Sỏi bàng quang là loại sỏi chiếm 30% các loại sỏi đường tiết niệu. Vậy bệnh sỏi bàng quang có nguy hiểm không? Chúng ta cần làm gì để ngăn ngừa biến chứng hay cách phòng tránh bệnh ra sao? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây để giúp bạn nhận thức rõ ràng hơn về căn bệnh này nhé.
Menu xem nhanh:
1. Sỏi bàng quang là gì – nguyên nhân hình thành bệnh
Sỏi bàng quang là một dạng chất rắn có tại bàng quang – một trong những cơ quan của hệ tiết niệu. Nguyên nhân có sỏi trong bàng quang chủ yếu do hai yếu tố sau:
– Nước tiểu tích tụ lâu ngày, ứ đọng trong bàng quang dẫn đến cặn trong nước tiểu kết cụm tạo thành sỏi. Uống ít nước khiến hệ bài tiết ảnh hưởng, dẫn đến không buồn đi tiểu, nước tiểu ứ đọng. Ngoài ra có một số bệnh lý dẫn đến tình trạng ứ đọng nước tiểu tại bàng quang là: Sa bàng quang, phì đại tuyến tiền liệt, túi thừa bàng quang, hội chứng bàng quang thần kinh.
– Sỏi thận, sỏi niệu quản rơi xuống bàng quang, mắc lại mà không được bài xuất thông qua nước tiểu ra ngoài cơ thể.
2. Sỏi bàng quang gây nguy hiểm như thế nào cho người bệnh?
Những viên sỏi bàng quang nhỏ có thể tự động ra ngoài khi đi tiểu mà không gây bất cứ vấn đề gì. Khi sỏi tiến triển lớn hơn dần dần theo thời gian mà không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều nguy hiểm đến sức khỏe người bệnh từ nhẹ đến nặng.
2.1 Bệnh sỏi bàng quang có nguy hiểm không – Các triệu chứng gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt
Người mắc bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng làm ảnh hưởng đến thời gian ngủ nghỉ, ăn uống, vận động thể thao không như bình thường, dẫn đến sức khỏe suy giảm. Các triệu chứng sau đây sẽ có tần suất nhiều hơn, làm cơ thể khó chịu hơn khi kích thước sỏi ngày một lớn:
– Triệu chứng đau: Đau bụng dưới, đau âm ỉ hoặc dữ dội. Ở nam giới cơn đau còn có thể lan xuống đến dương vật.
– Triệu chứng tiểu không thuận lợi: Tiểu khó, tiểu buốt, tiểu ngưng giữa chừng, tiểu rắt, tiểu nhiều lần trong ngày do sỏi trong bàng quang gây tắc nghẽn nước tiểu đi xuống niệu đạo.
– Nước tiểu màu sậm hoặc lẫn máu: Sỏi có tính di động sẽ gây ra cọ xát vào niêm mạc dễ gây nhiễm trùng hoặc chảy máu. Từ đó nước tiểu sẽ không có màu khác lạ so với bình thường.
2.2 Bệnh sỏi bàng quang có nguy hiểm không – Những biến chứng bạn không nên chủ quan
Nếu không được điều trị kịp thời bạn sẽ gặp các biến chứng không chỉ tại bàng quang mà còn ảnh hưởng đến các cơ quan khác.
– Viêm bàng quang: Như đã đề cập phía trên khi sỏi cọ xát sẽ gây trầy xước, chảy máu bàng quang. Kết hợp với việc bàng quang không thể tháo rỗng hoàn toàn tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn tấn công gây viêm.
– Rò bàng quang âm đạo ở nữ giới: Người bệnh sẽ đi tiểu không tự chủ bởi có sự xuất hiện lỗ thông rất bé giữa bàng quang với âm đạo. Do đó nước tiểu rò qua vị trí đó và đẩy ra ngoài, rất bất tiện cho người bệnh.
