Phát triển nguồn nhân lực là nền tảng mà các công ty luôn chú trọng khi muốn gây dựng doanh nghiệp vững mạnh. Trong đó, khám sức khỏe định kỳ cho người lao động mang ý nghĩa quan trọng và thiết yếu. Tuy nhiên, trước vô vàn lựa chọn phòng khám sức khỏe doanh nghiệp, nhiều công ty vẫn còn nhiều đắn đo.
Menu xem nhanh:
1. Phòng khám sức khỏe doanh nghiệp cần đảm bảo yêu cầu gì?
Tại Việt Nam, các cơ sở y tế khám định kỳ doanh nghiệp cần đảm bảo tuân thủ theo thông tư số 14/2013/TT-BYT do Bộ Y tế quy định. Tuy vậy, tùy vào nhân lực của doanh nghiệp mà thông tư có các quy định khác nhau.
1.1. Tiêu chuẩn phòng khám sức khỏe doanh nghiệp Việt theo thông tư 14
Một cơ sở y tế đủ thẩm quyền khám sức khỏe cho doanh nghiệp cần có những tiêu chuẩn sau:
Hoạt động công khai
Địa chỉ khám sức khỏe doanh nghiệp cần đảm bảo độ uy tín, chất lượng bởi giấy phép hoạt động hợp pháp, hồ sơ đủ điều kiện khám cho cá nhân và doanh nghiệp. Các cơ sở này cũng được yêu cầu lưu trữ và khai báo đầy đủ báo cáo, danh mục những hoạt động và điều kiện cơ sở vật chất của cơ sở.
Đội ngũ y bác sĩ
Địa chỉ khám định kỳ chất lượng cần đảm bảo nguồn nhân lực chuyên môn cao, bao gồm:
– Đội ngũ trực tiếp thực hiện khám lâm sàng, cận lâm sàng bắt buộc phải có chứng chỉ khám chữa bệnh chuẩn theo Luật Khám bệnh chữa bệnh và theo chuyên khoa của chính bác sĩ đó. Trong trường hợp người thực hiện kỹ thuật khám cận lâm sàng mà pháp luật không quy định cần chứng chỉ hành nghề thì phải có bằng cấp chuyên môn phù hợp.
– Bác sĩ kết luận sức khỏe bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề Khám bệnh chữa bệnh và có kinh nghiệm thăm khám ít nhất 54 tháng. Đồng thời, bác sĩ phải được người có thẩm quyền của cơ sở khám ủy quyền và phân công thực hiện công việc gồm kết luận, ký giấy, sổ khám sức khỏe định kỳ. Việc ủy quyền này phải được cam kết bằng văn bản, có dấu đóng hợp pháp của chính cơ sở khám chữa bệnh.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại
Bệnh viện, phòng khám doanh nghiệp tiêu chuẩn cần đảm bảo có phòng khám lâm sàng, cận lâm sàng chuyên biệt từng chuyên khoa theo nội dung khám sức khỏe được Bộ Y tế quy định. Cơ sở cũng cần trang bị đầy đủ máy móc, hệ thống trang thiết bị theo thông tư 14 ban hành.
Danh mục khám
Gói khám sức khỏe định kỳ cho doanh nghiệp phải được thiết kế đầy đủ các danh mục thăm khám, kiểm tra theo đúng quy định của thông tư 14 bao gồm khám tổng quát, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh. Việc thực hiện đúng, đủ các bước khám theo quy định giúp kết luận chính xác về tình trạng sức khỏe, phát hiện sớm các bệnh lý cho người lao động.
1.2. Tiêu chuẩn phòng khám sức khỏe doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài
Cơ sở khám sức khỏe có yếu tố nước ngoài được gọi chung cho cơ sở có dịch vụ khám cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, người Việt Nam định cư nước ngoài và người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng. Những địa chỉ này ngoài việc tuân thủ các tiêu chí như các cơ sở khám sức khỏe Việt theo thông tư 14, cần đảm bảo thêm những điều kiện sau:
Về đội ngũ nhân sự
Cơ sở khám cho doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài yêu cầu có y bác sĩ chuyên khoa cấp I hoặc thạc sĩ y khoa trở lên. Đội ngũ này sẽ trực tiếp thực hiện khám lâm sàng, cận lâm sàng và kết luận sức khỏe cho người lao động. Tại đây cũng cần có phiên dịch viên, bởi người được khám và người khám không phải lúc nào cũng cùng thành thạo một ngôn ngữ. Phiên dịch viên làm việc tại đây bắt buộc phải có chứng chỉ đủ trình độ phiên dịch trong lĩnh vực khám chữa bệnh theo đúng quy định của Luật Khám bệnh chữa bệnh.
