Ung thư vú là bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ và gây ra nguy cơ tử vong hàng đầu trong số các loại ung thư ở nữ giới hiện nay. Nếu phát hiện bệnh sớm thì tỷ lệ điều trị khỏi lên tới 90%. Do đó, bạn cần chủ động tầm soát ung thư vú sớm và duy trì lịch khám hàng năm. Vậy tầm soát ung thư vú là làm gì và có phức tạp không?
Menu xem nhanh:
1. Lý do nên tầm soát ung thư vú định kỳ hàng năm
Nữ giới có nhiều nguy cơ mắc ung thư vú hơn nam giới, bắt nguồn từ những yếu tố sau:
– Yếu tố liên quan đến kinh nguyệt: Có kinh trước 12 tuổi và bắt đầu mãn kinh sau 55 tuổi
– Yếu tố liên quan đến sinh sản: Sinh con lần đầu muộn hoặc chưa từng sinh con sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
– Tuổi: Phụ nữ ngoài 60 tuổi có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn so với nhóm tuổi còn lại.
– Có mẹ, chị gái hoặc người thân từng mắc ung thư vú.
– Thói quen không tốt trong sinh hoạt hàng ngày : hút thuốc lá, bia rượu thường xuyên; ăn nhiều chất béo, mỡ động vật;…
Ung thư vú có 4 giai đoạn, ở giai đoạn 0 đến 1 thì triệu chứng rất mờ nhạt, ở mức độ nhẹ dễ khiến bạn chủ quan, nhầm lẫn với các vấn đề sức khỏe thông thường. Khi bệnh chuyển biến sang giai đoạn 2-3-4 thì triệu chứng bắt đầu rõ ràng hơn, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe vì ung thư đã di căn đến các cơ quan khác thông qua các mạch máu và mạch bạch huyết. Tỷ lệ sống sau 5-10 năm rất thấp, chưa đến 30%. Vì vậy vai trò của các phương pháp chẩn đoán sớm là rất quan trọng.
2. Đối tượng cần tầm soát ung thư vú sớm
Trước khi tìm hiểu tầm soát ung thư vú là làm gì thì cần biết đâu là đối tượng được chuyên gia y tế khuyến cáo nên kiểm tra, sàng lọc càng sớm càng tốt.
Dưới đây là những người nên chủ động tầm soát sớm và duy trì lịch khám hàng năm để dự phòng bệnh:
– Nữ giới ngoài 40 tuổi
– Nữ giới có kinh sớm hoặc mãn kinh muộn hơn bình thường
– Nữ giới gặp vấn đề về sinh sản như: vô sinh, sinh con muộn sau 35 tuổi,…
– Nữ giới có tiền sử ung thư vú xâm lấn hoặc tại chỗ làm tăng nguy cơ phát triển ung thư vú xâm lấn ở vú đối diện
– Nữ giới có tiền sử gia đình có người thân mắc ung thư vú hoặc mang gen đột biến BRCA 1 hoặc BRCA 2 có tỷ lệ mắc ung thư vú cao hơn.
– Nữ giới tiêu thụ rượu, thuốc lá không kiểm soát.
– Nữ giới làm việc trong môi trường có nhiều tia bức xạ, tiếp xúc với các hóa chất độc hại thường xuyên.
– Nữ giới sử dụng hormone ngoại sinh.
3. Tầm soát ung thư vú là làm gì? Có phức tạp không?
3.1. Khám vú
Khám lâm sàng tuyến vú bước khám ban đầu trong cả quy trình tầm soát, bao gồm hỏi:
– Khai thác các yếu tố dịch tễ liên quan đến ung thư vú: tuổi, tình trạng sức khỏe, chu kỳ kinh nguyệt, tiền sử gia đình về ung thư,…
– Thăm khám tuyến vú 2 bên, hạch nách và hạch thượng đòn 2 bên. Mục đích nhằm khảo sát có bất thường ở bên ngoài vú hay không.
3.2. Làm xét nghiệm
Xét nghiệm máu là bước sàng lọc ung thư vú không thể thiếu. Kết quả xét nghiệm máu sẽ bổ trợ cùng với các phương pháp tầm soát chuyên sâu khác (chụp nhũ ảnh, siêu âm tuyến vú, sinh thiết) nhằm đưa ra chẩn đoán cuối cùng được chính xác nhất.
3.3. Chụp nhũ ảnh
Chụp nhũ ảnh là kỹ thuật sử dụng tia X cường độ thấp chiếu vào nhu mô vú để thu lại hình ảnh tại khu vực được khảo sát. Mỗi bên vú sẽ chụp 2 lần, ở tư thế thẳng và nghiêng.
Ưu điểm của kỹ thuật chụp nhũ ảnh:
– Cho phép phát hiện các bất thường, các khối u vú ở giai đoạn sớm, ngay cả khi bệnh nhân chưa sờ thấy hoặc nhìn thấy bằng mắt thường.
– Không xâm lấn.
– Quy trình thực hiện nhanh, nhẹ nhàng.
– Kết quả chính xác, chi phí thực hiện hợp lý
– Phát hiện dấu hiệu vi vôi hóa nhỏ (dấu hiệu nghi ngờ u ác tính) mà ở phương pháp siêu âm không đánh giá.
3.4. Siêu âm tuyến vú
Siêu âm là phương pháp sử dụng sóng âm năng lượng cao giúp kiểm tra được các mô và cơ quan trong cơ thể. Kết hợp kết quả siêu âm với chụp nhũ ảnh để làm rõ vị trí, số lượng, mật độ, bản chất khối u,… đặc biệt áp dụng với trường hợp phụ nữ có thai và cho con bú.
Với phương pháp này thì có các ưu điểm như:
– Dễ thực hiện, chi phí thấp, không xâm lấn và không ảnh hưởng đến bệnh nhân.
– Không tiếp xúc với tia X nên có thể áp dụng cho nữ đang mang thai hoặc nhạy cảm với tia X.
– Có độ chính xác cao, có thể phát hiện được những tổn thương nhỏ đường kính dưới 5 mm.
– Kỹ thuật này có thể hỗ trợ định vị mũi kim trong sinh thiết.
3.5. Sinh thiết
Qua xét nghiệm máu, khám vú, chụp nhũ ảnh và siêu âm, nếu bác sĩ nghi ngờ có sự xuất hiện của ung thư vú thì sẽ chỉ định sinh thiết để củng cố chẩn đoán cuối cùng. Bác sĩ sẽ lấy một phần nhỏ trong khối u ở vú hoặc lấy hoàn toàn khối u vú có nghi ngờ, sau đó kiểm tra dưới kính hiển vi để phân tích xem hình thái tế bào và cấu trúc mô có phải là ác tính hay không.
Sinh thiết là một thủ thuật xâm lấn nhưng cho phép bác sĩ củng cố được chẩn đoán của mình về sự nghi ngờ có hay không ung thư vú. Và chỉ có sinh thiết thì bác sĩ mới có thể biết bản chất chính xác của u cục.
Trên đây là thông tin gửi đến bạn để giải đáp cho thắc mắc về các bước tầm soát ung thư vú. Trên hành trình nói “không” với ung thư vú thì các chị em nên khám vú định kỳ 6 tháng – 1 năm, đặc biệt là những đối tượng có nguy cớ mắc cao được chuyên gia y tế khuyến cáo tầm soát sớm. Bên cạnh đó kết hợp với lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng đầy đủ sẽ giúp chị em luôn khỏe mạnh, an tâm sinh hoạt và làm việc.