Tẩy trắng răng là một trong những phương pháp thẩm mỹ làm trắng sáng hàm răng được quảng cáo rất nhiều hiện nay. Thế nhưng có nên tẩy trắng răng không? Rất nhiều người vẫn luôn băn khoăn về hiệu quả và tính an toàn của phương pháp này.
Menu xem nhanh:
1. Phương pháp tẩy trắng răng
Tẩy trắng răng bản chất là sử dụng các chất có tính oxy hóa để oxy hóa các thành phần nhiễm màu có mặt trong răng, giúp men răng lấy lại vẻ trắng sáng. Về cách thức thực hiện, hiện nay có hai phương thức tẩy trắng răng chính là tẩy trắng từ bên trong và tẩy trắng từ bên ngoài.
Đối tẩy trắng răng từ bên trong, các chất oxy hóa sẽ được kết hợp với phương pháp chiếu sáng để tác động sâu vào phần ngà răng, loại bỏ các phân tử màu. Lớp ngà răng phản chiếu thông qua lớp men răng trong suốt sẽ được sáng bóng đều hơn. Phương pháp này giúp kết quả tẩy trắng được bền hơn, giữ màu trắng lâu hơn. Đây cũng là phương pháp tẩy trắng được sử dụng phổ biến tại các phòng khám nha khoa: tẩy trắng bằng chiếu đèn plasma hay tia laser,…
Đối với tẩy trắng răng từ bên ngoài, tác động của thuốc tẩy chỉ có thể tác động phần men răng phía ngoài, chính vì thế mà tác dụng không được bền lâu. Tẩy trắng răng bên ngoài được biết đến với các phương pháp như tẩy trắng chậm bằng máng răng tại nhà hay sử dụng miếng dán trắng răng.
2. Có nên tẩy trắng răng không?
Những tác động từ bên ngoài như các loại thức ăn, đồ uống chứa màu (cà phê, cà ri,…), thói quen sử dụng thuốc lá thường xuyên,… có thể khiến răng bị nhiễm màu và làm mất đi tính thẩm mỹ của răng. Chính vì thế, tẩy trắng răng giúp răng lấy lại vẻ trắng sáng, tăng vẻ đẹp cho hàm răng, giúp bạn tự tin hơn khi giao tiếp, hay đơn giản giúp bạn có nụ cười đẹp hơn. Tuy nhiên, tùy từng trường hợp cụ thể mà việc có nên tẩy trắng răng không cần được cân nhắc và tư vấn từ các bác sĩ nha khoa.
2.1.Các trường hợp nên thực hiện tẩy trắng răng
Khi răng bị nhiễm màu, xỉn màu và thuộc một trong các trường hợp dưới đây thì bạn có thể lựa chọn tẩy trắng để giúp răng được trắng bóng hơn:
– Lớp men răng còn khỏe, ít bị mài mòn. Lớp men răng được coi là áo giáp bảo vệ cho phần ngà răng bên trong. Khi tẩy trắng, sự tác động của các chất có tính oxy hóa mạnh giúp răng trắng hơn song đồng thời cũng khiến phần ngà răng trở nên mềm và phải mất một thời gian mới có thể phục hồi. Lúc này, vai trò bảo vệ của lớp men răng sẽ phát huy tác dụng. Chính bởi vậy nếu lớp men răng quá mỏng thì lớp ngà răng sau khi tẩy trắng răng có thể nhanh chóng bị nhiễm màu trở lại và không mang đến hiệu quả tẩy trắng.
– Tình trạng răng miệng ổn định và khỏe mạnh. Điều này rất quan trọng bởi đối với một số bệnh răng miệng như sâu răng, viêm nha chu, viêm lợi,… thuốc tẩy trắng có thể khiến cho tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
– Người trên 18 tuổi và có cấu trúc hàm ổn định. 18 tuổi là độ tuổi răng bước vào giai đoạn trưởng thành và ổn định. Các khuyến cáo từ các chuyên gia nha khoa cho thấy, chỉ nên tẩy trắng răng khi răng đã phát triển toàn diện và cấu trúc hàm ổn định hoàn toàn. Như vậy với cả các trường hợp đang niềng răng, chỉnh nha thì việc tẩy trắng đều không được khuyến khích.
