trẻ không còn khả năng hoạt động hiệu quả.
– Tăng nguy cơ viêm màng não: Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng viêm phế quản có thể làm tăng nguy cơ mắc viêm màng não ở trẻ.
Các tình huống sau đây có thể khiến viêm phế quản trở nên nguy hiểm: Trẻ sơ sinh; trẻ miễn dịch yếu; trẻ suy dinh dưỡng; trẻ có bệnh lý nền như hen phế quản, bệnh lý tim mạch, bệnh lý gan, bệnh lý thận…
4. Thăm khám và điều trị bệnh lý viêm phế quản cấp cho trẻ
4.1. Thăm khám cho trẻ viêm phế quản
Nếu bố mẹ nghi ngờ trẻ viêm phế quản, đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt là rất cần thiết. Tại đó, đầu tiên, bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử của trẻ, bao gồm các triệu chứng, thời điểm chúng xuất hiện và bất kỳ yếu tố rủi ro nào trẻ có thể gặp phải. Sau đó, bác sĩ sẽ nghe phổi để xác định âm thanh bất thường. Tiếp theo, bác sĩ sẽ yêu cầu trẻ chụp X-quang để đánh giá tình trạng phế quản và phổi. Bác sĩ cũng có thể sẽ yêu cầu trẻ xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu để đánh giá mức độ nhiễm trùng và các chỉ số sức khỏe tổng thể khác. Cuối cùng, dựa trên kết quả chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm, bác sĩ sẽ chẩn đoán và lập kế hoạch điều trị viêm phế quản cho trẻ.
4.2. Điều trị bệnh lý viêm phế quản cấp cho trẻ
Viêm phế quản ở trẻ thường là do virus nên điều trị viêm phế quản chủ yếu là tập trung vào hạn chế triệu chứng và cung cấp sự chăm sóc hỗ trợ. Dưới đây là một số lưu ý điều trị quan trọng, thường được bác sĩ khuyến cáo áp dụng:
– Sử dụng thuốc hạ sốt: Paracetamol hoặc Ibuprofen có thể được sử dụng để hạ sốt nếu cần thiết. Tuy nhiên, trước khi sử dụng chúng cho trẻ, bố mẹ nên trao đổi với bác sĩ.
– Sử dụng thuốc long đờm: Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê thuốc long đờm. Thuốc này làm loãng đờm trong phế quản và họng, giúp trẻ dễ ho, khạc chúng ra hơn. Để tăng cường hiệu quả long đờm, bố mẹ có thể sử dụng máy tạo độ ẩm không khí, giúp giảm kích thích niêm mạc phế quản.
– Sử dụng thuốc giãn phế quản: Nếu trẻ có triệu chứng thở khò khè, thở rít.
– Sử dụng thuốc kháng sinh: Trong trường hợp trẻ viêm phế quản do vi khuẩn.
– Uống đủ nước: Tăng cường cho trẻ uống nước lọc, nước dừa hoặc dung dịch Oresol để hạn chế nguy cơ trẻ mất nước do sốt, nôn; đồng thời làm loãng đờm, giảm kích thích niêm mạc phế quản.
– Nghỉ ngơi: Trẻ cần được nghỉ ngơi để cơ thể nhanh chóng hồi phục.
– Tiêu thụ đủ 4 nhóm dinh dưỡng: Bao gồm đạm, tinh bột, chất béo, Vitamin và khoáng chất. Tăng cường thực phẩm chứa kẽm và Vitamin C – những khoáng chất giúp củng cố hệ miễn dịch.
– Theo dõi sát sao triệu chứng viêm phế quản: Bố mẹ cần theo dõi sát sao triệu chứng viêm phế quản. Nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu khẩn cấp nào, như khó thở, thở gắng sức, môi và/hoặc ngón tay, ngón chân tím tái, xanh xao hoặc nôn mà không thể kiểm soát, hãy liên hệ với bác sĩ hoặc đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức. Các trường hợp đó, trẻ cần điều trị nội trú để được chăm sóc y tế chuyên sâu. Bác sĩ có thể xem xét truyền dịch, hỗ trợ thở máy hoặc thực hiện các biện pháp can thiệp khác để giúp trẻ phục hồi.
Phía trên là câu trả lời cho câu hỏi trẻ viêm phế quản cấp nhận biết thế nào, điều trị ra sao. Hy vọng rằng với chúng, trẻ sẽ được bảo vệ an toàn trước bệnh lý viêm đường hô hấp rất phổ biến này.