Danh mục khám
Người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, hoặc người Việt Nam đi làm việc, học tập tại nước ngoài đảm bảo có một sức khỏe tốt, không mắc các bệnh lây nhiễm, các bệnh lý về gan, phổi. Do vậy, ngoài những danh mục cần có theo gói khám sức khỏe doanh nghiệp Việt, cơ sở khám chữa có yếu tố nước ngoài phải bổ sung thêm các danh mục như:
– Xét nghiệm tầm soát sốt rét, giang mai, viêm gan A, B, C, E, ma túy, HIV/AIDS, bệnh phong…
– Xét nghiệm tìm ký sinh trùng
– Điện tâm đồ, điện não đồ
– Kỹ thuật siêu âm
Như vậy, tùy vào đối tượng người lao động mà mỗi cơ sở khám định kỳ doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chuẩn khác nhau. Tuy nhiên tất cả địa chỉ đều phải tuân theo những quy định tại thông tư 14.
2. Gợi ý cho doanh nghiệp lựa chọn địa chỉ khám sức khỏe định kỳ
Một số lưu ý dưới đây nhằm hỗ trợ các chủ doanh nghiệp, người sử dụng lao động dễ dàng cân nhắc lựa chọn phòng khám sức khỏe phù hợp:
Vị trí đắc địa: Các bệnh viện, phòng khám đặt tại trung tâm lớn, uy tín, có giấy phép hoạt động rõ ràng luôn là ưu điểm được các doanh nghiệp cân nhắc
Tiết kiệm chi phí: Hiện nay, các cơ sở khám sức khỏe thường đưa ra các chương trình khuyến mại nhằm thu hút khách hàng. Điều này giúp doanh nghiệp tiết kiệm được phần nào chi phí khám định kỳ. Tuy vậy, các công ty cần cân nhắc kỹ càng, cẩn thận, không vì chi phí rẻ mà bỏ qua các tiêu chí khác.
Khám lưu động: Để giảm tải chi phí di chuyển xa, không ảnh hưởng tới tiến độ công việc, các doanh nghiệp có thể lựa chọn các cơ sở y tế có dịch vụ khám lưu động, thiết kế phòng khám sức khỏe doanh nghiệp ngay tại công ty mà vẫn đảm bảo kết quả khám chính xác.
Không gian khám: Nếu lựa chọn khám tại cơ sở y tế, những doanh nghiệp lớn nên cân nhắc những địa điểm có không gian rộng rãi, đủ sức chứa đông người.
Gói khám: Ngoài việc tuân thủ các danh mục khám theo thông tư 14, mỗi doanh nghiệp có đặc thù khác nhau cần bổ sung các bước khám khác để tầm soát và phát hiện bệnh nghề nghiệp. Các chủ doanh nghiệp nên ưu tiên những cơ sở có dịch vụ thiết kế gói khám riêng theo đặc thù của mình.
Chất lượng dịch vụ: Bên cạnh những yêu cầu về năng lực, cơ sở vật chất, những dịch vụ đi kèm cũng vô cùng quan trọng. Một bệnh viện có đội ngũ hỗ trợ nhiệt tình, quy trình khám khép kín, quá trình trả kết quả nhanh gọn sẽ là những ưu điểm đi đầu khi doanh nghiệp đặt lên bàn cân.
Khám sức khỏe định kỳ cho doanh nghiệp vừa là trách nhiệm và nghĩa vụ, vừa là nền tảng giúp phát triển nguồn nhân lực. Việc lựa chọn phòng khám sức khỏe do đó hoàn toàn quan trọng và cần thiết. Hy vọng qua bài viết, các công ty có thêm kinh nghiệm lựa chọn cho doanh nghiệp mình địa chỉ khám phù hợp .