– Người đang không mắc các bệnh mạn tính.
2.2. Các trường hợp không nên thực hiện tẩy trắng răng
Bên cạnh các điều kiện tẩy trắng răng nêu trên thì về cơ bản, các trường hợp còn lại đều không nên tẩy trắng răng. Tuy nhiên, bạn vẫn cần lưu ý các trường hợp dưới đây đặc biệt không nên tiếp xúc với thuốc tẩy trắng:
– Người có cơ địa dị ứng với thuốc tẩy trắng răng. Nếu chưa tẩy trắng lần nào, rất khó để biết mình có bị cơ địa dị ứng hay không. Chính vì vậy, lần đầu tiên tẩy trắng, bạn cần thử thuốc tẩy trước khi thực hiện để thử phản ứng. Trong trường hợp dị ứng, điều đó có nghĩa bạn không thể làm trắng răng bằng phương pháp tẩy trắng này, hãy đến tham khảo ý kiến của bác sĩ nha khoa để tìm ra phương pháp làm trắng răng phù hợp.
– Răng bị hở cổ chân răng, lộ ngà răng.
3. Một số phương pháp tẩy trắng răng hiện nay
Như vậy bạn đã biết được khi nào thì nên tẩy trắng răng. Vậy nên tẩy trắng răng bằng cách nào?
Hiện nay có rất nhiều phương pháp giúp bạn tẩy trắng răng hiệu quả, có thể kể đến như:
3.1. Phương pháp tẩy trắng răng bằng thuốc kết hợp chiếu đèn Plasma hoặc đèn Laser
Đây là phương pháp được sử dụng phổ biến tại các phòng khám nha khoa với ưu điểm lớn là tẩy trắng bật tông màu răng và tẩy trắng nhanh.
Với phương pháp này, bác sĩ sẽ bảo vệ nướu và lợi của người bệnh bằng một dụng cụ đặc biệt để tránh tiếp xúc với thuốc tẩy. Thuốc tẩy trắng được tra vào các răng. Sau khi bảo vệ mắt, ánh sáng plasma hoặc laser sẽ được chiếu để giúp phản ứng làm trắng xảy ra nhanh hơn.
3.2. Phương pháp tẩy trắng răng bằng máng
Bạn sẽ được bác sĩ thiết kế máng răng có kích thước bằng với kích thước răng. Thuốc tẩy trắng sẽ được tra vào cá máng răng và đeo vào răng để thực hiện tẩy trắng.
Ở phòng khám nha khoa, bác sĩ có thể kết hợp chiếu đèn để hiệu quả nhanh hơn. Nếu bạn thực hiện tẩy trắng tại nhà, bạn sẽ cần đeo máng niềng mỗi ngày và liên tục từ 1 đến 2 tuần để có kết quả như ý.
3.3. Sử dụng miếng dán trắng răng
Đây là phương pháp phổ biến, khá dễ sử dụng. Tuy nhiên lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại do miếng dán được bán tràn lan và hầu hết người dùng tự mua về để dán. Điều này vô tình dẫn đến việc không hiểu rõ về lượng thuốc tẩy có trong miếng dán cũng như kỹ thuật dán không đúng. Theo thống kê, số lượng người tự ý dùng miếng dán gặp các vấn đề tổn thương nướu lợi cũng như mòn men răng rất nhiều. Chính vì thế, nếu muốn sử dụng miếng dán một cách thuận tiện và an toàn, bạn vẫn nên tham khảo ý kiến của các nha sĩ.
Trên đây là một số thông tin về tẩy trắng răng cũng như cách thức thực hiện tẩy trắng răng. Hi vọng rằng những thông tin này đã giúp bạn trả lời câu hỏi có nên tẩy trắng răng không cũng như mang đến cho bạn những kiến thức bổ ích để có hàm răng sáng trắng, bật tông.