– Cầu bàng quang: Khi sỏi chặn hoàn toàn gây bí tiểu, bụng dưới căng tức tạo nên hiện tượng cầu bàng quang. Lúc này nếu bạn đi tiểu được hoặc được đặt ống thông tiểu sẽ không còn căng phồng. Nguy hiểm hơn là có thể vỡ bàng quang nếu không được thông tiểu kịp thời.
– Các bệnh lý ở thận: Nước tiểu ứ đọng lâu tại bàng quang mà không đào thải được ra bên ngoài sẽ dẫn đến hiện tượng chảy ngược trở lại về thận. Tắc nghẽn đường niệu sẽ dẫn đến các vấn đề về thận như: Giãn đài bể thận, suy giảm chức năng thận, viêm thận, nguy hiểm nhất là suy thận.
3. Phòng tránh sỏi bàng quang và hạn chế những biến chứng của sỏi bàng quang
3.1 Cách hạn chế nguy cơ biến chứng đối với người đã mắc sỏi
Khi có các dấu hiệu bệnh bất thường, bạn nên đến bệnh viện uy tín để được thăm khám và chẩn đoán chính xác loại sỏi, vị trí, kích thước, tình trạng sức khỏe, từ đó sẽ có phương pháp điều trị kịp thời.
Nếu sỏi nhỏ có thể tự bài xuất hoặc cần phải uống thuốc để bào mòn sỏi dễ dàng cho quá trình bài xuất ra ngoài cơ thể thì bạn cần tuân thủ những yêu cầu của bác sĩ về chỉ định dùng thuốc, chế độ ăn uống, sinh hoạt.
Khi sỏi lớn cần đến các phương pháp tán sỏi, bạn cần tìm bệnh viện có đầy đủ trang thiết bị hiện đại, bác sĩ giỏi chuyên môn cao để quá trình tán sỏi đạt hiệu quả cao nhất. Tránh vì lo sợ, hoặc để sỏi tự đào thải bằng các phương pháp không chính thống, có thể sẽ dẫn đến sỏi tiếp tục gia tăng kích thước, tiềm tàng nhiều nguy cơ biến chứng cao hơn. Hiện nay các phương pháp tán sỏi công nghệ cao ít xâm lấn, ít đau, ít chảy máu, mang lại khả năng bình phục nhanh, tỷ lệ sạch sỏi rất cao, nên bạn hoàn toàn có thể yên tâm. Đối với sỏi bàng quang phương pháp nội soi tán sỏi ngược dòng bằng laser được áp dụng mang lại hiệu quả tối ưu.
3.2 Cách phòng tránh sỏi bàng quang
Phòng tránh là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe, không chỉ sống cuộc sống khỏe mạnh mà còn không tốn nhiều chi phí chữa trị. Chính vì vậy bạn nên:
– Uống nhiều nước hàng ngày, tối thiểu 2 lít nước để đảm bảo cho hệ tiết niệu hoạt động ổn định. Có thể bổ sung thêm nước ép trái cây, rau củ nếu không uống đủ lượng nước tinh khiết.
– Nên ăn đủ lượng trái cây, rau củ mỗi ngày, không nên ăn quá nhiều thịt, đồ chiên rán dầu mỡ, thức ăn nhanh, muối, đường.
– Tránh sử dụng rượu bia, đồ uống có cồn, thuốc lá, chất kích thích… những chất này đi vào cơ thể dễ gây tích tụ tạo sỏi.
– Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường của cơ thể. Từ đó dựa trên lời khuyên của bác sĩ để điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, cân bằng lại các dưỡng chất nạp vào cơ thể tránh nguy cơ hình thành sỏi.
Sỏi bàng quang gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe. Vậy nên khi phát hiện các dấu hiệu bất thường bạn nên đến cơ sở y tế để được thăm khám xác định bệnh, mức độ nghiêm trọng của bệnh để từ đó có phương pháp điều trị kịp thời, tránh những biến chứng gây bất lợi cho sức khỏe.